Lênh đênh cùng con nước

25/05/2015 10:20

(Baonghean) - Không biết từ bao giờ, phụ nữ làng vạn chài Hưng Lam (Hưng Nguyên) đã gắn bó với nghề cào hến trên sông Lam; cái nghề “nương” theo con nước ấy vốn quanh năm lênh đênh với bao nỗi nhọc nhằn….

Trưa hè trên dòng Lam giang, nắng như đổ lửa. Gió Lào khô, rát… Thấp thoáng giữa dòng sông (đoạn qua xã Hưng Lam), những dáng người bé nhỏ đang miệt mài cào, nhủi hến. Những ngày chớm hè, nước sông thường xuống lúc gần trưa - nắng nóng lên đỉnh điểm cũng là lúc chị em xóm 9, Hưng Lam túa ra bờ sông cào hến.

Phụ nữ xóm vạn chài Hưng Lam (Hưng Nguyên)   cào hến trên sông Lam.
Phụ nữ xóm vạn chài Hưng Lam (Hưng Nguyên) cào hến trên sông Lam.

Với dụng cụ cào hến thủ công được làm bằng tre, có dây đeo vào người, các bà, các chị lội ra giữa dòng nước cào, nhủi. Sau mỗi đợt kéo, những chiếc cào lại được nhấc lên để sàng, rửa. Những con hến bé xíu dần hiện ra dưới lớp bùn, rêu, chắc mẩy, vàng lấp lánh dưới ánh nắng mặt trời. Theo kinh nghiệm của người dân vạn chài thì hến trên khúc sông này ngon, ít ngậm cát. Bởi nước sông ở đây thường xuyên lên xuống, có ngày hai lần nước xuống (nước mẹ, nước con). Những ngày đó, dân làng chài tất bật khác thường với công việc đãi cát, tìm hến.

Dừng tay cào, gạt những giọt mồ hôi trên trán, chị Hiền, người có “thâm niên” với nghề cào hến chia sẻ: “Hến đầu mùa, dân chúng tôi gọi là mùa hến rãy. Hến bé nhưng chắc và béo lắm”. Rồi chị chỉ cho tôi cách cào hến, rẽ dòng nước, chân chị vừa dò dưới lòng sông “chỉ dừng lại cào khi chân mình cảm thấy nhám, gồ ghề khi nơi đó có nhiều hến”. Cào hến là kế sinh nhai của gia đình chị từ nhiều đời trước. Đã bao thế hệ gia đình chị sống “bám” mặt sông, coi thuyền là nhà, lênh đênh theo con nước. Thế nhưng, cũng nhờ bao nhiêu năm sống dựa vào “lộc” sông nước mà gia đình chị đã được “lên bờ”.

Cái nghề lênh đênh theo sông nước cũng lắm nỗi nhọc nhằn. Sinh ra và lớn lên ở làng chài, quanh năm gắn bó với nghề cào hến, bà Lân thuộc lòng từng khúc sông, giờ con nước lên, xuống. Nay đã ở tuổi thất thập cổ lai hy nhưng không ngày nào bà ngơi nghỉ, bởi nhớ nghề, nhớ sông nước… “Dân vạn chúng tôi xuống sông vào bất kỳ lúc nào con nước xuống. Có ngày nước cạn vào buổi sáng sớm, giữa trưa, chiều, nhưng có hôm đến tận đêm khuya… Những đêm nước xuống, chị em lại í ới gọi nhau xuống sông cào hến. Trong đêm, giữa dòng sông tối thẫm, thấp thoáng những ánh đèn hắt ra từ những chiếc thuyền, mọi người đều lọ mọ cào, rửa hến theo thói quen. Tiếng cười, nói, tiếng sàng, rửa hến… nhộn nhịp cả một khúc sông. Cực nhất vẫn là những ngày trời rét, ngâm mình dưới nước hàng tiếng đồng hồ để cào hến. Cái lạnh như thấm vào từng thớ thịt, thế nhưng ai nấy đều cắn răng, cào, sàng sảy, bởi nước chỉ xuống 4 - 5 tiếng, nên mọi người đều tranh thủ cào trước khi nước dâng” - bà Lân chia sẻ về cái nghề mà bà đã gắn bó ngót nửa cuộc đời. Rồi bà cười móm mém: “Vất vả riết rồi cũng quen, giờ phụ nữ và người già như chúng tôi mà thôi không làm thì nhớ nghề phải biết”.

Theo các cụ cao niên trong làng, ngày trước ở bãi Hưng Lam, hến nhiều vô kể. Từ tháng Ba, bắt đầu mùa hến “rãy” đến tận giáp tháng Chạp. Bởi thế, dân làng chài ở đây hầu như làm nghề hến quanh năm, chỉ trừ những tháng lụt lội, nước sông dâng cao. Hến Hưng Lam có mặt khắp các chợ quê, xuống tận thành phố.

Nhiều hộ ở làng chài đã lên bờ, xây được nhà che mưa, che nắng; các con được học hành cũng nhờ vào nghề cào hến. Làng vạn chài xóm 9, Hưng Lam có 93 gia đình, ngày trước vẫn bám nghề lênh đênh sông nước, nay trên 2/3 số hộ đã “lên bờ”. Thế nhưng, cái nghề cào hến đã đi cùng với biết bao thế hệ, phận người nơi làng chài ven sông ấy giờ đây đang dần thưa vắng. Con hến ít dần đi do khai thác cát, sỏi nhiều. Đất sản xuất ít nên nay hầu hết đàn ông, thanh niên trong làng (những người không chuyển làm nghề khai thác cát, sỏi) thì hoặc đi làm ăn nơi khác hoặc xuất khẩu lao động. Nhiều người dân làng chài Hưng Lam mong lắm cuộc sống “an cư lạc nghiệp”, có đất sản xuất, được hỗ trợ kỹ thuật, yên tâm phát triển kinh tế để ổn định cuộc sống, không còn bị lệ thuộc vào sông nước.

Dẫu vậy, các bà, các chị làng chài thì vẫn một đời bám trụ với nghề cào hến. Từ những cụ già nay đã tóc bạc, da mồi vẫn miệt mài gắn bó, đến những em gái nhỏ đang tuổi ăn, tuổi chơi cũng theo bà, theo mẹ ra sông vào những ngày nước xuống… Bởi với họ, nghề cào hến không chỉ là kế mưu sinh mà cái nghề “nương” theo con nước ấy đã gắn bó máu thịt và lớn lên với từng phận người nơi làng chài.

Đinh Nguyệt

Mới nhất
x
Lênh đênh cùng con nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO