Liên kết trong sản xuất nông nghiệp: Cần "khế ước" chặt chẽ

01/10/2014 09:22

(Baonghean) - Trong sản xuất nông nghiệp, liên kết là một xu thế tất yếu để nâng cao giá trị sản xuất một cách bền vững. Những năm qua, hoạt động này ngày càng phát triển, đem lại những hiệu quả nhất định trên địa bàn tỉnh Nghệ An; song vẫn còn những mối liên kết ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất, niềm tin của nông dân.

Mô hình liên kết trồng ớt ở xã Hưng Xá (Hưng Nguyên).
Mô hình liên kết trồng ớt ở xã Hưng Xá (Hưng Nguyên).

Thực tế liên kết sản xuất

Xã Hưng Thông huyện Hưng Nguyên, địa phương mà tháng 10/2013 ký hợp đồng sản xuất ớt cho Công ty Stevia Á Châu. Hợp đồng kết thúc vào tháng 5/2014. Ông Cao Văn Tứ, phụ trách nông nghiệp của xã cho biết: Hợp đồng mà bà con ở đây ký với công ty có diện tích 7 ha, với 200 hộ tham gia. Theo hợp đồng, phía Công ty cung ứng giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm cho bà con với giá 6.000 đồng/kg, về sau do thay đổi giống nên tăng lên 10.000 đồng/kg. Tuy nhiên, công ty chỉ thu mua được 3 đợt (suốt chu kỳ khai thác của cây ớt sẽ cho 12-13 đợt), sau đó ngừng thu mua. Xóm 14 có diện tích trồng ớt lớn nhất của xã, với diện tích 2 ha, có 55 hộ tham gia. Tuy nhiên, khi cây ớt trồng xuống sự thể lại không như mong muốn. Sau lứa 1 quả bói thu hoạch không được bao nhiêu, lứa thứ 2 gặp sâu bệnh, đến lứa thứ 3 quả sai hứa hẹn cho sản lượng cao, thì Công ty ngừng thu mua. Khi bà con đấu tranh, Công ty lại mua, nhưng giá hạ xuống chỉ còn 5.000 đồng/kg, bằng một nửa giá hợp đồng đã ký kết, song cũng chỉ thu mua được một số hộ, sau đó dừng hẳn. Tổng số 2 ha ớt của xóm được công ty thu mua trả cho 6,4 triệu đồng.

Còn tại xã An Hòa, huyện Quỳnh Lưu, Công ty Nông lâm xuất nhập khẩu Thanh Hóa đặt vấn đề với xã An Hòa liên kết sản xuất ớt phục vụ cho xuất khẩu tổng diện tích 15 ha. Công ty cam kết cung ứng giống, hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm với giá 4.500 đồng/kg. Trong quá trình thực hiện, Công ty liên tục tự ý điều chỉnh giá mua từ 4,5 ngàn xuống 3 ngàn, 2 ngàn rồi 1 ngàn đồng/kg. Đây là loại ớt quả to, ít cay, bán ra thị trường không ai mua nên bà con đành chấp nhận. Kết thúc vụ ớt, Công ty đã thu mua sản phẩm cho người trồng ớt ở An Hòa với số tiền phải trả hơn 500 triệu đồng. Tuy nhiên, đã 3 tháng nay, Công ty vẫn chưa trả tiền cho bà con. Đã nhiều lần ông Lê Văn Quyết - Phó Chủ tịch UBND xã An Hòa cùng 2 chủ nhiệm HTX Toàn Thắng - Bút Lĩnh ra tận Thanh Hóa để đòi tiền nhưng không được.

Ngược lại, cũng tại xã An Hòa, HTX Toàn Thắng và Bút Lĩnh lại liên kết thành công với Công ty Vật tư nông nghiệp Nghệ An sản xuất ngô giống đã 7 mùa. Công ty cung ứng giống - vật tư và bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Ngô khô trên cây được mua với giá 10.000 đồng/kg (giá thị trường ngô hạt chỉ 7.000 đ/kg). Giá cao lại không phải lo đầu vào - ra nên bà con rất phấn khởi. Theo ông Lê Văn Minh - Phó Tổng Giám đốc Công ty Vật tư nông nghiệp Nghệ An, liên kết trong sản xuất là chiến lược mà Tổng công ty lựa chọn. Hiện nay, ngoài Nghệ An có khoảng 1.000 ha liên kết với công ty theo hình thức cung ứng giống - vật tư, bao tiêu sản phẩm, còn có Hà Tĩnh, Quảng Bình, mỗi tỉnh cũng vài ngàn ha, với giống lúa NA2. Để chủ động cho việc liên kết thành công, ngoài việc mở rộng nhà máy phân bón, công ty còn xây dựng nhà máy xay xát công suất 10 tấn/giờ. Hệ thống kho, cửa hàng phân phối sản phẩm tại các địa phương. Tạo ra chuỗi liên kết khép kín từ khâu sản xuất cho đến tiêu thụ, hàng năm, công ty đầu tư khoảng 150 - 180 tỷ đồng vào lĩnh vực này.

Trên lĩnh vực này còn có Công ty Vĩnh Hòa (Yên Thành) với thương hiệu gạo AC5; sau khi khảo nghiệm thành công và được công nhận bộ giống quốc gia, Công ty đã xây dựng chiến lược lấy liên kết làm nền tảng. Hiện nay, trên địa bàn Nghệ An đã có 3.000 ha lúa AC5 sản xuất theo kiểu liên kết với Công ty Vĩnh Hòa. Gạo AC5 được xuất khẩu theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc. Năm 2014, Công ty đã thu mua được hơn 12.000 tấn trên địa bàn với giá cao hơn lúa thị trường từ 20-30%.

Giải pháp liên kết bền vững

Hiện nay, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh ta còn ít, thiếu tính bền vững. Ngoại trừ một số doanh nghiệp có tiềm lực lớn như: Công ty Vật tư nông nghiệp Nghệ An; Công ty Vĩnh Hòa là có chiến lược đầu tư một cách bài bản, tạo được sự gắn kết với người nông dân thì một số doanh nghiệp còn làm ăn theo kiểu “đánh quả”. Vì vậy, để liên kết được bền vững, trước hết vai trò của Nhà nước hết sức quan trọng, đó là thẩm định giúp dân khả năng tài chính, cách làm ăn, hướng làm ăn của các doanh nghiệp và đặc biệt phát hiện, loại trừ những doanh nghiệp đầu tư theo kiểu “đánh quả”. Việc đổ bể của 2 liên kết trong bài đã nêu hình như “vắng bóng” chính quyền các cấp. Ở Hưng Nguyên, khi Công ty Stevia Á Châu vào liên hệ đầu tư, huyện cũng đưa ra điều kiện phải ký quỹ đề phòng rủi ro, nhưng điều đó cũng chỉ “nói mồm” với nhau, không được thể hiện bằng văn bản. Khi hợp đồng đổ bể chưa có những động thái buộc nhà đầu tư phải có trách nhiệm ngồi lại cùng bà con để giải quyết hậu quả. Mặt khác, đối với những doanh nghiệp đủ điều kiện, nhà nước cần tạo hành lang pháp lý để doanh nghiệp hoạt động được thông thoáng, có các nguồn tài chính thành lập quỹ để chia sẻ rủi ro khi các bên gặp phải. Khi rủi ro xẩy ra, quỹ này sẽ là nguồn tài chính giúp cho doanh nghiệp vượt qua những khó khăn. Nhà nước cũng cần có cơ chế hỗ trợ cho doanh nghiệp vay vốn với lãi suất phù hợp. Phía địa phương hoàn thành công tác chuyển đổi ruộng đất để tạo quỹ đất lớn thuận lợi cho doanh nghiệp vào đầu tư. Khi có những tranh chấp, mâu thuẫn trong hợp đồng, chính quyền phải kịp thời đứng ra làm trung gian hòa giải, phân định, trên cơ sở đảm bảo lợi ích hài hòa giữa các bên. Rồi tổ chức xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, cùng các nhà khoa học hỗ trợ doanh nghiệp trên lĩnh vực giống, kỹ thuật.

Đối với doanh nghiệp cần chia sẻ lợi nhuận cũng như rủi ro với bà con nông dân, xem đây là trách nhiệm, nguyên tắc trong quá trình liên kết, từ đó xây dựng chuỗi liên kết trong hoạt động của mình để chủ động đầu ra cho sản phẩm, gắn với chế biến sâu để chủ động trong sản xuất. Trong chuỗi liên kết, đầu ra đóng vai trò vô cùng quan trọng, chỉ có chủ động đầu ra mới đảm bảo cho liên kết bền vững. Bài học từ Công ty Stevia Á Châu và Công ty Nông lâm xuất nhập khẩu Thanh Hóa là một thí dụ. Không chủ động được đầu ra, mà chỉ là khâu trung gian, nên khi đầu ra bị tắc, chuỗi liên kết lập tức đứt gãy. Theo bà Nguyễn Thị Thủy - Giám đốc Công ty TNHH Mạnh Cường ở Quỳnh Lưu, phát triển sản xuất phải gắn với chế biến. Công ty đang hoàn tất thủ tục để xây dựng nhà máy chế biến sản phẩm như bí đỏ, cà rốt, hành, ớt cay… với 2 hình thức đông lạnh và sấy khô. Sau khi nhà máy đi vào hoạt động, sẽ giải quyết được đầu ra cho bà con nông dân, đồng thời, Công ty sẽ chủ động được nguồn hàng, khi thị trường có nhu cầu sẽ tung ra. Đối với nông dân, cần tập cho mình thói quen sản xuất công nghiệp theo hợp đồng, tránh tình trạng được giá bán ra ngoài mà không thực hiện đúng quy định trong hợp đồng, biết chia sẻ rủi ro cùng doanh nghiệp.

Hình thức liên kết doanh nghiệp đầu tư giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và hướng dẫn kỹ thuật, người nông dân thực hiện sản xuất theo quy trình, doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm; sau thu hoạch doanh nghiệp thu hồi kinh phí đầu tư ban đầu là cách làm hay lâu nay Tổng công ty Vật nông nghiệp Nghệ An đang áp dụng. Với cách làm này, người nông dân không phải bỏ kinh phí, đỡ được gánh nặng đầu tư ban đầu. Hình thức liên kết nữa là doanh nghiệp mượn đất của nông dân rồi thuê nông dân canh tác trên chính mảnh đất của mình, dưới sự điều hành, quản lý của doanh nghiệp. Hay hình thức doanh nghiệp cung cấp giống, kỹ thuật, nông dân canh tác trên mảnh đất của mình, doanh nghiệp thu mua sản phẩm; Nông dân có quyền quyết định về sản phẩm làm ra của mình. Đây là cách làm phù hợp với trình độ cũng như phát huy được tính chủ động của người nông dân. Đó là các hình thức liên kết sản xuất nông nghiệp đang hình thành trên địa bàn Nghệ An.

Anh Tuấn

Mới nhất

x
Liên kết trong sản xuất nông nghiệp: Cần "khế ước" chặt chẽ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO