Lễ hội Đền - Chùa Gám và sự định hình các giá trị văn hóa
(Baonghean) - Trong 3 ngày: 24, 25, 26/3, Lễ hội Đền – Chùa Gám đã diễn ra. Đông đảo du khách, cư dân địa phương, người vãn cảnh xuân, cảnh chùa, phật tử từ các đạo tràng hội tụ về nơi cửa Phật, đắm chìm trong các hoạt động của lễ hội mang đậm giá trị văn hóa cổ truyền. Và điều đặc biệt ở Lễ hội Đền – Chùa Gám là không có cảnh bán hàng lộn xộn, rác bẩn, đốt vàng mã và ăn xin…
Dấu ấn tư tưởng “Tam giáo đồng nguyên”
Đền - chùa Gám ở xã Xuân Thành, huyện Yên Thành từ lâu là cụm văn hóa tâm linh nổi tiếng. Tại đây có sự gặp gỡ, hội tụ về tín ngưỡng, tôn giáo, trở thành trung tâm tôn giáo của vùng dân cư rộng lớn. Theo sử sách, đền Gám thờ các vị thần có công bảo quốc, hộ dân: Cao Sơn, Cao Các, Sát hải Đại vương Hoàng Tá Thốn, Tam tòa Đại vương, Tứ vị Thánh nương. Chùa Gám (còn gọi là chùa Chí Linh) có lối kiến trúc, điêu khắc, hoa văn và họa tiết được xác định là công trình kiến trúc Phật giáo theo tông phái Trúc Lâm. Đền – chùa Gám tồn tại trên mảnh đất giàu truyền thống hiếu học, tư tưởng trung quân ái quốc theo tinh thần Khổng giáo.
Như vậy, nơi đây từ xa xưa đã có tinh thần hòa đồng về tín ngưỡng, là hiện thân của tư tưởng Tam giáo đồng nguyên - môt nét bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam. Và ngày nay, bản sắc đó được phản ánh rõ nét thông qua Lễ hội Đền – Chùa Gám. Qua 3 ngày tổ chức lễ hội, nhiều nội dung tế lễ, sinh hoạt khác nhau nhưng được phối hợp tổ chức một cách hài hòa. Tín ngưỡng Phật giáo, tín ngưỡng Lão giáo, tín ngưỡng Nho giáo song hành, hòa quyện trong tín ngưỡng dân gian của làng quê, làm phong phú và đặc sắc cho lễ hội.
Những ngày lễ hội, chùa Gám thường xuyên chuẩn bị từ 3 đến 5 nghìn suất cơm chay cho các phật tử, các du khách và cư dân bản địa về với lễ hội. Lúc cao điểm có đến 5,5 nghìn người ở lại dùng cơm chay của nhà chùa (trưa ngày 26/3/2013, ngày Rằm tháng Hai Quý Tỵ). Du khách đi Lễ hội Đền – Chùa Gám được tìm hiểu lược sử vể đạo Phật, tìm hiểu giáo lý Phật pháp, tham dự lễ hội hoa đăng, lễ cầu an, cầu siêu, tham gia các sinh hoạt Phật giáo, Lão giáo. Đồng thời, được tham gia các sinh hoạt, trò chơi giàu tinh thần thượng võ, lòng yêu nước, yêu quê hương, dân tộc. Tư tưởng “Tam giáo đồng nguyên” cũng là yếu tố quan trọng tạo nên tinh thần đoàn kết, cùng chung sức, chung lòng để xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng quê hương thái bình giàu đẹp. Đến với lễ hội, mỗi người còn có thể tìm lấy cho mình sự thanh thản, tĩnh tâm, từ bi hỷ xả, đồng thời được soi mình, được nhắc nhở, khuyên răn để ngộ ra nhiều điều về nhân đức, phẩm hạnh, nhân cách và lẽ sống.
