Lễ hội Đền Cả - nét đẹp văn hóa một vùng quê
(Baonghean) - Đã thành lệ, cứ 3 năm một lần, vào ngày 16 tháng Giêng, xã Hoa Thành (huyện Yên Thành, Nghệ An) lại long trọng tổ chức lễ hội Đền Cả để tượng nhớ Thành Hoàng và các vị thần linh đã có công “bảo quốc hộ dân”, cầu cho mưa thuận gió hòa, dân yên nước thịnh.
Lễ hội Đền Cả là họat động văn hóa tâm linh đã tạo được ấn tượng và đi vào tiềm thức của mỗi người dân Yên Thành. Thành công của các kỳ lễ hội đã tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống tinh thần của nhân dân, phát huy và giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống của quê hương.
Đền Cả không chỉ là di tích văn hóa tâm linh mà còn là chứng tích lịch sử của quê hương, đất nước trong những năm chiến tranh. Nơi đây đã từng che chở, bảo vệ, là nơi bí mật gặp gỡ, bàn bạc việc lớn của các lãnh tụ Cần Vương như Nguyễn Xuân Ôn, Lê Doãn Nhã cuối thế kỷ 19. Trong kháng chiến chống Pháp, Đền Cả đã từng cưu mang, che chở nhiều lớp học của trường Trung học Lê Doãn Nhã (Yên Thành). Trong kháng chiến chống Mỹ, Đền Cả có khi là kho tập kết hàng hóa của nhà nước, chuẩn bị cho chiến trường…
Ngoài phần lễ được tổ chức trang trọng, phần hội diễn ra sôi nổi và hấp dẫn bằng các hoạt động văn hóa, văn nghệ dân gian, những trò chơi mang đậm tinh thần thượng võ của ông cha như: đấu vật, đánh cờ̀ thẻ, chọi gà, chơi đu, diễn các tích tuồng cổ thu hút đông đảo nhân dân trong vùng và du khách tham gia.
Ông Lê Thanh Bình (Bí thư, Chủ tịch UBND xã Hoa Thành) cho biết: Từ lễ hội này chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hóa để lễ hội thực sự đi vào tiềm thức, phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân, trở thành lễ hội của dân, góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể trên quê hương Hoa Thành.
Thái Hồng