Liên hiệp các hội KHKT Nghệ An đóng góp ý kiến về Dự thảo sửa đổi hiến pháp năm 1992

18/03/2013 16:04

Sáng nay, 18/3, Liên hiệp các hội Khoa học- kỹ thuật Nghệ An tổ chức hội nghị đóng góp ý kiến về Dự thảo sửa đổi hiến pháp năm 1992. Đồng chí Trần Công Dương - Uỷ viên BTV Tỉnh uỷ, Chánh Văn phòng Tỉnh uỷ, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật tỉnh chủ trì hội nghị.

(Baonghean.vn) - Sáng nay, 18/3, Liên hiệp các hội Khoa học- kỹ thuật Nghệ An tổ chức hội nghị đóng góp ý kiến về Dự thảo sửa đổi hiến pháp năm 1992. Đồng chí Trần Công Dương - Uỷ viên BTV Tỉnh uỷ, Chánh Văn phòng Tỉnh uỷ, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật tỉnh chủ trì hội nghị.

Các ý kiến phát biểu tại hội nghị nhất trí đánh giá cao bản dự thảo sửa đổi hiến pháp 1992, khẳng định các tầng lớp nhân dân nói chung và trí thức nói riêng đặt niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước, xã hội và cho rằng sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là một tất yếu lịch sử. Đóng góp ý kiến vào nội dung Điều 4, các đại biểu cho rằng để khẳng định vai trò làm chủ của dân, để nhân dân giám sát hiệu quả hoạt động của Đảng, cần phải giữ nguyên những điều khoản như trong dự thảo, nhưng cần làm gọn một số câu chữ.



Toàn cảnh buổi hội nghị

Còn tại điều 1 các đại biểu cho rằng về toàn vẹn lãnh thổ cần cần phải thể hiện vị trí địa lý, ranh giới, số lượng danh mục từ đất liền đến biển, đảo. Các đại biểu cũng đã góp ý cho vấn đề quản lý đất đai, tài nguyên. Các ý kiến đều cho rằng, quy định đất đai, tài nguyên các nguồn lợi và tài sản khác là sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý tại điều 37 là duy nhất đúng. Còn tại điều 58 coi đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia là hoàn toàn chính xác nhưng cũng cần nói thêm về đất đai cũng là tư liệu sản xuất đặc biệt của nhân dân để khi đền bù phải tính đến việc tạo cho họ một loại tư liệu sản xuất mới để họ sớm ổn định cuộc sống...



Đồng chí Trần Công Dương phát biểu kết luận tại hội nghị

Vấn đề kinh tế tri thức trong Điều 67 khoản 1, cần đánh giá đúng vai trò của khoa học kỹ thuật trong sự phát triển kinh tế xã hội; cần có chính sách cho đầu tư cho lựa chọn công nghệ cao, quan tâm đến đội ngũ trí thức... Ngoài ra, một số đại biểu còn đề nghị đổi, thay thế một số từ cho một số điều khoản để văn phong của bản hiến pháp mới súc tích và chặt chẽ, dễ hiểu hơn như trong khoản 2 Điều 5, Điều 57.

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Trần Công Dương cho rằng: bản dự thảo sửa đổi hiến pháp năm 1992 có nhiều tiến bộ, thể hiện rõ bản chất của nhà nước ta, thể hiện rõ ý chí của toàn dân về xây dựng nhà nước pháp quyền của nhân do dân và vì dân. Các ý kiến góp ý của các đại biểu đều thể hiện sự trí tuệ và tâm huyết cho bản dự thảo sửa đổi hiến pháp năm 1992. Các hội viên Hội KHKT cần tiếp tục có nhiều góp ý cho dự thảo sửa đổi hiến pháp năm 1992. Liên hiệp hội khoa học kỹ thuật Nghệ An sẽ tổng hợp lại đầy đủ các góp ý của các đại biểu cũng như các tri thức trên địa bàn toàn tỉnh để chuyển lên hội đồng sửa đổi hiến pháp của Quốc hội.


Thanh Nga

Liên hiệp các hội KHKT Nghệ An đóng góp ý kiến về Dự thảo sửa đổi hiến pháp năm 1992
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO