Lễ hội Làng Sen với việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa Hồ Chí Minh

26/05/2011 17:45

(Baonghean) – Đó là tiêu đề Hội thảo khoa học, là nội dung của Hội nghị tổng kết 30 năm Lễ hội Làng Sen (1981-2011), do Bộ VH-TT&DL và UBND tỉnh Nghệ An tổ chức ngày 25/5/2011 tại Thành phố Vinh.

Tại hội thảo, 31 bản tham luận khoa học của giới nghiên cứu văn hóa và quản lý Nhà nước về văn hóa đến từ: Hội Di sản văn hóa VN, Viện Văn hóa nghệ thuật, Cục văn hóa cơ sở, Hội Nhạc sỹ VN, Bảo tàng Hồ Chí Minh, các cơ quan nghiên cứu quản lý văn hóa tỉnh Nghệ An… đã làm nổi bật những mảng màu khác nhau của Lễ hội Làng Sen (LHLS)-Lễ hội tôn vinh Danh nhân văn hóa Hồ Chí Minh.


Toàn cảnh Hội thảo khoa học.

Để LHLS không chỉ là cuộc hành hương quy mô lớn, tập trung hàng ngàn diễn viên của các đoàn nghệ thuật quần chúng đến từ trong nước, trong tỉnh, còn thể hiện tiềm năng về một Lễ hội Hồ Chí Minh của Việt Nam và của thế giới. Từ những góc nhìn, những kiểm chứng, những phát hiện khoa học không trùng nhau, ý kiến của các nhà khoa học đã nêu bật một số vấn đề như: Lễ hội Làng Sen - Lễ hội văn hóa tôn vinh Hồ Chí Minh; Một số đề xuất nâng tầm Lễ hội Làng Sen; LHLS - nét đẹp của văn hóa VN trong thời đại mới; LHLS cần được nâng lên thành Lễ hội cấp quốc gia, quốc tế; Những yếu tố tâm linh tín ngưỡng trong LHLS; Giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Hồ Chí Minh trong LHLS; Giữ gìn và phát huy di sản văn hóa qua LHLS; Xã hội hóa LHLS dưới góc độ du lịch; Góp phần ổn định và nâng cao lễ thức LHLS; LHLS khơi nguồn những sáng tạo văn học nghệ thuật…

Như chúng ta biết, LHLS được nhen nhóm khởi phát năm 1982 từ Liên hoan Tiếng hát Làng Sen (LHTHLS), diễn ra tại Làng Sen - nơi sinh thành cậu bé Nguyễn Sinh Cung, Danh nhân văn hóa Hồ Chí Minh sau này. Thành công của LHTHLS lần thứ nhất đã tạo tiền đề cho Liên hoan tiếng hát Làng Sen cấp tỉnh mỗi năm/lần, cấp quốc gia 5 năm/lần (vào năm chẵn kỷ niệm sinh nhật Bác). Khởi từ LHTHLS cấp tỉnh rồi cấp quốc gia, năm 2002 được nâng thành LHLS toàn quốc trên cái nền móng sâu rộng của Lễ hội truyền thống có trên xứ Nghệ. Các tham luận tại Hội thảo khoa học lần này, giới nghiên cứu và quản lý nhà nước đã nhìn nhận có tính đúc kết 20 năm LHTHLS, cộng với 10 năm kế tiếp thành Lễ hội quốc gia.

LHLS đang trong giai đoạn khởi đầu của quá trình hình thành, và không ngừng lớn mạnh cả về nội dung cũng như quy mô của một Lễ hội truyền thống. LHLS thực sự trở thành ngày hội của quần chúng nhân dân, là một "Nhà hát" không kiến trúc nguy nga lộng lẫy, với đội ngũ diễn viên là đông đảo nông dân, công nhân, bộ đội, học sinh, sinh viên…. từ khắp mọi miền đất nước, tự nguyện mang lời ca tiếng hát, mang những tác phẩm nghệ thuật do mình sáng tác, đến Làng Sen, tự mình biểu diễn kính dâng lên Bác. Khởi tự lòng dân, LHLS có sức cuốn hút, tỏa lan mạnh mẽ trong tâm thức nhân dân. Suốt 30 năm qua, đặc biệt từ đầu thế kỷ 21 đến nay, Làng Sen luôn là một trong những địa chỉ văn hóa tâm linh đặc sắc, cuốn hút hàng triệu tấm lòng hành hương về xứ Nghệ, về với mảnh đất Làng Sen để bày tỏ lòng thành kính của mình với vị Anh hùng dân tộc - Danh nhân văn hóa thế giới Hồ Chí Minh.

Tại Hội thảo, giới nghiên cứu và quản lý Nhà nước về văn hóa đặt câu hỏi: Tại sao chúng ta chưa có một văn bản nào có chữ ký, đóng dấu của cấp trên về việc nâng Liên hoan tiếng hát Làng Sen thành Lễ hội Làng Sen toàn quốc? Vấn đề đặt ra là: Nếu là LHLS toàn quốc thì ai đứng ra tổ chức? Chính phủ, hay Bộ VHTT&DL, hay một số Bộ liên quan cùng với tỉnh Nghệ An?


Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, ông Nguyễn Xuân Đường
phát biểu chào mừng.

Về chủ đề và nội dung LHLS toàn quốc, vẫn không ngoài tôn vinh công lao to lớn và văn hóa cao đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, song cần làm rõ và cụ thể hơn nội hàm của "LHLS toàn quốc" để hướng tới mục đích tiếp tục cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh một cách rộng rãi và sâu sắc. Một vấn đề nhiều người quan tâm là: Bác Hồ sinh ngày 19/5/1890, qua đời ngày 02/9/1969 (nhằm 21.7 AL), tại sao Lễ hội lại tiến hành dịp ngày sinh, trong khi các Lễ hội truyền thống tôn vinh các Anh hùng dân tộc (như Lễ hội Đền Hùng, Lễ hội Đền Trần (thờ Trần Hưng Đạo), Lễ hội Lam Kinh (thờ Lê Lợi), Lễ hội Nguyễn Xí,vv…đều tiến hành vào ngày mất của Danh nhân.

Về loại hình Lễ hội, LHLS toàn quốc là Lễ hội mới, nên cần chú ý đến tính quốc tế và tính hiện đại. UNESCO đang khuyến khích các quốc gia phải bảo vệ các giá trị văn hóa mang bản sắc của dân tộc mình, nên đã công nhận tôn vinh các giá trị văn hóa của dân tộc Việt Nam như Nhã nhạc cung đình Huế, Quan họ Bắc Ninh, nghệ thuật Ca trù, Cồng chiêng Tây Nguyên vv…Văn hóa Hồ Chí Minh là bản sắc của văn hóa Việt Nam, chúng ta cần làm tốt việc bảo vệ, phát huy những giá trị đã có trong LHLS.

Vấn đề cuối cùng được Hội thảo quan tâm là vai trò của Làng Sen đối với LHLS. Trước tới nay LHTHLS-LHLS do các cấp chính quyền và các cơ quan quản lý Nhà nước về văn hóa đứng ra tổ chức và bằng kinh phí Nhà nước, vậy vai trò của Làng Sen sẽ là thế nào trong LHLS ? Dư luận trong và ngoài nước đã biết Làng Sen-Kim Liên là một địa chỉ văn hóa cổ truyền, một địa chỉ của "địa linh nhân kiệt" sinh ra Chủ tịch Hồ Chí Minh, vậy nên phải bảo vệ kỳ được không gian văn hóa với những nhà cửa, vườn tược, cây cối, cảnh quan xung quanh ngôi nhà tranh Cụ Phó bảng. Đó là nhiệm vụ nặng nề trước mắt cũng như lâu dài đối với chính quyền các cấp của Nghệ An, cũng như người dân xã Kim Liên quê Bác.


Giao Hưởng

Lễ hội Làng Sen với việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa Hồ Chí Minh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO