Lễ tang ông Mandela: Thách thức an ninh với Nam Phi

10/12/2013 16:14

Với sự tham dự của hàng chục nhà lãnh đạo thế giới, lễ tang ông Mandela sẽ là sự kiện đòi hỏi bảo đảm an ninh lớn nhất gần đây.

Ngày 10/12, lễ tưởng niệm cố Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela sẽ diễn ra tại sân vận động First National Bank (FNB) có sức chứa khoảng 95.000 người ở Johannesburg.

Lực lượng an ninh được triển khai bên ngoài sân vận động FNB (Ảnh: Reuters)
Lực lượng an ninh được triển khai bên ngoài sân vận động FNB (Ảnh: Reuters)

Với sự hiện diện của 4 vị Tổng thống Mỹ qua nhiều thời kỳ cùng với hàng chục các nhà lãnh đạo thế giới khác, lễ tưởng niệm ông Mandela được dự báo sẽ là sự kiện đòi hỏi an ninh lớn nhất trong thời gian gần đây và cũng là một thách thức vô cùng lớn với Nam Phi khi các kế hoạch đảm bảo an ninh chỉ được thông báo trước 5 ngày.

Cảnh sát Nam Phi cho biết, hàng nghìn nhân viên đã được triển khai để đảm bảo giao thông, bảo vệ quần chúng và trợ giúp các vệ sĩ của các nhà lãnh đạo thế giới đến tham dự buổi lễ. Theo một danh sách chính thức được Chính phủ Nam Phi công bố, có ít nhất 88 vị Chủ tịch và Thủ tướng của các nước sẽ có mặt ở Nam Phi tham dự lễ tang ông Nelson Mandela.

TIN LIÊN QUAN

Trung tướng Solomon Makgale, một phát ngôn viên của cảnh sát Nam Phi trả lời phỏng vấn hãng tin AP cho biết: “Chúng tôi sẽ có mặt để đảm bảo mọi người có thể chia buồn với đau thương mất mát này trong sự an toàn”.

Cũng theo ông Makgale, lực lượng đặc nhiệm của cảnh sát, các nhà ngoại giao và nhân viên tình báo đã lập kế hoạch và bàn thảo trước với các đoàn đại biểu nước ngoài đang trên đường đến Johannesburg để đảm bảo công tác an ninh.

Tại sân vận động FNB, nơi lễ tưởng niệm ông Nelson Mandela dự kiến bắt đầu diễn ra lúc 4h sáng ngày 10/12 (theo giờ Mỹ), các công nhân đã hàn các hàng rào kính chống đạn để bảo vệ Tổng thống Barack Obama và các vị khách quan trọng khác.

Tại Nam Phi, lần đầu tiên Chủ tịch Cuba, Raoul Castro và Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ cùng tham dự một sự kiện. Ngoài ra còn nhiều lãnh đạo khác của thế giới đến Nam Phi như Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon, Thủ tướng Anh David Cameron, Phó Chủ tịch Trung Quốc Lý Nguyên Triều, Tổng thống Brazil Dilma Rousseff, Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee.

Cơ quan mật vụ Mỹ không đưa ra bất kỳ bình luận nào về các biện pháp an ninh cụ thể, nhưng một quan chức của cơ quan này trả lời NBC News cho biết, các biện pháp đảm bảo an toàn cho Tổng thống áp dụng cho các chuyến đi ngắn đã được triển khai và sẵn sàng cho mọi tình huống.

Cơ quan mật vụ Mỹ đã cử một đội “tiền trạm” đến Nam Phi để bàn về các biện pháp an ninh sẽ được thực hiện. Nhóm này có mặt ở Nam Phi tuần trước, ngay sau khi ông Mandela từ trần.

Ngoài Tổng thống Mỹ Barack Obama và Đệ nhất phu nhân Michelle Obama, các cựu Tổng thống Mỹ gồm George W. Bush (cùng phu nhân Laura Bush), Tổng thống Bill Clinton cùng cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton, cựu Tổng thống Jimmy Carter cũng đã đáp các chuyến bay riêng sang Nam Phi tham dự các hoạt động tưởng nhớ ông Mandela. Ông George H. Bush là cựu Tổng thống duy nhất của Mỹ còn sống không tham dự được lễ tưởng niệm do tuổi cao sức yếu.

Việc các cựu Tổng thống Mỹ cùng xuất hiện tại một sự kiện bên ngoài nước Mỹ là rất hiếm hoi. Lần họp mặt duy nhất của các cựu Tổng thống Mỹ trước đó chỉ diễn ra một lần duy nhất vào ngày 8/2/1999 khi các ông Carter, Gerald Ford, George HW Bush và Tổng thống Clinton cùng có mặt trong lễ tang vua Hussein ở Amman, Jordan.

Hiện tại, Chính phủ Nam Phi không tiết lộ kế hoạch đảm bảo an ninh chi tiết nhưng số lượng cảnh sát, đặc nhiệm, chuyên gia vũ khí, chất nổ mà họ huy động được cho là rất lớn. Theo dự đoán, một số lượng lớn máy dò kim loại và khoảng 15.000 cảnh sát sẽ bảo vệ ở cửa ra vào và bên trong khán đài sân vận động.

Bên cạnh đó, chính phủ Nam Phi còn triển khai lực lượng tinh nhuệ nhất của quân đội - bao gồm đặc nhiệm, lính bắn tỉa và chó nghiệp vụ - để đảm bảo an ninh cho sân vận động. Trực thăng quân sự và phản lực chiến đấu sẽ phong tỏa bầu trời, giúp ngăn chặn những mối đe dọa từ trên không.

Ông Makgale tự tin cho biết: “Cho dù chúng tôi sẽ đón 10 nguyên thủ quốc gia hoặc 70 thậm chí là 100 vị, chúng tôi vẫn có đủ năng lực để đảm bảo an toàn cho họ”.

Trong khi đó, phía Mỹ tỏ ra khá hài lòng về công tác an ninh đang được Nam Phi triển khai. Phát ngôn viên Nhà Trắng Ben Rhodes nói: “Tôi không thấy có bất kỳ mối lo ngại nào. Nam Phi đã từng đăng cai tổ chức World Cup vì vậy họ có đủ kinh nghiệm để đảm bảo an ninh cho một sự kiện lớn”./.

Theo VOV

Mới nhất

x
Lễ tang ông Mandela: Thách thức an ninh với Nam Phi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO