Lịch sử và vấn đề dạy, học môn Lịch sử

Trong những năm gần đây, có một thực tế là điểm thi tốt nghiệp phổ thông và thi đại học môn Lịch sử rất thấp; rất ít học sinh phổ thông đăng ký thi tốt nghiệp môn Lịch sử. Ðiều này đã làm dư luận ngày càng quan tâm việc dạy và học môn Lịch sử ở các trường phổ thông.
Học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Ðôn, TP Nha Trang, Khánh Hòa trong giờ học Lịch sử chuyên đề về chủ quyền biển, đảo. Ảnh: NGUYỄN CHUNG.
Học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Ðôn, TP Nha Trang, Khánh Hòa trong giờ học Lịch sử chuyên đề về chủ quyền biển, đảo. Ảnh: NGUYỄN CHUNG.
Theo chúng tôi, có sáu nguyên nhân dẫn đến việc điểm thi môn Lịch sử thấp và học sinh không thích học môn Lịch sử. Trước hết, phải thừa nhận rằng, học môn Lịch sử khó và không hấp dẫn. Ðã là lịch sử, nhất thiết phải gắn với sự kiện, nhân vật và hiểu lịch sử nhất định phải nắm vững những sự kiện, nhân vật cơ bản, quan trọng trong suốt quá trình hàng nghìn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.
Thứ hai, chương trình do Bộ Giáo dục và Ðào tạo quy định là yêu cầu học sinh phải nắm được hầu như tất cả các nội dung về lịch sử Việt Nam và lịch sử thế giới, trong khi đó, số tiết quy định quá ít, chỉ một tiết học trong một tuần.
Thứ ba, do yêu cầu của chương trình, nội dung trong sách giáo khoa quá nặng, ôm đồm, thiếu tính chọn lọc, thậm chí một số nội dung thiếu tính liên kết và lô-gích. Nội dung trong sách giáo khoa như một "đĩa nén", đầy ắp thông tin mà học sinh không thể nhớ hết được, dẫn đến tình trạng "học trước quên sau".
Thứ tư, là một môn phụ, cho nên giáo viên dạy môn Lịch sử chưa tập trung cải tiến nội dung, phương pháp giảng dạy. Tình trạng "dạy chay", bắt học thuộc lòng một cách máy móc vẫn là tình trạng phổ biến.
Thứ năm, việc ra đề thi và đáp án cũng ảnh hưởng đến kết quả thi của học sinh. Không ít đề ra quá khó, nặng về con số và sự kiện, chưa sát với nội dung học; giữa đề thi và đáp án còn có độ vênh, cho nên học sinh khó làm và người chấm cũng khó đánh giá.
Thứ sáu, xã hội ta hiện nay chưa coi trọng môn Lịch sử và ngành lịch sử. Môn Lịch sử thường được xếp vào môn học phụ trong nhà trường. Không những vậy, cơ hội tìm việc làm cho những cử nhân Lịch sử là không nhiều, nếu có thì thu nhập rất thấp.
Theo chúng tôi, chỉ dựa vào kết quả thi môn Lịch sử của học sinh phổ thông hay việc học sinh ít đăng ký thi tốt nghiệp môn Lịch sử để đánh giá việc học sinh không thích học môn Lịch sử hay thiếu hiểu biết về lịch sử Việt Nam là chưa chính xác. Những học sinh có học lực kém thì thi môn nào cũng sẽ kém, không chỉ môn Lịch sử.
Trong những năm gần đây, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức trao giải học sinh giỏi môn Lịch sử trong các trường trung học phổ thông trên toàn quốc, trong đó có những em yêu và hiểu lịch sử Việt Nam, viết và nói về lịch sử Việt Nam hay đến nỗi các thầy giáo, cô giáo rất tự hào và khâm phục. Không những vậy, hiện nay, ở nước ta có một thực tế là ngoài các cơ quan Nhà nước có chức năng nghiên cứu và biên soạn lịch sử, các địa phương, dòng họ, người dân yêu lịch sử cũng đều viết sử. Dưới góc độ xã hội, phải chăng đó là hành động thể hiện lòng yêu quý, kính trọng lịch sử của người dân Việt Nam.
Lịch sử Việt Nam rất phong phú, hấp dẫn và đáng tự hào, trong khi việc tuyên truyền lịch sử dân tộc đến nhân dân với nhiều kênh khác nhau (như sách truyện, báo viết, báo điện tử, đài truyền hình, phim ảnh, tham quan...) còn hạn chế. Không ít người Việt Nam hiểu lịch sử nước ngoài hơn lịch sử nước nhà. Yêu lịch sử dân tộc không đồng nhất với việc học giỏi môn Lịch sử. Học môn Lịch sử một khi không phải thi tốt nghiệp, cơ hội tìm việc làm cho cử nhân ngành sử rất hiếm hoi, thu nhập và địa vị của giáo viên hay cán bộ nghiên cứu khoa học lịch sử quá thấp so với xã hội, v.v. sẽ giảm việc học sinh đăng ký thi và học môn Lịch sử.
Từ sự phân tích nói trên, để học sinh yêu thích môn Lịch sử, chúng ta cần quan tâm một số vấn đề sau: Các cơ quan có trách nhiệm cần đặt môn (ngành) Lịch sử đúng với vị trí của nó trong xã hội (đối với vấn đề chính trị, văn hóa, an ninh - quốc phòng của đất nước), từ đó có chính sách phù hợp đối với việc học môn này trong nhà trường và với việc sử dụng cán bộ ngành khoa học Lịch sử. Ðây là biện pháp đầu tiên mang tính vĩ mô, khuyến khích việc học sinh yêu thích và theo học môn (ngành) Lịch sử. Về chương trình và thi cử, Bộ Giáo dục và Ðào tạo cần bố trí chương trình hợp lý trong hệ thống các môn học.
Ðặt môn Lịch sử là một trong những môn cơ bản như Toán, Văn; tăng tiết học hợp lý cho môn này. Về giáo trình, giảm yêu cầu kiến thức so với chương trình đã ban hành và theo đó là giảm nội dung, chắt lọc những vấn đề cơ bản mang tính cốt lõi và xuyên suốt của lịch sử Việt Nam hạn chế những vấn đề, nhân vật, sự kiện không tiêu biểu, mang tính tiểu tiết.
Theo từng lớp, từng cấp tương đương với lứa tuổi của học sinh để soạn giáo trình, bài giảng cho phù hợp cả về nội dung lẫn ngôn ngữ, tránh tình trạng nội dung sách giáo khoa phổ thông là rút gọn của chương trình đại học. Về phương pháp giảng dạy, kết hợp việc truyền tải nội dung với kể chuyện lịch sử, kết hợp giữa việc dạy theo giáo trình với việc minh họa bằng sơ đồ, biểu đồ, tranh, ảnh; kết hợp giữa việc dạy lịch sử Việt Nam với lịch sử thế giới, lịch sử quốc gia và lịch sử địa phương; kết hợp giữa việc học trên lớp với việc tham quan, thực tế.
Về việc ra đề thi, cần bám sát nội dung học và phù hợp với trình độ và lứa tuổi của học sinh. Ðề thi phải rõ ràng, chính xác, tránh tình trạng đề bài có nhiều cách làm, trong khi đáp án chỉ có một. Nội dung đề thi cùng với việc kiểm tra kiến thức cơ bản, cần đưa ra vấn đề "mở" để đánh giá kiến thức chung, kỹ năng, sự sáng tạo của học sinh.
Người Việt Nam vốn có truyền thống yêu nước nồng nàn và dĩ nhiên là rất yêu và quý trọng lịch sử nước nhà. Chúng ta đừng nhìn vào những bài thi có sai sót về nhân vật, sự kiện hay có ít học sinh thi môn Lịch sử mà đánh giá dân ta không thích, không biết sử. Một thực tế mà chúng ta đang chứng kiến là:
Thế hệ trẻ ngày nay đang tiên phong và tham gia tích cực các phong trào thanh niên tình nguyện, phong trào hướng về biên giới, hải đảo, tiến quân mạnh mẽ vào lĩnh vực khoa học kỹ thuật. Với lòng tự hào dân tộc, những chủ nhân tương lai của đất nước chắc chắn sẽ viết tiếp những trang sử hào hùng của dân tộc, sẽ bảo vệ vững chắc nền độc lập, thực hiện thành công mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam giàu, mạnh.
Theo NDĐT

tin mới

Bản đồ

Hướng về các ngày lễ lớn của dân tộc, thế hệ trẻ gửi nhiều thông điệp về tình yêu đất nước

(Baonghean.vn) - Những ngày tháng Tư lịch sử, đất nước hướng về các ngày lễ trọng đại: Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, những hình ảnh hào hùng đó một lần nữa lại được thế hệ trẻ tái hiện với nhiều thông điệp ý nghĩa.

Thư viện

Để sách trở thành người bạn của học trò

(Baonghean.vn) - Internet phát triển, điện thoại di động, mạng xã hội và rất nhiều mối quan tâm khác khiến giới trẻ ngày nay không còn nhiều người mặn mà với sách. Chính vì thế, gây dựng và phát triển văn hóa đọc trong các nhà trường là điều hết sức cần thiết, dù với ở độ tuổi nào.

Sáp nhập

Sáp nhập trường lớp ở huyện Thanh Chương: Trao cơ hội học tập tốt nhất cho học trò

(Baonghean.vn) - Sáp nhập trường lớp là xu hướng tất yếu nhằm tập trung đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dạy và học của các trường. Đây cũng là mục tiêu huyện Thanh Chương đang kiên trì thực hiện, với mong muốn đem đến môi trường giáo dục tốt nhất cho các học trò.

Hội đồng Nhân dân tỉnh Nghệ An thẩm tra phương án phân bổ gần 2.200 biên chế giáo viên

Hội đồng Nhân dân tỉnh Nghệ An thẩm tra phương án phân bổ gần 2.200 biên chế giáo viên

(Baonghean.vn) - Trên cơ sở 2.187 biên chế giáo viên được Trung ương bổ sung cho Nghệ An, UBND tỉnh đã xây dựng dự thảo nghị quyết trình HĐND tỉnh thẩm tra trước khi trình HĐND tỉnh xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 19, khoá XVIII, nhiệm kỳ 2021 – 2026, dự kiến tổ chức vào ngày 25/4/2024.

Trường nghề

Trường nghề loay hoay trước 'bài toán' giáo viên hợp đồng

(Baonghean.vn)- Nghệ An đang rà soát lại nhân viên hợp đồng ở các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập nhằm triển khai thực hiện Nghị định số 111 của Chính phủ về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập.

Lớp 12

90 ngày 'đếm ngược' của sỹ tử lớp 12

(Baonghean.vn) - “90 ngày quyết tâm đạt kết quả cao trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024” là phong trào thi đua đang được các trường học trong toàn tỉnh triển khai, với mục tiêu cùng với ngành Giáo dục tỉnh nhà tăng ít nhất 4 bậc về thứ hạng trong mùa thi năm nay.