Một góc chùa Gám Ảnh: Hồ Các
Đậm đà sắc thái dân gian
Lễ hội Đền – Chùa Gám năm nay như có sự đồng hiện giữa quá khứ và hiện tại, sự đan kết giữa những vỉa tầng văn hóa từ xưa vẫn đang hiện diện xa gần đây đó trong đời sống hôm nay. Các trò chơi, sinh hoạt dân gian diễn ra trong 3 ngày chính hội lúc nào cũng kín chật người. Sân lễ hội luôn sôi động với 2 giải vật: vật cổ truyền và vật tự do mở rộng. Các sới vật luôn vang dậy tiếng reo hò, cổ vũ, sự căng thẳng hồi hộp xen lẫn thán phục bởi năm nay có sự tham gia không chỉ của các đô vật trong vùng mà còn có sự góp vui của các đô vật đến từ Nam Đàn, Diễn Châu… Những trò chơi dân gian như: đi cầu khỉ qua ao nước, đánh cờ thẻ, kéo co, đẩy gậy, đánh đu… thu hút sự tham gia của mọi lứa tuổi, lúc nào cũng rộn âm thanh reo hò, náo nức.
Du khách đến lễ hội đã được chứng kiến các nghệ nhân đánh trống biểu diễn nhiều khúc thức, kỳ, hồi phong phú, tài hoa. Tiếp đó là biểu diễn tuồng cổ - một phần không thể thiếu trong các lễ hội ở làng Gám. Màn trình diễn của 22 nghệ nhân đội tuồng Kẻ Gám được du khách hưởng ứng nồng nhiệt bởi diễn viên là những nông dân, công nhân viên chức sinh sống tại làng Gám, thông qua vở tuồng cổ Trần Bình Trọng, các “nghệ nhân làng” đã “cháy hết mình” để tái hiện sinh động hào khí Đông A, tinh thần yêu nước, ý thức tự cường, tự tôn dân tộc. Sau mỗi tấn tuồng, mỗi câu hát hay là tiếng reo hô tán thưởng, biểu thị sự giao lưu giữa người biểu diễn và khán giả.
Về với lễ hội, người dân trong vùng và du khách thập phương được tham gia các phần chính lễ trang nghiêm, long trọng với sự tham gia có khi lên đến hàng vạn người như: Lễ rước cờ Tổ quốc, cờ phật, ảnh Bác Hồ; rước Đức Phật, Tam tòa Đại vương và Tứ vị Thánh nương, Cao Sơn, Cao Các, Sát hải Đại vương, thủy tổ của các dòng họ lớn trong làng, ngựa thần đền Gám... từ núi Gám về chùa – đền Gám để tế lễ. Tham dự đêm hội hoa đăng, thắp nến và cầu an, lễ cầu siêu do Đại đức Thích Trúc Thông Kiên – Trụ trì chùa Gám (Chí Linh tự) làm chủ lễ; tham dự khai quang, yết cáo, đại tế, lễ tạ ở đền Gám do ban lễ nghi 9 dòng họ lớn trong làng Gám làm chủ tế.
Thi đánh trống tế tại Lễ hội Đền - Chùa Gám - Ảnh: Hồ Các
Điều đặc biệt tạo cho Lễ hội Đền – Chùa Gám năm nay thành công mà ít có lễ hội nào có được, đó là không có cảnh vứt rác bẩn, không có hàng quán với panô, áp phích lộn xộn, không có cảnh nhan nhản người hành khất ở khu vực đền – chùa và sân lễ hội; Không có âm thanh loa máy mở hết công suất, không có hòm công đức dựng khắp nơi, không bày bán và đốt hàng mã, không có các trò chơi và quầy hàng mang dáng dấp hội chợ, ở khu vực chùa và khu vực lễ hội… Anh Thái Hữu Hòa, người dân làng Gám tâm sự: Người dân địa phương không coi đây là dịp để kinh doanh, mà thậm chí còn coi đây là dịp để góp công đức, công sức và thời gian để tham gia hội làng, tuyên truyền và giới thiệu về hội làng. Chính quyền địa phương đã vận động và ngăn chặn triệt để các hiện tượng lợi dụng lễ hội để kinh doanh, các biểu hiện “thương mại hóa” lễ hội.
Cô giáo Vân Anh, một du khách đến từ phường Hưng Bình, TP Vinh, nhận xét: Thực sự, Lễ hội Đền – Chùa Gám năm 2013 là nơi du khách và dân làng tìm đến để vui hội đúng nghĩa. Tôi cũng như nhiều người khác về với Lễ hội Đền – Chùa Gám là để trở về với cội nguồn, về với nhu cầu đời sống tâm linh, tìm thấy ở đó sự thanh tĩnh của chính bản thân mình, đồng thời cảm nhận được sự gắn kết và tôn vinh sức mạnh cộng đồng thông qua những sinh hoạt cộng đồng mang đậm bản sắc văn hóa vùng nông nghiệp lúa nước. Khi con người ta trở về với văn hóa cổ truyền một cách nghiêm túc, thành tâm, thì đó cũng là lúc con người ta thể hiện và thực hiện nếp sống văn minh trong các sinh hoạt cộng đồng một cách tự thân, tự nguyện.
Đại đức Thích Trúc Thông Kiên – trụ trì chùa Gám, cho biết: “Năm nay là năm thứ 3 khôi phục lại Lễ hội Đền – Chùa Gám. Qua 3 lần tổ chức lễ hội cho thấy đây là một vùng đất rất giàu. Đó là giàu truyền thống văn hóa, giàu tín ngưỡng, giàu tính thiện. Có cảm giác như mấy ngày qua không ai muốn rời khỏi lễ hội. Nhân dân làng Gám và vùng lân cận, gần như nhà nào, người nào cũng đến với lễ hội. Ngày rước Đức Phật và chư vị thần linh hàng vạn người khắp các ngả đường đổ ra, hòa vào lễ rước, đầy đủ, đông đúc, kéo dài từ làng Gám, qua 3 cánh đồng, lên đến núi Gám, nhưng rất trật tự, nghiêm túc. Đến với lễ hội ai cũng có niềm vui nên ai cũng giữ ý thức góp vào thành công chung. Đó chính là tinh thần làm chủ, là chủ thể đích thực. Mấy ngày diễn ra lễ hội có đủ các tầng lớp xã hội tham gia nhưng không hề có cảnh lộn xộn. Tại đây đang định hình văn hóa lễ hội truyền thống. Những giá trị cổ truyền được khơi dậy, giá trị mới hình thành. Thực sự, lễ hội là dịp tốt để định hình, nhân lên các giá trị văn hóa tốt đẹp”.
Trao đổi với chúng tôi về thành công của Lễ hội Đền – Chùa Gám năm 2013, đồng chí Quỳnh Anh - Phó Giám đốc Sở VH - TT và DL nói ngắn gọn: “Có nhiều yếu tố góp phần tạo nên thành công của Lễ hội Đền - Chùa Gám. Nhưng yếu tố quyết định là sự tham gia của người dân, nhất là người dân bản địa với một ý thức cao về trách nhiệm bảo vệ, giữ gìn văn hóa truyền thống, nếp sống văn minh cũng như lòng tự tôn, tự hào về nguồn cội, về quê hương. Khi mọi người dân được tham gia và được giáo dục, tuyên truyền thấm nhuần một ý thức như thế, và người dân là chủ thể của lễ hội, lễ hội thực sự thành công. Trong hoạt động lễ hội, chính quyền không nên làm thay người dân. Chính quyền chỉ cần định hướng, tuyên truyền, giáo dục, quản lý, kiểm tra, giám sát. Chính quyền Yên Thành đã làm được điều đó, và Lễ hội Đền - Chùa Gám đã thực sự thành công.
Ngô Kiên