Lễ hội Đền Cờn, đậm nét văn hóa biển

17/02/2014 14:32

(Baonghean) - Cứ vào ngày 20, 21 tháng Giêng (âm lịch) hàng năm, Lễ hội Đền Cờn lại được tổ chức. Đây đã là một lễ hội truyền thống thuộc loại cổ xưa nhất của xứ Nghệ, thu hút hàng vạn du khách thập phương về tham dự. Lễ hội mang đậm nét văn hóa độc đáo, phản ánh đời sống sinh hoạt, tín ngưỡng dân gian của người dân biển Quỳnh.

(Baonghean) - Cứ vào ngày 20, 21 tháng Giêng (âm lịch) hàng năm, Lễ hội Đền Cờn lại được tổ chức. Đây đã là một lễ hội truyền thống thuộc loại cổ xưa nhất của xứ Nghệ, thu hút hàng vạn du khách thập phương về tham dự. Lễ hội mang đậm nét văn hóa độc đáo, phản ánh đời sống sinh hoạt, tín ngưỡng dân gian của người dân biển Quỳnh.

Đền Cờn tọa lạc trên gò Diệc, bên bờ Mai Giang, sát cửa biển Lạch Cờn thuộc làng Phương Cần, phường Quỳnh Phương, Thị xã Hoàng Mai. Theo thần phả, sắc phong và các tài liệu lịch sử như: Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Nam nhất thống chí, Việt điện U linh tập: Đền Cờn được xây dựng vào năm 1235 đời nhà Trần, trong thờ Tứ vị Thánh nương. Các Thánh nương là ba mẹ con Công chúa nước Nam Tống là Từ Thi Thái hậu Dương Nguyệt Quả, hai Công chúa Triệu Nguyệt Khiêu, Triệu Nguyệt Hương và bà nhũ mẫu. Năm Thiệu Bảo thứ nhất (1229), quân Nguyên đánh úp quân Tống ở Nhai Sơn, Trương Thế Kiệt, Lục Tú Phu trung thần nhà Nam Tống đem vua Đế Bính, gia quyến cùng binh sỹ hơn 800 người lên thuyền ra biển chạy trốn bị quân Nguyên truy sát gấp rút lại gặp sóng to gió lớn, vua tôi Nam Tống chết chìm ở biển Đông. Thi thể 3 mẹ con Công chúa trôi dạt vào cửa Tráp (cửa Càn). Dân làng Càn thấy thi thể những phụ nữ chết đuối nhưng mặt mũi hồng tươi, xiêm y quý tộc, đặc biệt tỏa ra mùi thơm như lan như quế nên lấy làm lạ, bèn chôn cất và lập miếu thờ, sau đó mỗi khi ra khơi đến cầu khẩn đều thấy linh nghiệm. Từ đó người dân đặt tên cho địa phương mình là Hương Cần, hay còn gọi là Phương Cần, nay thuộc phường Quỳnh Phương.

Đua thuyền tại Lễ hội Đền Cờn.
Đua thuyền tại Lễ hội Đền Cờn.

Đại Việt sử ký Toàn thư và Đại Nam Nhất Thống Chí ghi rõ: “Năm Hưng Long thứ 19 (1311), vua Trần Anh Tông thân chinh đi đánh Chiêm Thành. Thuyền ba quân đến cửa Càn Hải tức cửa Cờn, xã Phương Cần, huyện Quỳnh Lưu, dừng lại nghỉ ngơi. Ban đêm nhà vua mộng thấy nữ thần khóc và nói: Thiếp là cung phi nhà Triệu Tống, bị giặc bức bách, gặp sóng gió chết đuối trôi dạt đến nơi này. Thượng đế phong cho làm Thần biển ở đây đã lâu, nay bệ hạ đem quân đi, thiếp xin giúp đỡ lập công. Sáng sớm hôm sau nhớ lại, Trần Anh Tông cho mời các bô lão trong vùng đến hỏi mới rõ sự tích, liền vào đền kính tế. Ra đi biển trời lặng gió, vua kéo quân đến thẳng thành Chà Bàn thắng trận lớn. Năm sau vua trở về cho dựng đền ngói, bốn mùa cúng tế và phong là Quốc gia Nam Hải đại càn Thánh nương”.

Lễ Yết cáo  tại Lễ hội Đền Cờn.  Ảnh:  T.C
Lễ Yết cáo tại Lễ hội Đền Cờn. Ảnh: T.C

Sang thời Lê, nhân dân Phương Cần (Quỳnh Phương) dựng thêm đền Ngoài trên núi Thằn Lằn, sát bờ biển thờ vị sư– người đã có công cưu mang ba mẹ con Dương Thái Hậu, vua Đế Bính cùng các tướng lĩnh và tùy tùng... Năm Hồng Đức thứ nhất 1470, vua Lê Thánh Tông mang quân đánh dẹp phương Nam, cũng dừng chân tại cảng Xước nghỉ ngơi chỉnh đốn binh lực và vào đền tế lễ. Sau khi thắng trận, vua tôi định kéo quân tiến thẳng Thăng Long nhưng vừa ra đến cửa biển thì gió Đông Bắc nổi lên, đoàn thuyền phải vào cửa Cờn dưới chân đền trú gió. Lê Thánh Tông lấy làm lạ bèn ban thêm phẩm vật, cho tạc tượng dựng thêm mấy tòa đền và làm thơ ngự chế.

Dưới triều nhà Lê, rồi nhà Nguyễn, ngôi đền nhiều lần được trùng tu, sửa chữa và xây dựng mới nên kiểu dáng kiến trúc, cách bài trí đồ tế khí, chạm hoa văn rồng, phượng... mang phong cách văn hoá cuối Lê đầu Nguyễn, mặc dù đền được xây dựng từ thời nhà Trần. Tháng 9 - 1966, đền Cờn bị bom Mỹ đánh phá, làm hư hỏng ba cung thờ chính cùng nhiều đồ tế khí có giá trị. Hiện nay còn lại nghinh môn và toà ca vũ. Trong đền còn lưu giữ nhiều pho tượng cũ, đồ tế khí có giá trị lịch sử văn hoá, tín ngưỡng. Đền Cờn gắn liền với những mẩu chuyện huyền thoại linh thiêng lưu truyền trong nhân dân và lễ hội mang đậm bản sắc văn hoá Việt Nam, đang ngày càng thu hút du khách thập phương về tham quan, nghiên cứu và sinh hoạt tín ngưỡng.

Trước đây, Lễ hội Đền Cờn được nhân dân tổ chức hàng năm cầu mong một năm trời yên, biển lặng, đánh bắt nhiều hải sản, cầu lộc, cầu yên; là một sinh hoạt văn hóa dân gian cổ truyền mang đậm sắc thái địa phương của các làng ven biển ở Quỳnh Lưu. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, lễ hội không được tổ chức và đến năm 1999 mới được phục hồi. Với những giá trị to lớn đó, ngày 29/1/1993 Bộ Văn hóa - Thông Tin ra Quyết định số: 68/QĐ - BVHTT công nhận đền Cờn là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia, đi kèm với đó nhiều hạng mục của đền được tái tạo và khôi phục lại khang trang thêm.

Năm 2013, Thị xã Hoàng Mai được thành lập, đền Cờn, xã Quỳnh Phương theo quyết định của Chính phủ nằm trong địa giới hành chính của thị xã. Mặc dù Thị xã Hoàng Mai vừa được thành lập và trải qua đợt lũ lụt lịch sử với nhiều tổn thất, khó khăn. Tuy nhiên, với sự cố gắng, quyết tâm của lãnh đạo thị xã, người dân, Lễ hội Đền Cờn năm nay vẫn được duy trì, tổ chức với những trò chơi mới, đặc sắc và hoành tráng. Theo chủ trương của Thị xã Hoàng Mai: Lễ hội Đền Cờn vẫn là một lễ hội nông nghiệp, chủ yếu là cầu ngư và với việc tổ chức các hoạt động sôi nổi, hướng tới bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa cũng như tạo điểm nhấn quan trọng để phát triển du lịch, mời gọi du khách về tham quan các điểm di tích lịch sử, văn hóa, các điểm du lịch biển.

Để chuẩn bị tốt cho Lễ hội Đền Cờn và khai trương du lịch TX. Hoàng Mai năm 2014, năm nay UBND thị xã đã thành lập ban tổ chức và các tiểu ban đảm bảo quy cũ, trang nghiêm. Các tiểu ban nội dung và tuyên truyền; lễ nghi; an ninh, y tế; hậu cần, lễ tân có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch tổng thể, chuẩn bị nội dung, chương trình, triển khai công tác tuyên truyền, quảng bá... giúp ban tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ đề ra. Ông Nguyễn Văn Bình, Phó Ban Tổ chức Lễ hội, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin thị xã cho biết: “So với những năm trước, Lễ hội Đền Cờn năm nay vẫn được tổ chức gồm 2 phần chính: Phần lễ bao gồm lễ khai quang, lễ yết cáo, lễ khai hội – lễ mới, lễ cầu ngư, lễ hợp tế, lễ yết vị, lễ đại tế và lễ tạ; Phần hội gồm triển lãm ảnh, chương trình văn nghệ, hội thi tiếng chim hót chào xuân, thi đấu các môn thể thao như đua thuyền, đẩy gậy, bóng chuyền, kéo co và các trò chơi dân gian truyền thống của địa phương. Năm nay Lễ hội Đền Cờn có những điểm mới đặc sắc và được tổ chức quy củ hơn. Đó là thị xã còn cho khôi phục, dàn dựng lại tục rước voi, rước ngựa đã bị mai một, quên lãng cách đây 40-50 năm. Theo quan niệm dân gian thì voi, ngựa luôn đem lại điều may mắn, an lành, xưa Thánh Mẫu thường ngự trên tượng, mã du xuân”.

Bên cạnh đó, để người dân, du khách chơi lễ, du xuân an toàn, tiết kiệm, đảm bảo trật tự nơi chốn linh thiêng, Ban Tổ chức còn cho tăng cường lực lượng an ninh trật tự, lực lượng cảnh sát điều tiết, hướng dẫn xe ra vào đúng nơi quy định. Đặc biệt UBND Thị xã Hoàng Mai kiên quyết dẹp bỏ các tệ nạn bài bạc, sách lậu, chèo kéo du khách. Không để xảy ra tình trạng ăn xin trước và trong khu vực đền Cờn. Năm nay Ban Tổ chức còn cho thi để tuyển ra hai đội viết sớ và giải thẻ riêng, những thành viên trong hai đội này phải có kinh nghiệm, phục vụ người dân, du khách lịch sự, ân cần, không xảy ra vụ lợi, tiêu cực.

Trung tá Dương Phúc Định, Trưởng Công an phường Quỳnh Phương, nơi diễn ra lễ hội cho biết: “Để đảm bảo cho người dân, du khách du xuân, chơi lễ đền Cờn an toàn, vui vẻ, tiết kiệm, chúng tôi đã xây dựng kế hoạch trình lãnh đạo từ mấy tuần trước. Không chỉ tăng cường về lực lượng mà Công an phường Quỳnh Phương còn phối hợp chặt chẽ với Công an Thị xã Hoàng Mai, lực lượng dân phòng tuần tra, giám sát, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng bài bạc, bói toán, ăn xin, chèo kéo du khách. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chuẩn bị chu đáo, chắc chắn Lễ hội Đền Cờn năm nay sẽ diễn ra thành công tốt đẹp”.

Triều Dương - Thành Chung

Mới nhất
x
Lễ hội Đền Cờn, đậm nét văn hóa biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO