Xã hội

Lễ hội Đền Bạch Mã giàu bản sắc văn hóa

Mai Hoa 07/03/2025 21:04

Đền Bạch Mã (huyện Thanh Chương) là một trong tứ đại đền thiêng nhất vùng Nghệ Tĩnh: “Nhất Cờn, nhì Quả, tam Bạch Mã, tứ Chiêu Trưng”. Lễ hội tại đền hàng năm trở thành hoạt động văn hoá tâm linh đặc sắc của người dân địa phương và du khách thập phương. Lễ hội Đền Bạch Mã năm 2025 được huyện Thanh Chương tổ chức vào các ngày 8 và 9/3 (tức ngày 9 và 10/2 Ất Tỵ).

lehoidenbachma-cover.png

Mai Hoa • 07/03/2025

Đền Bạch Mã (huyện Thanh Chương) là một trong tứ đại đền thiêng nhất vùng Nghệ Tĩnh: “Nhất Cờn, nhì Quả, tam Bạch Mã, tứ Chiêu Trưng”. Lễ hội tại đền hàng năm trở thành hoạt động văn hoá tâm linh đặc sắc của người dân địa phương và du khách thập phương. Lễ hội Đền Bạch Mã năm 2025 được huyện Thanh Chương tổ chức vào các ngày 8 và 9/3 (tức ngày 9 và 10/2 Ất Tỵ).

lehoidenbachma-tit1.png

Nằm ở phía Tây Nam tỉnh Nghệ An, huyện Thanh Chương là vùng quê giàu truyền thống văn hoá, lịch sử và cách mạng. Trên địa bàn hiện có 457 di tích được tỉnh kiểm kê, bảo vệ; trong đó có 73 di tích được xếp hạng (14 di tích cấp Quốc gia, 59 di tích xếp hạng cấp tỉnh; nổi bật là đền Bạch Mã).

Đền Bạch Mã tọa lạc tại thôn Hà Lương, xã Kim Bảng, bên tuyến đường nối đường Hồ Chí Minh về quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh (xã Kim Liên, huyện Nam Đàn), cách thành phố Vinh khoảng 41km và cách đường Hồ Chí Minh khoảng 4km. Đền Bạch Mã là nơi thờ tướng Phan Đà, Hoa Lương văn đạo Tướng quân và Thiết Cương anh quả.

Một góc kiến trúc đền Bạch Mã. Ảnh: Hữu Thịnh
Một góc kiến trúc đền Bạch Mã. Ảnh: Hữu Thịnh

Tướng Phan Đà sinh vào những năm đầu thế kỷ XV, trong một gia đình sống bằng nghề chài lưới ven sông Lam, ở thôn Chí Linh, huyện Thổ Du (nay là thôn Minh Tân, xã Kim Bảng, huyện Thanh Chương). Phan Đà là người thông minh, tuấn tú, giỏi võ nghệ, cung tên nên nhân dân gọi là “trẻ kỳ đồng”. Khi có giặc ngoại xâm, ông đã tập hợp nghĩa quân ngày đêm luyện tập.

Năm 1418, Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa ở Lam Sơn (Thanh Hoá), sau đó về Nghệ An để xây dựng căn cứ chống giặc Minh. Tướng Phan Đà đã đem lực lượng của mình gia nhập nghĩa quân Lam Sơn và cùng dân binh địa phương hăng hái tham gia nhiều trận chiến đấu tiêu diệt địch. Phan Đà là vị tướng mưu lược dũng cảm “Xông vào trận mạc như xông vào chỗ không người”, làm cho địch nhiều phen khiếp sợ. Khi ra trận, Phan Đà thường mặc áo giáp trắng, cưỡi ngựa trắng nên nhân dân thường gọi ông bằng cái tên “Thần Bạch Mã”.

Toàn cảnh Đền Bạch Mã. Ảnh tư liệu: Trung Hà
Toàn cảnh đền Bạch Mã. Ảnh tư liệu: Trung Hà

Trong một trận chiến, bị phục kích bất ngờ, Tướng Phan Đà bị thương nặng, được ngựa mang về, gần đến Võ Liệt thì trút hơi thở cuối cùng tại Công Trung, Lai Thành (nay là thôn Trung Thành, xã Kim Bảng, huyện Thanh Chương). Thi thể ông được mối vùi lấp, rất linh ứng, được cho là phù giúp nhân dân, tướng lĩnh trong bảo vệ bờ cõi nên nhân dân đã lập miếu thờ ông.

Năm 1428, Lê Lợi lên ngôi vua, xét công lao của Tướng Phan Đà, đã cấp tiền của, giao cho nhân dân sở tại xây dựng ngôi đền bề thế, lộng lẫy và tổ chức các nghi lễ hàng năm; đồng thời sắc phong “Đô thiên đại đế Bạch Mã thượng đẳng phúc thần”. Các triều đại phong kiến về sau tiếp tục sắc phong hơn 100 đạo sắc cho thần Bạch Mã và tôn ông làm “Thượng - Thượng - Thượng đẳng tối linh tôn thần”.

Tại đền Bạch Mã cũng ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử quan trọng. Năm Quang Thuận thứ 6 (1465), đích thân Vua Lê Thánh Tông trên đường đi chinh phục phương Nam đã đến thăm đền và làm lễ tế tại đây. Năm Cảnh Hưng thứ 30 (1770), Quận công Bùi Thế Đạt đã vào làm lễ tế trên đường đi đánh giặc và do được linh ứng, nên các cuộc giao chiến của vua và quận công đều thắng lớn.

Ban quản lý đền Bạch Mã biện lễ tại cung Thượng điện. Ảnh Mai Hoa
Ban quản lý đền Bạch Mã biện lễ tại cung Thượng điện. Ảnh: Mai Hoa

Trong cao trào cách mạng 1930-1931, đền Bạch Mã được sử dụng để tổ chức các hoạt động bí mật của tổ chức Nông hội xã Võ Liệt. Năm 1945, nhân dân tổng Võ Liệt đã tập trung tại đền trước lúc đến huyện đường lật đổ chính quyền thực dân phong kiến và rất nhiều sự kiện quan trọng của nhân dân Thanh Chương trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ.

Đồng chí Đặng Văn Hoá - Trưởng phòng Văn hoá, Khoa học và Thông tin huyện Thanh Chương chia sẻ: “Đền Bạch Mã không chỉ là nơi gắn liền với sự tích về Tướng Phan Đà và các tướng sĩ đã hy sinh vì nước ở thế kỷ XV; mà còn là biểu tượng về lòng yêu nước, nơi giáo dục truyền thống “uống nước nhớ nguồn” cho các thế hệ. Đây cũng là một công trình văn hoá vật thể có nhiều giá trị lịch sử, văn hoá đặc sắc. Hàng năm, chính quyền và nhân dân Thanh Chương luôn quan tâm trùng tu, bảo tồn các kiến trúc, nghệ thuật cổ kính, đặc sắc và nhiều tài liệu, hiện vật, đồ tế khí quý hiếm. Chính những giá trị lịch sử, kiến trúc và văn hóa đặc biệt của ngôi đền, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) đã xếp hạng “Di tích lịch sử - Văn hóa - Kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia”, tại Quyết định số 226/QĐ-BT ngày 05/02/1994.

Cổng tam quan đền Bạch Mã (Thanh Chương). Ảnh Hữu Thịnh
Cổng tam quan đền Bạch Mã (Thanh Chương). Ảnh: Hữu Thịnh
lehoidenbachma-tit2.png

Ngoài giá trị lịch sử, văn hóa; đền Bạch Mã là nơi diễn ra hoạt động văn hoá tín ngưỡng tâm linh của người dân bản địa và du khách thập phương. Chị Nguyễn Thị Xuân Mai - người con quê hương Thanh Chương hiện đang sinh sống tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Năm nào về quê, gia đình tôi cũng dành thời gian đến đền Bạch Mã dâng lễ; năm không về được thì nhờ anh em họ hàng đến dâng hương, dâng lễ lên các thánh, các thần tại đền để cầu xin gia đình bình an và cuộc sống mỗi người ngày càng tiến bộ”.

Tại đền Bạch Mã, hàng năm diễn ra một hoạt động văn hóa có quy mô lớn, đó là Lễ hội Đền Bạch Mã, được tổ chức vào các ngày 9 và 10/2 âm lịch. Lễ hội Đền Bạch Mã năm 2025 được tổ chức vào các ngày 8 và 9/3 (tức ngày 9 và 10/2 Ất Tỵ). Lễ hội gồm hai phần: phần lễ và phần hội. Phần lễ là các nghi thức trang nghiêm cổ xưa, gồm lễ khai quang tại đền Bạch Mã; lễ dâng hương tại phần mộ Phan Đà, thuộc xóm Long Biên, xã Kim Bảng; lễ dâng hương tại Phủ Ngoại - thôn Minh Tân, xã Kim Bảng; lễ rước kiệu; lễ yết cáo, lễ tế thần và lễ tạ tại đền Bạch Mã.

Lễ rước thần tại lễ hội Đền Bạch Mã. Ảnh: Hữu Thịnh
Lễ rước thần tại Lễ hội Đền Bạch Mã. Ảnh: Hữu Thịnh

Về phần hội được huyện Thanh Chương tổ chức nhiều hoạt động văn hoá, thể thao sôi nổi, gồm thi đấu bóng chuyền nam; kéo co nữ; các trò chơi dân gian: vật cù, đập niêu, đi cà kheo, ném còn… Trong khuôn khổ lễ hội cũng sẽ diễn ra hội thi nữ sinh thanh lịch Lễ hội Đền Bạch Mã năm 2025; tổ chức các gian hàng trưng bày giới thiệu sản phẩm OCOP và đặc trưng, đặc sản của địa phương; trưng bày gian hàng chuyển đổi số…

Đồng chí Trình Văn Nhã – Phó Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương khẳng định: Thông qua tổ chức các hoạt động hội nhằm khơi dậy tinh thần thượng võ, đoàn kết của các tầng lớp nhân dân; đồng thời tạo không gian sinh hoạt văn hoá lành mạnh, bổ ích cho nhân dân và du khách thập phương. Các hoạt động cũng góp phần bảo tồn các giá trị văn hoá đậm đà bản sắc của dân tộc, quê hương Thanh Chương. Đặc sắc nhất trong hoạt động hội, chính là vật cù. Đây là hoạt động vừa nhằm tái hiện cách thức tuyển quân của Tướng Phan Đà, còn mang tính biểu tượng sâu xa về phong tục thờ Mặt trời của dân cư nông nghiệp trồng lúa nước.

Nghi thức tế lễ tại đền Bạch Mã. Ảnh: Mai Hoa - Hữu Thịnh
Nghi thức tế lễ tại đền Bạch Mã. Ảnh: Mai Hoa - Hữu Thịnh

Tương truyền, vào thế kỷ XV, Phan Đà gia nhập nghĩa quân Lê Lợi, được giao cai quản vùng đất Thổ Du và tuyển mộ dân đinh, trai tráng khỏe mạnh, nhanh nhẹn của địa phương để sung quân đánh giặc. Để có thể lựa chọn được những chàng trai hội tụ đủ các yếu tố: có lực, trí, dũng, nhanh nhẹn, khéo léo vào đội quân đánh giặc, ông đã nghĩ ra hình thức tuyển binh tương đối đơn giản song lại khá hiệu quả, đó là tổ chức thi vật cù.

Trước đây, hội đền Bạch Mã tổ chức cả 3 hình thức cù gôn, cù đẩy và cù nước. Nay hội chỉ tổ chức vật cù gôn; nghĩa là ở hai đầu sân, mỗi bên đào một hố sâu rộng 50cm x 50cm, phía trên cắm 1 lá cờ hội. Mỗi trận diễn ra khoảng 15 phút, mỗi đội có 7 người tham gia tranh cù, vật cù (cù tròn - làm bằng gốc chuối). Các đội làm sao đưa được quả cù vào hố của phe đối phương mà không được ôm, vật đối phương. Mỗi trận cù thực sự là một cuộc đấu trí, đấu sức mạnh và phô diễn sự khéo léo, đoàn kết của hai đội. Với giá trị tiêu biểu, Lễ hội Đền Bạch Mã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia theo Quyết định số 2969/QĐ-BVHTTDL ngày 27/8/2019.

Các hoạt động thể thao tại Lễ hội đền Bạch Mã. Ảnh: Mai Hoa - Huy Thư
Các hoạt động thể thao tại Lễ hội Đền Bạch Mã. Ảnh: Mai Hoa - Huy Thư

Trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, Đảng, Nhà nước ta luôn coi trọng và xác định rõ giá trị di sản văn hóa là một trong những yếu tố tạo nên bản sắc văn hóa dân tộc, là nguồn lực để xây dựng và phát triển đất nước. Việc tổ chức Lễ hội Đền Bạch Mã năm 2025 với nhiều hoạt động văn hoá đặc sắc, tiếp tục góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tinh thần của dân tộc, khơi dậy tinh thần đoàn kết vì mục tiêu phát triển của quê hương, đất nước”.

Đồng chí Trình Văn Nhã – Phó Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

Lễ hội Đền Bạch Mã giàu bản sắc văn hóa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO