Lễ tang đậm chất Việt của Tiến sĩ khảo cổ học Nhật Bản

14/06/2013 18:03

Mặc áo xô, đội mũ rơm, đeo khăn tang và chống gậy, hai cậu bé bước đi ngơ ngác khi đưa quan tài bố - tiến sĩ Nishimura Masanari - ra xe. Đám tang của nhà khoa học Nhật trưa 13/6 diễn ra đúng theo nghi thức của người Việt.

Hơn 12h, từng đoàn người xếp hàng bên ngoài đợi vào nhà tang lễ để nhìn mặt tiến sĩ Masanari lần cuối. Phía trong, quan tài của nhà khảo cổ được đặt bên dưới tấm ảnh thờ khổ lớn của ông. Phía trái bức ảnh là tờ lịch lưu lại ngày ông Masanari về cõi vĩnh hằng - ngày 9/6. Trên bàn thờ, ngoài hoa quả còn có 2 ngọn chuối.

Gia đình ông Masanari gồm có bố mẹ đẻ, bố mẹ vợ, vợ ông (bà Nishino Noriko), hai con trai và em trai đến từ rất sớm. Đội khăn xô và đeo tang trắng, người phụ nữ Nhật thỉnh thoảng chỉnh lại chiếc mũ rơm, vành khăn cho hai cậu con trai hiếu động có tên thân mật là Suhao (9 tuổi) và Susu (7 tuổi). Giống như chị dâu và hai cháu, em trai ông Masanari cũng đeo khăn tang.

Vợ con Tiến sĩ Nishimura Masanari trong đám tang thuần Việt.
Ảnh: Hoàng Hà.

Đến giờ cử hành tang lễ, lần lượt từng thành viên trong gia đình lên thắp hương và đi vòng quanh quan tài vĩnh biệt ông. Bà Nishimura (mẹ tiến sĩ) mặc đồ đen cầm khăn tay cố ngăn không để bật khóc thành tiếng. Nhìn con trai qua tấm kính trên quan tài, bà đứng ôm mặt khóc một lúc mới cất bước đi được. Cả gia đình sau đó đứng thành hàng để cúi đầu cảm ơn những người đến viếng.

Vào viếng đầu tiên, những bạn bè ông ở Viện Khảo cổ Việt Nam, Viện Khoa học và Xã hội Việt Nam, người chít khăn tang, người dán miếng băng đen trên ngực. Đến chỗ gia đình, từng người dừng lại động viên thân nhân tiến sĩ. Đáp lại, người nhà ông Nishumura cúi gập để thể hiện sự cảm ơn sâu sắc.

Phía góc phòng, bạn bè thân thiết, đồng nghiệp hay những người yêu mến tấm lòng, tài năng của một nhà khoa học Nhật yêu Việt Nam đứng dựa vào nhau khóc. Họ cùng kể cho nhau nghe những câu chuyện giản dị về nhà khảo cổ đậm chất Việt, về tâm huyết và đóng góp của ông với ngành khảo cổ Việt Nam và về cả hai cậu bé còn quá nhỏ sớm phải chịu cảnh mồ côi cha. Không chỉ Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, các viện, hội nghiên cứu ở Hà Nội, nhiều đoàn đến từ Nam Định, Hội An hay Huế cũng mang vòng hoa tới chia buồn cùng gia đình.

Còn quá nhỏ, bé Suhao và Susu dường như chưa hiểu chuyện gì đang diễn ra. Cả hai ngơ ngác nhìn những người mặc đồ đen, mắt đỏ hoe tới an ủi mẹ và xoa đầu chúng. Khác với anh lớn luôn đứng bên mẹ, cậu nhỏ chỉ muốn cởi đồ tang ra để đi tìm đồ chơi. Chỉ khi được cho chơi điện tử trên điện thoại, cậu bé mới chịu ngồi yên một chỗ. Nếu có ai hỏi và ôm cậu vào lòng, Susu cười tinh nghịch rồi lúc nói tiếng Việt, tiếng Anh hoặc tiếng Nhật. Nhìn cậu, những người đến dự đám tang không khỏi xót xa.

Trước khi đưa linh cữu con trai Masanari ra xe, ông Nishimura Keji đã có lời cảm ơn xúc động. Theo ông Keji, ở Nhật có bài hát 1000 cửa sổ và ông sẽ đứng dưới để hát đưa tiễn con trai. Người cha ấy nghĩ con mình đang ở đâu đó trên bầu trời Việt Nam và mong lúc nào tới đây cũng sẽ được nói chuyện với con trai.

Ông Keji cho hay, tiến sĩ Masanari rất yêu quý Việt Nam, bởi vậy nhà khảo cổ này đã ở lại sống và làm việc tại đây hơn 20 năm qua. “Sau khi Masanari qua đời, con dâu và hai cháu tôi vẫn ở lại Việt Nam. Tôi không muốn đưa thi hài con về Nhật mà muốn chôn Masanari ở Việt Nam. Tôi nghĩ con trai ở nơi chín suối sẽ vui mừng với quyết định này. Tôi chọn địa điểm để con an nghỉ ở xã Kim Lan, Gia Lâm”, ông nói.

Tiến sĩ Masanari có “duyên nợ” với Kim Lan - mảnh đất nằm ven sông Hồng nên thi thể ông được an táng tại nghĩa trang xã. Năm 2000, khi đến nghiên cứu di vật gốm sứ bên bờ sông Kim Lan, tiến sĩ Masanari gặp nông dân Nguyễn Việt Hồng. Trước đó, trong các lần đào giếng, làm vườn hay ra ven bờ sông, ông Hồng từng hay nhặt nhạnh được nhiều mảnh bát đĩa, lọ, tiền cổ và những đồ vật cổ xưa.

Cùng có niềm yêu thích khảo cổ, ông Hồng trợ giúp tiến sĩ Masanari tìm kiếm và nghiên cứu. Quý mến người đàn ông Nhật dân dã, gia đình ông Hồng xem tiến sĩ Masanari như người thân trong nhà. Ngày đó, ông Masanari và Noriko chưa làm đám cưới mà mới hẹn hò. Tới khi kết hôn và lần lượt có hai con trai, gia đình ông Masanari vẫn thường xuyên tới thăm nhà ông Hồng.

Trong tâm trí của ông Hồng, tiến sĩ người Nhật thích các món ăn dân dã Việt Nam, đặc biệt là món vờ, cá mòi hay cơm bột ngô. Mỗi lần về chơi, hai con của ông Masanari lại thỏa sức chân trần chơi đùa cùng những đứa cháu nhà ông Hồng. Không chỉ ông, bất cứ người dân nào ở Kim Lan đều yêu quý nhà khảo cổ này. Vì không phát âm được tên tiếng Nhật, họ gọi ông Masanari là “ông người Nhật” hay “ông Ajinomoto”.

“Nghe gọi thế, ông ấy chỉ cười. Cả nhà ông người Nhật nói tiếng Việt rất giỏi. Ông ấy chịu khó, không ngại lê la từ sáng đến 12h trưa mới nghỉ. Ông gần gũi và tốt bụng lắm. Lúc nghe tin ông tiến sĩ qua đời, người làng ở đây ai cũng thương tiếc. Đọc tin về ông trên mạng, tôi và mọi người đã khóc”, chị Oanh, xã Kim Lan chia sẻ.

Không có điều kiện tới nhà tang lễ, chị cùng người dân trong xã ra nghĩa trang từ sớm để chuẩn bị đón linh cữu của tiến sĩ Masanari. Với người dân ở đây, ông Masanari không chỉ là nhà khảo cổ mà còn là một người nông dân Việt thuần hậu, một người Việt chất phác. Ngoài yêu quý, họ còn biết ơn vợ chồng nhà khảo cổ học Nhật Bản đã thành lập bảo tàng gốm Kim Lan - một trong những bảo tàng gốm địa phương phong phú, đa dạng về hiện vật và hình thức hoạt động nhất hiện nay. Quý trọng ông nên xã Kim Lan dành một phần mộ cho nhà khảo cổ học này.


Theo VnExpress - TH

Mới nhất

x
Lễ tang đậm chất Việt của Tiến sĩ khảo cổ học Nhật Bản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO