(Baonghean) - Chính phủ được quốc tế công nhận tại Libya hôm 16/8 đã lên tiếng kêu gọi các quốc gia Arab tiến hành các cuộc không kích tiêu diệt tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng đang mở rộng tầm ảnh hưởng của nhóm này tại thành phố Sirte, vùng đất ven bờ Địa Trung Hải của Libya. Lời kêu gọi đó coi như chính phủ Lybia xác nhận sự bất lực trước IS.
Lời kêu gọi của Chính phủ Libya đưa ra trong bối cảnh các phiến quân tổ chức Nhà nước Hồi giáo” đã chiếm giữ thêm một khu vực mới tại Sirte. Lời kêu gọi nêu rõ, với trách nhiệm đối với người dân Libya và cũng bởi Libya đang bị áp đặt lệnh cấm vận vũ khí nên Libya không đủ khả năng để đối phó với nhóm phiến quân này. Libya kêu gọi sự hỗ trợ khẩn cấp của các nước Arab. Trong một diễn biến mới nhất, Liên đoàn Arab cho biết sẽ tổ chức cuộc họp khẩn về tình hình Libya vào ngày 18/8.
Lợi dụng cuộc khoảng chính trị ở Libya, nhóm Nhà nước Hồi giáo hiện đang kiểm soát các vùng lãnh thổ rộng lớn ở Iraq và Syria đã chiếm quyền kiểm soát Thành phố Sirte vào tháng 6 vừa qua. Thực tế này đã đặt đất nước Libya trước một nguy cơ mới: Nguy cơ bị IS xâm chiếm hoàn toàn. Trên thực tế, các hoạt động của IS thời gian vừa qua trên lãnh thổ Libya đã ở mức báo động. Gần đây nhất, hãng thông tấn LANA của Libya ngày 15/8 cho biết các phần tử thánh chiến của IS đã hành quyết 34 người tại thành phố duyên hải Sirte. Trước đó ngày 14/8, Đại sứ Libya tại Pháp, Chibani Abuhamoud cho biết giao tranh ở Sirte mấy ngày qua đã khiến từ 150 - 200 người thiệt mạng. Ông này cho rằng "một vụ thảm sát thực sự đang diễn ra" và kêu gọi cộng đồng quốc tế can thiệp.
 |
Các thành viên thuộc lực lượng chống lại IS ở Libya đang chuẩn bị đợt tấn công mới. Ảnh: AFP |
Rõ ràng, cuộc khủng hoảng chính trị ở Libya kể từ cuộc chính biến lật đổ chính quyền của nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi đã khiến nước này trở thành mảnh đất màu mỡ cho IS phát triển. IS chỉ phải đối mặt với sức tấn công yếu ớt từ quân đội Chính phủ Libya trong khi tại Iraq và Syria, IS đang chịu các mũi tấn công từ nhiều phía như quân đội Chính phủ Iraq, quân đội Chính phủ Syria, lực lượng người Kurd... và các cuộc không kích dữ dội của Liên minh quốc tế dẫn đầu. Trong khi đó, các cuộc đàm phán hòa giải giữa hai lực lượng đối lập chính ở Libya vẫn lâm vào bế tắc càng khiến quốc gia Bắc Phi này khó đối phó với IS hơn.
Các nhà phân tích dự đoán rằng, chiến lược của IS là sẽ tiếp tục đặt mình giữa các phe phái tham chiến tại Libya, theo đuổi việc tiếp cận các cộng đồng bị gạt ra ngoài lề trong cuộc tranh giành quyền lực. Chính vì thế, dư luận thế giới lo ngại rằng, IS đang thành công trong việc khoét sâu vào cuộc chiến “huynh đệ tương tàn” ở Libya như đã từng làm ở Syria. IS đã chỉ trích cả chính quyền Hồi giáo không được quốc tế công nhận ở Tripoli lẫn chính quyền được quốc tế công nhận tại Tobruk. Vì thế, IS có thể thu nạp được không ít thành viên thuộc các bộ lạc vốn trung thành với chính quyền Kadhafi ở khu vực Thành phố Sirte nơi chúng chiếm đóng, hoặc các lực lượng nhỏ bị gạt ra ngoài lề cuộc tranh giành quyền lực để từng bước gia tăng lực lượng của mình. Bằng cách đặt mình ở giữa các lực lượng tham chiến, IS khiến bất cứ lực lượng nào cũng phải e ngại, do đó, “chân rết” IS sẽ cắm sâu vào những nơi mà chúng chiếm đóng.
Về phía chính quyền Libya, do nước này tồn tại hai Quốc hội, hai Chính phủ đối lập nên không thể thống nhất hành động chống IS, dẫu biết rằng đây là mối đe dọa lớn đối với cả 2. Tuy nhiên, không có lực lượng nào muốn “căng sức” chống IS vì điều đó có thể khiến mình suy yếu và ngẫu nhiên tạo điều kiện cho phía đối lập có được lợi thế. Do đó, cả hai lực lượng tiến hành chống IS chỉ ở mức cầm chừng mà không dốc toàn lực.
Việc IS lớn mạnh ở Libya sẽ tạo ra nguy cơ thực sự đối với khu vực Nam Âu khi IS chỉ còn cách lục địa già đường biển Địa Trung Hải. Trong khi đó, châu Âu vẫn chưa thể tìm ra được biện pháp hữu hiệu nhằm giải quyết triệt để làn sóng người nhập cư từ Libya. Nếu IS tiếp tục kiểm soát thành phố ven biển Sirte của Libya thì sẽ rất nguy hiểm. Sirte có thể trở thành cơ sở để IS tổ chức các cuộc tấn công khủng bố tại Địa Trung Hải, nơi có hàng nghìn tàu hàng châu Âu lưu thông mỗi ngày. Thậm chí, nếu trà trộn vào dòng người nhập cư, IS có nguy cơ tạo ra các cuộc tấn công khủng bố ngay trong lòng châu Âu. Các nhà phân tích chính trị còn nhận định, nếu tận dụng tốt yếu tố này, IS có thể tiến hành âm mưu “thôn tính hóa” dần dần các nước miền Nam châu Âu.
Với lời kêu cứu Liên minh Arab vừa qua, có thể thấy Libya đang “bất lực” trước sức mạnh của IS. Tuy rằng hiện nay IS chưa thực sự đe dọa đến sự tồn vong của các lực lượng chính trị ở Libya song không loại trừ khả năng Libya cũng có thể giống như Iraq, nếu không có sự giúp đỡ từ bên ngoài, không chỉ chính quyền Hồi giáo mà cả chính quyền được quốc tế công nhận của Libya cũng đứng trước nguy cơ thất thủ trước IS. Một khi IS mạnh lên ở Libya, nhất là lại có thêm sự gia nhập của Boko Haram thì sẽ càng trở nên khó đối phó hơn. Song trước khi nhận được sự giúp đỡ từ cộng đồng quốc tế, các lực lượng chính trị đối lập ở Libya cần thống nhất trên một mặt trận chung chống lại IS. Có như vậy, Libya mới có thể tránh được nguy cơ rơi hoàn toàn vào tay IS.
Nguyễn Cao Biền