Liên hoan phim Abu Dhabi tôn vinh nhà văn giành giải Nobel

19/07/2011 17:08

Trong cuộc đời mình, nhà văn Ai Cập Naguib Mahfouz (1911-2006) nổi tiếng với 2 cái “đầu tiên” quan trọng: ông là nhà văn A Rập đầu tiên được trao giải Nobel Văn học (năm 1988) và là nhà văn A Rập đầu tiên dành nhiều tâm huyết cho điện ảnh.


Nhà văn Naguib Mahfouz

Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông, các nhà tổ chức LHP Abu Dhabi (ADFF) quyết định sẽ tôn vinh người nghệ sĩ có sức ảnh hưởng lớn và độc đáo này bằng việc trình chiếu 8 bộ phim được dàn dựng dựa theo các tiểu thuyết của ông tại LHP năm nay - diễn ra vào ngày 13-22/10 tới.

Bị tín đồ Hồi giáo cực đoan tấn công

Bên cạnh đó, ADFF còn xuất bản một chuyên khảo về Mahfouz và điện ảnh, tổ chức triển lãm các áp-phích phim và thảo luận về nhà văn.

Sinh ra ở Cairo năm 1911, khi nhỏ Mahfouz không mặn mà với việc học hành. Với ông, trường học như thể "nhà tù". Tuy nhiên, ông rất yêu thích lịch sử cổ đại do thường được mẹ dẫn đi tham quan các viện bảo tàng. Năm 1934, Mahfouz tốt nghiệp khoa Triết Trường Đại học Văn khoa, thuộc Viện Đại học Cairo. Sau hai năm học cao học, ông quyết định trở thành nhà văn chuyên nghiệp.

Mahfouz xuất bản tiểu thuyết đầu tiên vào năm 1939. Kể từ những năm 1940, Mahfouz kiếm sống bằng đồng lương công chức. Ông từng làm việc trong nhiều ban ngành liên quan đến văn hóa và điện ảnh của Chính phủ. Có thời gian ông nắm giữ cương vị Trưởng ban kiểm duyệt phim. Nhưng từ cuối những năm 1940, ông bắt đầu viết kịch bản và đã cho ra đời hơn 25 kịch bản.

Năm 1994, ở tuổi 83, ông đã có hơn 30 tiểu thuyết và hơn 100 truyện ngắn. Nhưng cũng trong năm đó, ông bị hai kẻ Hồi giáo cuồng tín dùng dao tấn công khi ông phát hành tiểu thuyết The Children of Gebalawi (Những người con của ông Gaballawi). Người ta cho rằng ông “phỉ báng Chúa trời và nhà tiên tri Muhammad” khi nhiều nhân vật của cuốn tiểu thuyết “động chạm” đến các nhân vật tôn giáo, như đấng Allah, đấng Sáng Tạo và Toàn Năng, Chúa Jesus, nhà tiên tri Muhammad, quỷ Satan...

Trong vụ này, Mahfouz bị thương ở cổ và phải nằm viện gần hai tháng. Kể từ đó, ông bị hạn chế nhiều cả về khả năng nghe nhìn cũng như khả năng sáng tác, chưa kể cánh tay phải của ông mỗi ngày chỉ làm việc được không quá nửa tiếng. Trong những năm cuối đời, nhà văn gần như bị mù. Ông bị chấn thương sọ não trong một cú ngã khi đi dạo đêm. Mahfouz đã trút hơi thở cuối cùng tại Cairo vào ngày 30/8/2006, sau hơn một tháng nhập viện.

“Balzac của Ai Cập”

Không chỉ có các đạo diễn nổi tiếng Ai Cập như Salah Abou Seif, Youssef Chahine, Hassan Al Imam, Kamal Al Sheikh, Ali Badrakhan và Tawfik Saleh háo hức đưa các tác phẩm của ông lên màn bạc, mà 2 tiểu thuyết của ông cũng truyền cảm hứng cho 2 đạo diễn lớn của Mexico là Jorge Fons và Arturo Ripstein làm phim. Lịch chiếu phim tại ADFF năm nay cũng gồm cả tác phẩm của các nhà làm phim này và phần lớn trong số họ sẽ có mặt trong các buổi chiếu phim.

Hầu hết các cuốn tiểu thuyết của Mahfouz đã được dịch sang tiếng Anh và được Trường Đại học Báo chí Cairo phát hành. Sau khi đoạt giải Nobel Văn học, lượng độc giả của ông trên toàn thế giới tăng lên đáng kể, trong đó có cả cựu Đệ nhất phu nhân Mỹ Jacqueline Kennedy o­nassis. Hơn nữa, một biên tập viên của NXB Doubleday ở New York đã tới Cairo để gặp ông và cuối cùng đã giành được bản quyền phát hành ở Mỹ cuốn The Cairo Trilogy – tác phẩm nổi tiếng nhất của Mahfouz.

Nói về các sự kiện tôn vinh nhà văn Mahfouz tại ADFF năm nay, Eissa Saif Al Mazrouei, Giám đốc các Dự án Đặc biệt về Văn hóa và Di sản của ADFF, cho hay: “LHP nắm bắt cơ hội này để tái khẳng định tầm quan trọng của việc tôn vinh nghệ thuật điện ảnh bằng cách giới thiệu những điển hình của lịch sử điện ảnh tới khán giả mới ngày nay.

Nhờ việc hợp tác với Bộ Văn hóa Ai Cập và Trung tâm Điện ảnh Ai Cập mà chúng tôi đã có được các bản copy có phụ đề mới của 5 bộ phim được chọn để trình chiếu tại ADFF nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Mahfouz. Các tác phẩm điện ảnh này cùng nhiều sự kiện khác tôn vinh Mahfouz tại LHP sẽ tạo cho người yêu điện ảnh và sách ở khắp các Tiểu vương quốc A Rập thống nhất cơ hội được thưởng thức tác phẩm của một trong những nhà văn vĩ đại nhất thế kỷ 20, người đã tạo sức ảnh hưởng tới sâu rộng cả văn học và điện ảnh”.

Còn Peter Scarlet, Giám đốc điều hành của ADFF, nói: “Cách mô tả về cuộc sống của người nông thôn của Mahfouz rất sống động và sắc sảo, từ những tác phẩm đầu tay viết về quá khứ cổ đại của Ai Cập hay trong những tác phẩm sau này - chú trọng mô tả cuộc sống của người thuộc tầng lớp thấp ở Cairo, đều được ông thể hiện bằng ngòi bút tinh tế. Mahfouz được ví như Balzac của Ai Cập”.


(Theo TT&VH)

Mới nhất

x
Liên hoan phim Abu Dhabi tôn vinh nhà văn giành giải Nobel
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO