Liên kết để bám biển
(Baonghean) - Bao đời nay, ngư dân Nghi Thuỷ (Cửa Lò) sống dựa vào biển, biển cho cá, tôm để người dân làng biển được ấm no, trù phú. Để bảo vệ và khai thác nguồn lợi, ngư dân đã thành lập các tổ liên kết, cùng hỗ trợ nhau trong quá trình khai thác trên biển, đồng thời ngày càng sắm nhiều tàu to máy lớn để vươn ra khơi xa khai thác, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Bữa cơm chiều trên thuyền của ngư dân Nghi Thuỷ (Cửa Lò). |
Ông Nguyễn Ngọc Thành (khối 5, phường Nghi Thuỷ) năm nay 64 tuổi nhưng vẫn còn hăng say với nghề biển, một ngày không đi biển là nhớ biển cồn cào. Với ông Thành, đi biển không chỉ để kiếm kế sinh nhai mà còn để thoả thuê nỗi lòng “khát” biển. Ông là tổ trưởng tổ liên kết gồm 10 tàu thuyền đánh bắt ngoài khơi. Năm 2013, thuyền của anh Lê Hồng Minh gặp rủi ro do chân vịt bị gãy, nước vào nhiều làm chìm thuyền. Anh Minh lập tức liên hệ với anh em trong tổ liên kết, ông Thành cùng các thành viên trong tổ nhanh chóng tiếp cận trực tiếp trục vớt đưa thuyền và người vào bờ an toàn. Tuy tuổi cao nhưng tinh thần, ý chí bám biển của ông là chỗ dựa cho con cháu noi theo, ông Thành bộc bạch rằng, đến khi nào đôi tay không còn kéo được lưới nữa thì lúc đó mới ngừng đi biển.
Anh Võ Văn Phúc (khối 7, phường Nghi Thuỷ), năm nay 52 tuổi nhưng đã gần 40 năm bám biển, chưa học hết cấp 2 anh đã theo cha xuống thuyền đi biển, từ khai thác gần bờ rồi vươn ra khơi xa, từ phương tiện đánh bắt thô sơ đến hiện đại, anh hoàn toàn làm chủ biển khơi. Vốn con nhà “nòi”, kết hợp thâm niên bám biển gần 40 năm giúp anh Phúc vững vàng, mạnh dạn đầu tư nhiều tàu lớn vươn khơi. Đến nay, gia đình anh có 4 chiếc tàu xa bờ, công suất 444CV/chiếc, tạo việc làm cho 30 lao động trực tiếp khai thác trên biển và khoảng 20 lao động hậu cần trên bờ chuyên bốc xếp cá. Mỗi chuyến biển thường kéo dài từ 2 – 7 ngày, chuyến nào may mắn trúng được luồng cá thì trở vào bờ sớm hơn. Nghề đi biển thường xuyên lênh đênh trên ngọn sóng, đối mặt với nhiều hiểm nguy tiềm ẩn nhưng anh Phúc cũng như bao ngư dân khác ở phường Nghi Thuỷ này, không hề nao núng trước mỗi chuyến ra khơi. Ngày nào biển động phải nghỉ lưới ở nhà thì như lửa đốt trong lòng vì nhớ biển da diết.
Nhiều năm nay, tổ đánh bắt của anh Phúc gồm 7- 8 đôi tàu thường xuyên hỗ trợ thông tin với nhau, khi một tàu không may gặp rủi ro, thì tất cả các tàu đều tập trung lại hỗ trợ, hạn chế tối đa thiệt hại. Vừa qua, tàu cá của anh Trịnh Văn Quang ở khối 9, đang khai thác ngoài khơi, gặp sóng lớn, nước tràn vào làm chìm tàu. Anh Quang liên lạc với các tàu trong tổ đến cứu giúp. Do bị ngâm nước, nhiều thiết bị trên tàu bị hư hỏng phải thay thế, sửa chữa, thiệt hại gần 200 triệu đồng. Chia sẻ khó khăn với anh Quang, các ngư dân trong tổ liên kết và các tổ nhóm khác cùng chung sức đóng góp hỗ trợ gia đình anh Quang 30 triệu đồng để sửa chữa tàu cá. Trong đó, anh Võ Văn Phúc là người hỗ trợ nhiều nhất với số tiền 6 triệu đồng.
Phường Nghi Thuỷ có trên 800 lao động làm nghề khai thác biển, với 167 tàu cá công suất từ 24CV - 450CV, trong đó có 40 chiếc từ 350CV - 450CV. Ông Nguyễn Văn Huệ - Chủ tịch Hội Nông dân phường Nghi Thuỷ cho biết: Mỗi chi hội nông dân thành lập một tổ liên kết gồm các tàu thuyền khai thác ở các tuyến khơi, lộng, gần bờ, thường xuyên liên hệ để hỗ trợ nhau trong khai thác, trong hoạn nạn khó khăn, hay ngư trường đánh bắt. Chẳng hạn tàu này phát hiện vùng đang khai thác có cá, lập tức liên hệ cho các tàu trong tổ liên kết cùng tới đánh bắt. Những ngày biển lặng, khai thác được nhiều cá, các tàu khai thác ở vùng lộng làm công tác trung chuyển hải sản vào bờ bán và tiếp tế nguyên liệu để giúp cho những tàu xa bờ yên tâm bám biển dài ngày, nâng hiệu quả khai thác.
Ngư dân Nghi Thuỷ cần cù lao động, từ xa xưa người dân đã biết làm nghề chài lưới kiếm sống. Quá trình sản xuất, ngư dân học hỏi, sáng tạo phát triển các nghề đánh bắt hiện đại, năng động chuyển đổi nghề từ vùng lộng ra vùng khơi khai thác nâng hiệu quả sản xuất, đồng thời bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Năm 2010, toàn phường mới có 20 tàu đánh bắt xa bờ, đến năm 2014 nâng tổng số lên 40 tàu xa bờ, công suất từ 350CV – 450CV. Trước đây, ngư dân kéo lưới bằng tay rất tốn công sức mà hiệu quả không cao, nay sáng kiến kéo lưới bằng tời, kết hợp có máy định vị, máy dò cá, bộ đàm, thông tin liên lạc thuận lợi, nâng sản lượng khai thác tăng qua từng năm. Năm 2012, tổng sản lượng khai thác của toàn phường trị giá 5,7 tỷ đồng. Năm 2013, tổng sản lượng khai thác trị giá hơn 6 tỷ đồng. Năm 2014, dự kiến khai thác đạt trên 7.000 tấn hải sản các loại.
Với ngư dân, biển là cuộc sống của họ, do đó, dù gặp khó khăn hay đối mặt với hiểm nguy ngoài khơi xa thì lớp lớp ngư dân vẫn kế tiếp nhau đi về phía biển, những đoàn tàu đánh cá của ngư dân Nghi Thủy nói riêng và của Nghệ An nói chung đã tạo nên lá chắn vững chắc góp phần bảo vệ lãnh hải của Tổ quốc thân yêu.
Quỳnh Lan