Liên minh Mỹ-Nhật và tiềm năng hợp tác đa phương với Việt Nam

24/06/2015 14:25

(Baonghean.vn) - Tuần trước, Trung tâm Lợi ích Quốc gia, một nhóm chuyên gia cố vấn có trụ sở tại Washington, đã công bố một bản báo cáo mới về những triển vọng hợp tác 3 bên giữa Mỹ, Nhật Bản và Việt Nam.

Báo cáo này thuộc các sáng kiến “Kênh 2”, tìm cách khám phá những cơ hội hợp tác lớn hơn giữa 3 nước trong vài năm qua. Các đối thoại 3 bên gần đây trở nên ngày càng phổ biến khi Mỹ tìm cách bổ sung mạng lưới đồng minh và đối tác hiện có bằng các mắt xích mới, bao gồm cả những mắt xích giữa liên minh Mỹ-Nhật và các quốc gia khác.

Khả năng hợp tác 3 bên lớn hơn giữa Mỹ-Nhật-Việt được phân tích khá chi tiết trong bản báo cáo. Về kinh tế, Mỹ và Nhật Bản đã có đóng góp đáng kể cho sự phát triển của Việt Nam từ những năm 1990, và các cơ hội khác cũng sẵn có trong các lĩnh vực như năng lượng hạt nhân và phát triển tiểu vùng sông Mekong. Cả 3 nước cũng là 1 phần trong các đàm phán về Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang diễn ra và hy vọng sẽ sớm được hoàn thành. Về an ninh, chương trình nghị sự khá phong phú do các quan ngại chung của Nhật Bản và Việt Nam về an ninh hàng hải (đặc biệt là do các tranh chấp trên biển Hoa Đông và Biển Đông) cũng như về giúp đỡ nhân đạo và cứu trợ thảm họa.

​ Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Ảnh: Nhà Trắng.
​ Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Ảnh: Nhà Trắng.

Động lực đối với sự hợp tác 3 bên này đã dần tăng lên trong những năm qua. Chính sách tái cân bằng của Mỹ sang châu Á, “tấn công quyến rũ” của Nhật Bản tại Đông Nam Á và việc Việt Nam tìm kiếm hợp tác lớn hơn với các cường quốc chủ yếu khác cho phép ba cạnh của tam giác này khăng khít hơn. Nhật Bản và Việt Nam đã nâng mối quan hệ đối tác của 2 nước lên Quan hệ Đối tác Chiến lược Mở rộng vào tháng 3/2014, trong khi đó Mỹ và Việt Nam đã ký một thỏa thuận quốc phòng mới đầu năm nay, mở ra cánh cửa hợp tác trong tương lai về thương mại quốc phòng và sản xuất thiết bị quân sự. Liên minh Mỹ-Nhật, từ lâu đã được xem là nền tảng của hòa bình và ổn định khu vực, gần đây đã được tái sinh bằng việc 2 đồng minh này mới xem xét lại các nguyên tắc chỉ đạo quốc phòng.

Tuy nhiên, vẫn tồn tại những hạn chế quan trọng đối với sự phát triển hơn nữa quan hệ hợp tác 3 bên Mỹ-Nhật-Việt về mặt cơ cấu, cấp độ hợp tác và tương quan các mối quan hệ ngoài bộ ba. Tại Việt Nam, như Masashi Nishihara lưu ý trong bản báo cáo, phát triển năng lượng hạt nhân gần đây đã chững lại do các vấn đề về tính an toàn và pháp lý. Tại Nhật Bản, chưa rõ liệu luật mà Thủ tướng Shinzo Abe cần phải thông qua để thúc đẩy hơn nữa vai trò của Tokyo trong khu vực có thể tập hợp đủ sự ủng hộ trong cơ quan lập pháp hay không.

Dù vậy, khả năng hiện thực hoá mối quan hệ 3 bên không phải là không thể, đặc biệt là nếu các xu hướng hiện nay tiếp diễn và cả 3 nước cam kết tiến hành những bước quan trọng để đẩy mạnh hợp tác. Chẳng hạn, trong chương về an ninh hàng hải của báo cáo đã đề cập, học giả Hoàng Anh Tuấn và Nguyễn Vũ Tùng thuộc Học viện Ngoại giao Việt Nam kiến nghị một số sáng kiến táo bạo mà 3 nước có thể thực hiện, bao gồm đề xuất Mỹ và Nhật Bản tạo ra một cơ chế đối thoại với các đối tác Đông Nam Á khác gồm Việt Nam, không chỉ bao hàm thảo luận chính sách, mà còn cả điều phối và chia sẻ thông tin.

Một vài trong số các biện pháp và cơ chế được công khai đề xuất hiện nay – gồm các cuộc tuần tra chung Mỹ-Nhật trên Biển Đông – đã từng khó được chấp nhận trong bối cảnh của vài năm trước. Nhưng bối cảnh an ninh châu Á đã thay đổi chóng mặt trong thời gian ngắn và cho thấy không có điều gì mãi mãi là không thể. Những sự sắp đặt mới mẻ hơn như quan hệ 3 bên Mỹ-Nhật-Việt, bất chấp những thách thức mà hiện nay họ có thể đang đối mặt cũng chính là một việc như vậy.

Thu Giang

(Theo The Diplomat)

Mới nhất

x
Liên minh Mỹ-Nhật và tiềm năng hợp tác đa phương với Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO