Lễ đón Bằng công nhận Di sản thế giới Thành nhà Hồ

17/06/2012 09:37

Tối 16/6/2012, Lễ đón bằng công nhận Thành nhà Di sản Văn hóa thế giới đã diễn ra long trọng tại khu di tích Thành nhà Hồ (Vĩnh Lộc, Thanh Hóa).

Tối 16/6, lễ đón bằng công nhận Di sản văn hóa Thế giới Thành nhà Hồ đã diễn ra trọng thể tại khu di tích Thành nhà Hồ thuộc huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa). Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, cùng đại diện các Bộ, Ban, ngành TƯ, các tỉnh thành phố; đại diện Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO), các đoàn ngoại giao và hàng nghìn người dân xứ Thanh đã tới dự.



Đại diện tổ chức UNESCO trao Bằng công nhận Thành nhà Hồ là Di sản thế giới cho lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá

Phát biểu tại lễ đón nhận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định: Thành nhà Hồ- một công trình quân sự, kiến trúc độc đáo được nhân dân gìn giữ, bảo tồn hơn 600 năm qua, được đánh giá mang giá trị nổi bật toàn cầu, được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa Thế giới là niềm vui, niềm tự hào của nhân dân Thanh Hóa và nhân dâncả nước. Thành nhà Hồ cùng với các di sản khác được thế giới công nhận đã tô đậm thêm nền văn hóa ngàn năm hết sức phong phú của dân tộc Việt Nam, góp phần để bạn bè thế giới hiểu thêm về đất nước, con người Việt Nam, mở ra triển vọng, cơ hội phát triển du lịch, nghiên cứu văn hóa. Chủ tịch Quốc hội yêu cầu tỉnh Thanh Hóa phối hợp cùng các cơ quan hữu quan bảo tồn, phát huy giá trị di sản theo Luật Di sản Văn hóa của Việt Nam, Công ước quốc tế về bảo vệ di sản văn hóa- Thiên nhiên thế giới; đồng thời nghiên cứu làm rõ thêm giá trị của các công trình, hiện vật còn nằm trong lòng đất.



Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đến dự và phát biểu tại lễ đón nhận


Để thực hiện được nhiệm vụ quan trọng này, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến kêu gọi các ngành, các cấp, các tổ chức, các tầng lớp nhân dân trong tỉnh phát huy nội lực, làm hết sức mình để bảo tồn, trùng tu, tôn tạo, quảng bá di sản văn hóa Thành nhà Hồ phục vụ du khách thập phương đến thăm quan, học tập, nghiên cứu và truyền lại cho các thế hệ con cháu mai sau. Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa cũng mong muốn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo, đầu tư của Đảng, Nhà nước; sự chỉ đạo, giúp đỡ của Bộ VHTTDL, các Bộ, Ban, ngành TƯ; sự ủng hộ, giúp đỡ của UNESCO, các tổ chức quốc tế; sự phối hợp, hợp tác, ủng hộ của các tỉnh bạn và các doanh nghiệp, các hãng lữ hành trong và ngoài tỉnhtrong việc bảo tồn và phát huy di sản đáng quý này.




Chương trình nghệ thuật sân khấu hóa “Thành nhà Hồ- niềm tự hào đất Việt” với sự tham gia của 800 diễn viên chuyên và không chuyên
mừng sự kiện này

Giúp người dân cả nước cũng như du khách quốc tế hiểu hơn về quá trình xây thành và triều đại nhà Hồ một thời, lễ đón nhận tiếp diễn bằng chương trình nghệ thuật sân khấu hóa “Thành nhà Hồ- niềm tự hào đất Việt” với sự tham gia của 800 diễn viên chuyên và không chuyên. Sau những hình ảnh chấm phá cảnh sắc nước Nam, ý tưởng về một cuộc cách tân toàn diện mà khởi đầu là việc xây thành dời đô của vua Hồ Quý Ly được tái hiện một cách chân thực, sinh động qua chương I “Khát vọng thiên đô”. Những nhân vật lâu nay chúng ta chỉ được biết qua sách vở như: Thái thư­ợng Hoàng Trần Nghệ Tông, Hồ Quý Ly, Trần Khát Chân, Đỗ Tĩnh, Nguyễn Như Thuyết đã lần lượt xuất hiện thông qua ngôn ngữ và hình tượng nghệ thuật. Chương II “Huyền thoại xây thành”, khắc hoạ công cuộc xây thành, dời đô của Hồ Quý Ly vào năm 1397. Ở chương này, cả một vùng núi đá An Tôn ngàn năm ngủ im bỗng bừng tỉnh, vặn mình làm cuộc rạn vỡ, thoát xác trước bàn tay con người. Hình ảnh đại công trường đá với hàng ngàn người được tái hiện. Bức tường Thành nhà Hồ với những cổng vòm thênh thang hiện lên sừng sững, báo hiệu non sông chính thức bước sang một trang sử mới. Chương cuối “Hồn đá” khẳng định sự trường tồn và kiêu hãnh của Thành nhà Hồ được thể hiện thông qua những màn hát múa tưng bừngthể hiệnniềm vui đón nhận Thành nhà Hồ trở thành Di sản thế giới.

Trong buổi lễ long trọng này, Trợ lý Tổng giám đốc Tổ chức UNESCO Eric Falt và Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội Katherine Mueller-Marin đã trao Bằng công nhận Di sản văn hóa Thế gới Thành nhà Hồ cho chính quyền và nhân dân tỉnh Thanh Hóa.

Sự tham gia đông đảo và nhiệt tình của người dân tỉnh Thanh Hóa trong lễ đón nhận bằng công nhận Di sản đã chứng minh lòng tự hào của người dân địa phương đối với di sản có một không hai của dân tộc. Mặc dù phải đến 20 giờ, chương trình đón nhận bằng Di sản mới diễn ra nhưng hàng ngàn người dân đã đến theo dõi chương trình ngay từ cuối giờ chiều. Gia đình bà Phạm Thị Tuyết, 57 tuổi (thôn Cẩm Bào, xã Vĩnh Long, Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) đã bỏ cả buổi cấy để đi xem chương trình trực tiếp. Bà vui vẻ cho biết: “600 năm mới có một ngày này nên 4 ngày nay, ngày nào gia đình tôi cũng đi xem diễn tập. Hôm nay truyền hình trực tiếp cả nhà phải đi xem, cả đời mới có một lần. Tôi sinh ra và lớn lên ở đây, nên hình ảnh Thành nhà Hồ đã gắn bó từ thời chăn trâu cắt cỏ. Thời đó, chỉ thấy tại sao ngày xưa cha ông mình có thể xây dựng được thành đô nguy nga tráng lệ như vậy. Tôi và những người dân nơi đây rất vinh dự, tự hào khi Thành nhà Hồ được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Mong rằng, Thành nhà Hồ sẽ được trùng tu, tôn tạo, gìn giữ để các thế hệ con cháu được biết đến một công trình kiến trúc độc đáo của cha ông ta để lại”.

Di sản sẽ được gìn giữ khi người dân- những chủ thể của di sản có tình yêu, niềm tự hào về giá trị của nó trong đời sống hôm nay. Điều đó cũng được đại diện UNESCObày tỏtin tưởng. Ông Eric Falt, Trợ lý Tổng giám đốc Tổ chức UNESCO chia sẻ, khi người dân tự hào và được hưởng lợi từ di sản thì di sản sẽ được giữ gìn. Ông Falt khẳng định: “Chúng tôi nhận thức được rằng, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều hành động quan trọng để quản lý và bảo tồn di sản Thành nhà Hồ, đặc biệt là việc thành lập một BQL với đầy đủ quyền hạn và chức năng. BQL này sẽ tiếp tục nâng cấp kế hoạch quản lý Thành nhà Hồ cho phù hợp với vị thế của một di sản văn hóa thế giới, nhưng quan trọng là kế hoạch này phải tính đến sự gia tăng lượng khách tới tham quan.

Chúng tôi hy vọng, cộng đồng địa phương- những người sinh sống trên mảnh đất đầy tính nhân văn này sẽ là đối tượng chính được hưởng lợi từ di sản thông qua việc phát triển du lịch, khôi phục các làng nghề truyền thống, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Có như vậy, di sản mới được bảo tồn, khai thác một cách nền vững”./.


Theo Toquoc-M

Lễ đón Bằng công nhận Di sản thế giới Thành nhà Hồ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO