Lễ hội Đền Chín Gian- Đậm "sắc màu" Tây Bắc xứ Nghệ

27/03/2009 10:00

Với mỗi người Thái nơi vùng cao Tây Bắc xứ Nghệ, mảnh đất Mường Tôn vùng Quế Phong và một phần của huyện Quỳ Châu mãi mãi là nơi hướng tâm thức về một thời cha ông khai mường, lập đất. Và ngôi đền Chín Gian là một phần không thể thiếu trong tín ngưỡng linh thiêng...

Huyền tích Chín Gian


Mọi truyền thuyết cũng như các cứ liệu lịch sử đều chứng tỏ rằng, vùng Mường Nọc (Quế Phong) là mảnh đất đầu tiên mà bà con người Thái đã đến đây khai bản, lập mường, để ngày nay có cả một cộng đồng người Thái miền Tây đông đúc, quây quần hội tụ. Và với mỗi người dân tộc Thái, đây luôn là nơi hướng về trong tâm thức, để mỗi năm cùng nhau hành hương về nguồn cội, cùng mở hội tế trời, lễ tổ và cầu phúc cho chín bản mười mường.

Lễ hội Đền Chính Gian. Ảnh: Lê Bá Liễu.

Đền Chín Gian có tên gọi là "Tến Xớ Quái" (tức đền Hiến Trâu) nằm trên một ngọn đồi nhỏ, còn gọi là "Pú Pỏm", ở phía Nam Mường Tôn, bên dòng sông Nậm Giải. Đoạn sông này gọi là bến "Tà Tạo", tức Bến Quan. Đến tận bây giờ, không ai biết chính xác ngôi đền được xây dựng từ bao giờ, nhưng có một truyền thuyết rất hay kể về quá trình chuyển dời ngôi đền đi dựng mới. Từ khoảng thế kỷ thứ XVIII trở về trước, ngôi đền được dựng trên một ngọn đồi cao hơn 350m, gọi là "Pú Chò Nhàng", nằm phía tây bắc Mường Tôn, cách bản Khoẳng (Châu Kim) hơn 2km.

Đến ngày mở lễ hội tế trời, khi chuẩn bị hành lễ hiến trâu cho các vị thần linh, trong lúc đang tắm trâu ở "Bắng Cọc" thuộc đoạn sông Nậm Giải chảy dọc sát với chân đồi bản Khoẳng, bỗng dưng có con rồng bay đến cuốn mang đi mất con trâu trắng của Mường Tôn. Tạo Mường thấy điềm xấu liền cho dân chúng giết trâu làm lễ khấn xin trời phật, tổ tiên để được chuyển dời ngôi đền đi nơi khác. Tương truyền, có một con quạ cổ khoang trắng đến gắp lấy miếng xương trâu nơi đền cũ bay đi và thả xuống một ngọn đồi nhỏ phía nam Mường Tôn. Đền Chín Gian được dựng ở đó cho đến ngày nay.


Phong phú nghi thức, đậm đà bản sắc lễ hội


Đã thành lệ, trong các dịp lễ tế trời và Tạo Ló-ỳ, lễ vật đầu tiên và không thể thiếu của dân Mường Tôn dâng lên bao giờ cũng là một con trâu cái trắng- vật lễ trong các cuộc cúng tế linh thiêng nhất. Hai mường khác là mường Quáng và mường Puộc cũng hiến trâu trắng nhưng là trâu đực, các mường còn lại cúng trâu đen, đặc biệt trâu không được có khuyết tật, nhất là do hổ vồ. Ngoài ra, mỗi mường phải có thêm 9 con lợn con, 90 con gà nhỏ và 90 gắp cá sông nướng.


Điểm nhấn đặc sắc, nổi bật và rất riêng của lễ hội đền Chín Gian ở Quế Phong, đó là lễ hiến trâu. Ngày lễ hội đầu tiên được dành để "qua cửa", sang ngày thứ 2 mới tiến hành nghi thức "Hắp quái", tức lễ nộp trâu trước khi hiến. "Bà mo chủ" dẫn các tạo mường, ông ạp (ông tắm trâu) và các cụ già cầm đuốc đi quanh con trâu 3 vòng tỏ ý đồng lòng dâng trâu.

Sau đó ông ạp mới đưa trâu đi tắm ở bến sông Tà Tạo và đưa trâu lên buộc ở "Lắc quái"- cột buộc trâu. Trước 9 cây cột, có 9 cây đa cổ thụ của 9 mường. Sau khi "ông ạp" chém trâu, thịt trâu được đặt lên bậc sạp cao nhất của gian đền. Bà mo tiến hành làm lễ nạp trâu suốt 3 ngày đêm, sau đó đem nấu tại chỗ mọi người cùng ăn, nhất thiết không ai được đem về.


Nghi thức tín ngưỡng riêng của đồng bào người Thái còn được thể hiện rất rõ trong các hình thức hát khắp, hát nhuôn. Ở mỗi gian đền, khi bà mo hành lễ, đằng sau thường có 6-8 cô gái hát đệm bài cúng, kể về cuộc hành trình lên mường Trời. Trong hành trình ấy, có cả đường sông, đường bộ. Khi bà mo cúng đến chỗ đi thuyền, các cô gái hát "Hắp khắp nhứa", tức hát đẩy thuyền, tới chỗ vua ở, hát "Chầu Phủa", tức lạy vua v.v...


Nếu không khí của lễ hiến sinh trong đền trang trọng bao nhiêu, thì các hoạt động vui chơi của phần hội lại vui nhộn bấy nhiêu. Trong hội trại bên ngoài đền, ngoài của các cơ quan, đơn vị và trường học, còn có 14 nhà trại của 14 xã, thị trấn được làm thành nhà sàn chắc chắn, phía trong bài trí theo hình thức sinh hoạt của người Thái, cùng với nhiều sản phẩm do đồng bào làm ra được giới thiệu để du khách có thể thưởng thức ngay trong nhà trại.

Năm nào cũng vậy, đến kỳ lễ hội, mỗi mường sẽ cử ra 9 đấu thủ đua tài trong trò chơi bắn nỏ, với phần thưởng là mảnh vải vuông do các cô gái tự dệt, một hộp đựng thuốc bằng bạc và một túi da đựng trầu cau..

Các cuộc thi vui khác như kéo co, vật dân tộc, ném còn, nhảy sạp, múa vòng, tung còn, đánh cồng chiêng, khắc luống, uống rượu cần, múa lăm vông, thi bắn nỏ, đẩy gậy, giao lưu bóng chuyền, diễn xướng dân gian, liên hoan nghệ thuật quần chúng và thi người đẹp chín mường đến từ 14 xã, thị trấn trong huyện.

Nhưng sôi nổi và tình tứ hơn cả, phải kể đến các hình thức diễn xướng dân gian mang đậm sắc thái dân tộc Thái, như nhảy sạp, lăm, khắp, đặc biệt là hát xuối, lăm, nhuôn chúc Tạo mường sống lâu, chúc cho 9 bản 10 mường được bình yên, hạnh phúc. Những hoạt động vui chơi này được tổ chức quanh đền, ở các bản lân cận vào các buổi tối, kéo dài đến tận khuya.


Đến với lễ hội Đền Chín Gian, du khách còn được thưởng thức hình thức hát thơ theo cốt truyện trường ca của các chàng trai, cô gái Thái, đặc biệt là điệu hát "Hắp bảo xảo", tức hát giao duyên. "Khoi dặc tắt láu hưn Pú Quái á Mọc, dặc tan nắm chú Mướng Nọc á xiểng..." (Ước sao được hứng sương trên đền trâu cho bông lau gặp gió, ước được làm vợ, làm chồng với người Mường Nọc đẹp nổi tiếng cả 9 mường...). Những lời hát vấn vít bước chân, giọng hát chân thành, mộc mạc, lời ca mê đắm với những ánh mắt tình tứ, chao nghiêng đã dệt nên biết bao câu chuyện tình lãng mạn...

Đến với lễ hội Đền Chín Gian, mỗi người sẽ cảm nhận những nét đặc trưng rất riêng không lễ hội nào có. Ông Nguyễn Đình Yên- Chủ tịch UBND huyện Quế Phong cho biết: " Lễ hội Đền Chín Gian được tổ chức, vừa nhằm thoả mãn nhu cầu sinh hoạt văn hoá tâm linh, vừa đáp ứng những đòi hỏi cảm xúc, thẩm mỹ của đồng bào dân tộc Thái.

Thông qua các hoạt động của lễ hội, sẽ góp phần khơi dậy truyền thống tốt đẹp "uống nước nhớ nguồn" biết ơn những người có công dựng bản, lập mường; đồng thời góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của đồng bào dân tộc Thái vùng Tây Bắc Nghệ An. Đây cũng là cơ hội để Quế Phong giao lưu văn hoá, nối vòng tay bạn bè, nhằm thắt chặt tình đoàn kết giữa các dân tộc anh em.

Đồng thời, thông qua việc đến với lễ hội, du khách sẽ được tham quan các di tích, danh thắng đẹp nổi tiếng trên địa bàn, từ đó góp phần giới thiệu, quảng bá tiềm năng du lịch của huyện vùng cao biên giới Quế Phong".


Phú Hương

Mới nhất

x
Lễ hội Đền Chín Gian- Đậm "sắc màu" Tây Bắc xứ Nghệ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO