Lễ hội Làng Sen - Sản phẩm du lịch mang đậm đặc trưng văn hoá xứ Nghệ
Lễ hội Làng Sen là nét đẹp văn hóa dân tộc, vừa là một trong những sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Đến với Lễ hội Làng Sen, du khách được hòa mình vào trong không gian văn hóa đặc sắc xứ Nghệ, có dịp tham quan, tìm hiểu lịch sử của miền đất Nghệ An giàu truyền thống cách mạng như: Khu đền thờ lăng mộ Mai Hắc Đế; Khu di tích lịch sử, văn hóa Phan Bội Châu; Khu di tích tưởng niệm phong trào Xô viết Nghệ-Tĩnh, Khu tưởng niệm cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, tham quan cột mốc km số 0 của tuyến đường Trường Sơn huyền thoại...
Khách du lịch đến với Lễ hội Làng Sen, đã thực sự bị lôi cuốn khi tận mắt chứng kiến cảnh những đoàn rước, tế lễ, các chương trình biểu diễn nghệ thuật quần chúng.
Chính vì thế Lễ hội Làng Sen đã thực sự trở thành lễ hội văn hóa và du lịch. Các chương trình du lịch trong tỉnh vào dịp này cũng được khai mở rầm rộ: Vinh-Nam Đàn-Vinh; Cửa Lò- Vinh-Nam Đàn-Cửa Lò; Vinh-Nam Đàn-Vườn quốc gia Pù Mát-Vinh; Vinh-Nam Đàn-Quỳ Châu-Quế Phong-Vinh.., điều đó đã làm thay đổi diện mạo của ngành Du lịch tỉnh ta.
Quầy lưu niệm tại Khu di tích Kim Liên. Ảnh: Nguyễn Nam Xuân
Thời gian qua, Lễ hội Làng Sen đã thu hút được một lượng lớn khách du lịch đến Nghệ An, đặc biệt là khách du lịch nội địa. Hàng năm vào thời điểm diễn ra Lễ hội Làng Sen, tại khu Di tích Kim Liên và Quảng trường Hồ Chí Minh có từ 1,2 đến 1,5 triệu đồng bào và du khách đến tham quan, nghiên cứu, tìm hiểu và tham gia các hoạt động lễ hội.
Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể dưới góc độ du lịch thì Lễ hội Làng Sen vẫn còn một số hạn chế: Lượng khách du lịch đến tham dự lễ hội tuy nhiều, nhưng chủ yếu là khách nội địa, khách quốc tế chiếm tỷ trọng rất thấp. Các sản phẩm lưu niệm để bán trong dịp lễ hội còn nghèo nàn, chưa có tính đặc trưng. Các doanh nghiệp lữ hành trong tỉnh chưa mặn mà trong việc khai thác nguồn khách từ ngoài tỉnh, ngoài nước đưa về Nghệ An. Do vậy, khách du lịch đến tham dự Lễ hội Làng Sen chủ yếu từ các đơn vị lữ hành của các tỉnh bạn đưa đến.
Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trên một phần là do công tác tuyên truyền, quảng bá cho Lễ hội Làng Sen còn thiếu tính chuyên nghiệp, phạm vi quảng bá chưa sâu rộng, nhất là đối với thị trường ngoài nước. Bên cạnh đó, nguồn kinh phí phục vụ cho công tác tuyên truyền, quảng bá và tổ chức các hoạt động còn phụ thuộc chủ yếu vào nguồn ngân sách. Thời gian diễn ra Lễ hội Làng Sen vào mùa nóng, hạn chế sựđi lại và tham gia của du khách.
Để Lễ hội Làng Sen thực sự trở thành sản phẩm du lịch văn hoá đặc sắc riêng của Nghệ An, đáp ứng nhu cầu du lịch, phát triển kinh tế và bảo tồn được bản sắc văn hoá dân tộc, trước hết cần tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá lễ hội ngày càng khoa học, có tính chuyên nghiệp hơn.
Hàng năm cần sớm xây dựng kế hoạch, chương trình tổ chức lễ hội và đề ra chiến lược tuyên truyền lễ hội. Lễ hội Làng Sen được tổ chức theo ngày Dương lịch và vào dịp tháng 5, nhân kỷ niệm ngày sinh Bác Hồ nên rất thuận lợi cho việc đưa thông tin ra nước ngoài (vì ngày Dương lịch của Việt Nam và quốc tế là một).
Đi đôi với công tác tuyên truyền, quảng bá cần đẩy mạnh xã hội hóa đối với các hoạt động của Lễ hội Làng Sen nhằm tăng cường sự tham gia một cách chủđộng, sáng tạo của đông đảo nhân dân theo sự hướng dẫn, quản lý chung của cơ quan chức năng.
Đối với phần "hội" của lễ hội rất cần phục hồi và phát huy những trò chơi dân gian truyền thống như: thả diều, chọi gà, đánh đu, đấu vật, đánh cờ người...Tổ chức biểu diễn rộng rãi các chương trình hát dân ca: hát ví, dặm, hát phường vải, phường đan...Sự xuất hiện của các trò chơi dân gian, các làn điệu, bài hát dân ca trong phần hội sẽ làm cho không khí náo nức hơn rất nhiều và tạo ấn tượng cho người dự hội.
Trần Đình Hà