Lên Phuxai laileng xem hội chọi bò
(Baonghean.vn) - Nằm dưới chân đỉnh Phuxai laileng, xã Na Ngoi (Kỳ Sơn) là nơi đông đồng bào Mông sinh sống. Ngoài ra có một ít người Thái và kh'Mú. Họ là những cộng đồng trên núi cao nhưng rất yêu thích văn nghệ và những hoạt động thể thao truyền thống.Hàng năm, cứ sau lễ thăm mộ vào mồng một Tết, người Mông nô nức vào hội Xuân. Trai gái xúng xính đi xem hội đấu bò.
Mồng Ba Tết Nhâm Thìn, trong cái giá lạnh của non ngàn, chúng tôi vượt ngót trăm cây số đường dốc đến với bà con Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn.
... Năm nay kinh tế có phần khó khăn hơn... nhưng không phải vì thế mà hội xuân kém phần vui nhộn. Nhà dân gần trung tâm xã Na Ngoi bỗng chốc biến thành những bãi đỗ xe không thu tiền với hàng trăm ô tô và xe gắn máy của người đi hội chọi bò. Có cả những vị khách từ nước bạn Lào.
Hội chọi bò dưới chân đỉnh Phuxai laileng - xã Na Ngoi (Kỳ Sơn)
Chỉ có dịp Tết, trên những nẻo đường dốc quanh co lầy lội ven các bản Mông mới trở nên nhộn nhip. Ngày thường họ ở trên những rãy gừng, rãy khoai sọ, rãy trồng lúa. Già trẻ, gái trai dù bản xa hay gần đều đến nơi có hội với một niềm háo hức khôn tả. Sau một năm làm lụng vất vả, ai cũng được vui chơi thỏa thích, ai cũng muốn đi xem hội chọi bò. Con gái, con trai mới lớn muốn dịp này để tìm bạn đời.
Dưới lớp sương mù dày đặc, chỉ có thể nghe thấy tiếng đế ủng nện xuống mặt đường và tiếng cười nói của người đi hội. Và rồi họ đột ngột hiện ra giữa sương mù.... Đi ủng là lựa chọn khôn ngoan của người Mông Na Ngoi giữa núi non quanh năm mù sương và lầy lội này. Điều đặc biệt, khi đi ủng, họ vẫn thật nhanh nhẹn, bởi trong số họ nhiều người đã đi ủng từ khi bắt đầu biết chạy nhảy, biết đi rãy, đi nương.
Chúng tôi tới nơi cũng là lúc vào hội thi bò. Trường đấu được tận dụng từ sân bóng đá của xã. Năm nay có 30 chú bò tham gia đua tài. Theo như anh cán bộ văn hóa xã Xồng Bá Dênh thì hội thi bò ở Na Ngoi không phải để tranh giải thưởng mà là "thi cho vui". Sau hội thi, thắng hay bại, những chú bò lại được trả về vùng chăn thả trong rừng và sẽ "tái đấu" vào mùa Xuân năm sau. Điều này hoàn toàn khác với những "ông trâu" thắng trận trong hội chọi trâu Đồ Sơn (Hải Phòng) - lễ hội xong là các "ông" bị ngả thịt.
Chắc lẽ"thi cho vui" nên nhiều căp bò chỉ thi đấu qua quýt chăng, thậm chí có "đấu thủ" chỉ vào trường đấu "làm quen" với nhau rồi... bỏ đi! Nhưng cũng có trận người xem được "mãn nhãn" bởi sự vào cuộc rất hăng các vị "đấu thủ". Đó thường là những trận đấu kéo dài từ 3 đến 5 phút thì phân thắng bại. Có trận đấu giữa 2 chú bò đến từ bản Kẻo Bắc kéo dàitới 12 phút. Những trận đấu kịch tính thường nhận được sự cổ vũ nhiệt tình của đông đảo người xem đứng vòng quanh và những chú bò như được tiếp thêm lửa.
Sau hội thi, tất cả những chủ bò đều được ban tổ chức mời cơm và được nhận "lì xì" đầu năm. Tuy không có thứ hạng nhất, nhì, ba... nhưng ai cũng cảm thấy hài lòng bởi với họ vui vẫn là chính.
Ông Xồng Rua Dà, Phó Chủ tịch UBND xã Na Ngoi cho biết, hội chọi bò, đây còn được tổ chức vào những dịp lễ hàng năm như ngày Quốc khánh 2/9 và hội thi nào cũng thu hút được nhiều người dự khán.
Hữu Vi