Lễ hội thống nhất non sông: Về trong một mái nhà chung

05/04/2015 09:56

(Baonghean) - Lễ hội Thống nhất non sông là một lễ hội cách mạng cấp tỉnh được tổ chức ở Khu Di tích Lịch sử Đôi bờ Hiền Lương- Bến Hải lần đầu tiên vào sáng 1/5/2005, kỷ niệm 30 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Nhân kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng miền Nam, chúng tôi đã gặp gỡ và trò chuyện với nhà văn Xuân Đức, người đưa ra ý tưởng và tổ chức thực hiện lễ hội ý nghĩa này…

Cầu Hiền Lương.
Cầu Hiền Lương.

Trong ngôi nhà nhỏ tại Cảng Cửa Việt, gió Lào giật tung cánh cửa mỏng, nhà văn Xuân Đức tâm sự: “Trước khi nói đến ý tưởng xây dựng lễ hội cách mạng mang tên Lễ hội Thống nhất non sông của tỉnh, tôi muốn nói lại một chút về hoàn cảnh của Quảng Trị lúc đó. Sau khi tỉnh Quảng Trị được tái lập, với một gia tài gần như tay trắng trên hầu hết các bình diện, Đảng bộ và nhân dân Quảng Trị xác định lại điểm xuất phát và hướng đi của mình trên tất cả mọi hoạt động từ kinh tế đến văn hóa, xã hội. Những năm đầu tiên ấy, với trách nhiệm là người được lãnh đạo tỉnh giao lãnh đạo ngành Văn hóa, tôi suy nghĩ rất nhiều về hướng đi, cách phát triển sự nghiệp văn hóa trên quê hương mình. Làm văn hóa theo tôi có hai việc lớn phải xác định. Đấy là không gian văn hóa và môi trường văn hóa.

Vậy, không gian văn hóa Quảng Trị là gì? Cuộc chiến tranh hủy diệt đi qua trên mảnh đất Quảng Trị đã để lại cho đất và người ở đây những hậu quả vô cùng nặng nề, đồng thời cũng để lại những di sản đặc sắc về văn hóa và lịch sử mà không có nơi nào sánh được. Đấy chính là những di tích lịch sử, những địa danh chấn động địa cầu như Bến Hải-Hiền Lương, Khe Sanh - Trường Sơn, như Thành cổ Quảng Trị… Có người đã ví không quá rằng, cả Quảng Trị là một bảo tàng khổng lồ của lịch sử chiến tranh cách mạng…

Chiến tranh đi qua, nhưng hồi ức về nó mãi mãi không thể phai nhạt. Hằng năm, có hàng vạn, hàng triệu người khắp cả nước, cả những người lính phía bên kia vẫn thường về đây để hoài niệm lại những năm tháng đã qua, để suy ngẫm về những giá trị của hòa bình và đoàn tụ. Vậy nên, một không gian văn hóa điển hình ở mảnh đất này chính là không gian hồi ức và tưởng niệm. Bác Hồ từng khẳng định: Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi… có lẽ không ở đâu lại được vang lên tha thiết và nóng bỏng bằng nơi đây: “Cách một dòng sông đó thương đây nhớ / Chỉ bảy nhịp cầu duyên nợ xa nhau/ Đấu tranh cho nước nhà thống nhất mau mau / Để duyên đôi lứa trước sau vẹn toàn.” (Thơ ca dân gian Vĩnh Linh).

Nhận thức như vậy, cho nên một lễ hội cách mạng ở trên cầu Hiền Lương sông Bến Hải không chỉ để nhắc lại nỗi đau chia cắt đất nước, không phải chỉ để ngợi ca chiến công, cho dù những ý nghĩa ấy cũng hết sức cần thiết, mà đặc sắc hơn, cao cả hơn, đấy là khẳng định khát vọng thống nhất, ngợi ca tinh thần đoàn kết, hòa hợp của dân tộc Việt Nam, tôn vinh chiến thắng của một dân tộc vượt qua bão giông của sự thù hận, chia ly để đến được với ngày thống nhất đất nước, đưa giang sơn thu về một mối. Và nói cho cùng, mục tiêu thống nhất non sông, tiến tới hòa hợp dân tộc để đại gia đình Việt Nam trở về một mái nhà chung cùng xây dựng Việt Nam phát triển sánh vai với bạn bè trên thế giới mới chính là mục tiêu cao cả nhất, là ý nghĩa có tính bản chất nhất của cuộc chiến đấu sinh tử này chứ không phải là cuộc chiến vì ý thức hệ, càng không phải là cuộc huynh đệ tương tàn như nhiều kẻ hiện nay đang cố tình xuyên tạc.

Lễ hội được bắt đầu bằng việc tái hiện khung cảnh đoàn tụ Bắc - Nam. Nói là “tái hiện” nhưng không phải sân khấu hóa như nhiều nơi vẫn làm, mà là những con người thật của lịch sử. Đấy là hai đoàn cán bộ nhân dân hai tỉnh Cà Mau và Lạng Sơn. Hầu hết trong số đại biểu ấy đều chưa một lần được đặt chân tới sông Hiền Lương. Hai đoàn từ hai bờ Nam Bắc tiến ra gặp nhau chính giữa cầu di tích. Một cảnh tượng vô cùng xúc động đối với hai đoàn và với tất cả mọi người tham dự lễ hội. Tiếp đến là lễ thượng cờ Tổ quốc lên Kỳ đài Hiền Lương.

Lá cờ Tổ quốc trên cột cờ lịch sử đầu cầu giới tuyến là niềm tự hào, là biểu tượng của ý chí không có gì quý hơn độc lập tự do, là huyền thoại về một cuộc chiến đấu kỳ lạ để bảo vệ lá cờ trong cuộc chiến hủy diệt. Thời còn chia cắt, lá cờ bên bờ Bắc chính là niềm tin, là sức mạnh cho bà con bờ Nam chiến đấu. Có câu chuyện một bà mẹ lặn lội từ Cà Mau ra tận Hiền Lương để được tận mắt nhìn thấy cờ đỏ sao vàng… Nơi cột cờ giới tuyến nay đã được tôn tạo thành Kỳ đài, điểm nhấn nổi bật trong quần thể di tích đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải. Vì vậy, lễ thượng cờ Tổ quốc là một nội dung trọng đại. Lần đầu tiên, khi tiếng còi báo yên vang lên, cả không gian Hiền Lương như lặng đi.

Lá cờ đỏ sao vàng với khổ lớn 96 m2 (bằng khổ cờ lớn nhất trong lịch sử của lá cờ giới tuyến) lừng lững kéo lên rồi bung ra lồng lộng trong gió khiến hàng ngàn người có mặt không cầm được nước mắt. Tiếp đến là lễ tiếp nhận hai nắm đất của hai miền địa đầu đất nước, trong tiếng hát xốn xang và hào hùng của bản hợp xướng Bài ca Thống nhất. Hai nắm đất thiêng liêng ấy hiện vẫn được lưu giữ trong nhà bảo tàng của Di tích Hiền Lương - Bến Hải. Và lễ thượng cờ là nghi lễ chính thức được xác định trước các lễ hội Thống nhất non sông của tất cả những lần sau.

Khu di tích lịch sử đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải (Quảng Trị).
Khu di tích lịch sử đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải (Quảng Trị).

Nhà văn Xuân Đức kể lại, bài văn tế Liệt sỹ đã ngã xuống giữa dòng sông và hai bờ Hiền Lương - Bến Hải do ông viết và tự mình đọc trong lễ thả đèn hoa đăng trên sông vào giờ hoàng hôn hôm đó, trước khi chương trình nghệ thuật Bài ca Thống nhất diễn ra. Hàng vạn đồng bào, đồng chí, quan khách đứng chật hai bờ sông, đứng dày trên chiếc cầu di tích đã lặng ngắt trong xúc động khi nghe những lời thống thiết nhắc lại những năm tháng đau thương nhưng rất đỗi hào hùng của giới tuyến sông Hiền Lương:

“…Bên nớ Cát Sơn, bên ni Tùng Luật mẹ bồng con khắc khoải ruột gan,

Nọ là Võ Xá, này là Hiền Lương vợ ngóng chồng chờ mong héo hắt.

Đem áo ra sông mà giặt, áo mòn dạ vẫn trinh nguyên,

Đưa lưới xuống bến để phơi, lưới khô mắt thì đẫm huyết...

Tình trong lá thiếp, một câu hò trên bến Hiền Lương,

Chí ở ngọn cờ hai ngón tay hẹn ngày thống nhất…”.

Cho đến hôm nay, dư âm bài tế đó vẫn còn vang vọng trong tâm khảm người dân Quảng Trị và những quan khách đã có mặt trong buổi lễ hôm đó.

Chiến thắng trong Chiến dịch mùa Xuân 1975 là một chiến thắng vĩ đại. Nhưng cái vĩ đại nhất của nó không phải chỉ nằm ở chỗ ta đã diệt bao nhiêu tên địch, giải phóng bao nhiêu vùng đất, mà giá trị nhất là nó đã kết thúc những năm tháng đau thương, chia cắt dân tộc Việt Nam. Cái đích cuối cùng của cuộc chiến không phải là giải phóng được Sài Gòn, không phải là đã chiến thắng hoàn toàn Mỹ Ngụy mà là đã thống nhất được đất nước, giang sơn thu về một mối và người Việt Nam đã cùng trở về trong một mái nhà chung.

Vì vậy, Lễ hội Thống nhất non sông có ý nghĩa như là khẳng định thắng lợi trọn vẹn nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Mặt khác, với đường lối khép lại quá khứ, xóa bỏ hận thù, hòa hợp dân tộc, đại đoàn kết toàn dân để cùng nhau xây dựng lại đất nước ta to đẹp hơn, đàng hoàng hơn như mong ước của Bác Hồ thì ngày hội thống nhất non sông cũng chính là ngày hội cho ý chí thống nhất, hòa hợp dân tộc và biểu dương sức mạnh đại đoàn kết để cùng nhau xây dựng giang sơn đất nước Việt Nam!

Hoài Quân

Mới nhất
x
Lễ hội thống nhất non sông: Về trong một mái nhà chung
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO