Liên Xô từng bắn hạ máy bay do thám Mỹ như thế nào?
Một cuộc khủng hoảng ngoại giao quốc tế đã bùng phát vào tháng 5/1960 sau khi Liên Xô bắn hạ một máy bay do thám U-2 của Mỹ trên không phận nước này và bắt giữ phi công Francis Gary Powers.
Đối mặt với bằng chứng về hoạt động gián điệp, Tổng thống Mỹ Dwight D. Eisenhower buộc phải thừa nhận với Liên Xô rằng, Cục Tình báo trung ương (CIA) nước này tiến hành các chuyến bay do thám Liên Xô đã vài năm.
Liên Xô đã kết tội Powers tội gián điệp và kết án phi công Mỹ này 10 năm tù giam. Tuy nhiên, khi mới chỉ thụ án chưa đầy hai năm, phi công này được trả tự do trong một cuộc trao đổi điệp viên giữa Mỹ và Liên Xô.
Sự kiện máy bay do thám U-2 của Mỹ bị bắn hạ vào ngày 1 tháng 5 năm 1960 đã làm căng thẳng giữa Mỹ và Liên Xô gia tăng trong thời Chiến tranh lạnh, theo History.
Liên Xô bắn hạ máy bay do thám, vạch trần Mỹ nói dối. |
Nhìn trộm sau tấm màn sắt
Hốt hoảng trước sự phát triển quá nhanh của Liên Xô về công nghệ quân sự, Tổng thống Mỹ Dwight D. Eisenhower - nắm quyền từ 1953-1961, đã thông qua một kế hoạch thu thập thông tin về năng lực và ý định của Liên Xô.
Bắt đầu từ năm 1956, máy bay do thám tầm cao U-2 bắt đầu thực hiện các chuyến bay do thám trên bầu trời Liên Xô. Sứ mệnh do thám này đã giúp Mỹ nắm bắt được những thông tin chi tiết đầu tiên về các căn cứ quân sự của Liên Xô.
Liên Xô biết được các chuyến bay do thám của Mỹ vì phát hiện được các máy bay gián điệp của Mỹ trên radar. Tuy nhiên, trong gần 4 năm, Liên Xô không thể ngăn chặn, do U-2 bay ở độ cao hơn 20.000m, nên không tên lửa hay máy bay nào của Liên Xô chạm tới được.
Tuy nhiên, vào mùa xuân năm 1960, Liên Xô đã phát triển được tên lửa đất đối không Zenith có tầm bay xa. Tới 1/5/1960, vũ khí này đã đưa được chiếc máy bay U-2 do phi công Francis Gary Powers CIA điều khiển vào tầm ngắm.
Bắn rơi máy bay do thám Mỹ
Bay ở rìa khí quyển, phi công Powers thực hiện sứ mệnh tối mật là điều khiển máy bay do thám U-2 trên bầu trời Liên Xô để chụp ảnh các cơ sở quân sự. Nếu mọi việc trôi chảy theo kế hoạch, chuyến bay kéo dài 9h của Powers sẽ đi từ Pakistan tới điểm hạ cánh ở Na Uy.
Tuy nhiên, không giống các chuyến bay trước, sứ mệnh lần này đã thất bại.
Khi Powers lái máy bay qua Sverdlovsk (hiện là Yekaterinburg, Nga), một tên lửa không đối đất của Liên Xô đã phát nổ gần máy bay U-2. Quả tên lửa thứ hai bắn trúng máy bay Powers đang lái và khiến nó rơi thẳng từ trên cao xuống. Viên phi công thoát khỏi máy bay nhưng khi dù vừa chạm đất, Powers bị bắt.
Phi công Francis Gary Powers. |
Mỹ khăng khăng phủ nhận, Liên Xô bắt bài
Ngày 5/5, nhà lãnh đạo Liên Xô Khrushchev tuyên bố, quân đội nước này đã bắn hạ một máy bay do thám Mỹ song ông không đề cập tới chuyện bắt được phi công.
Các quan chức trong chính quyền của Tổng thống Eisenhower cho rằng sẽ chẳng còn bằng chứng nào tồn tại sau khi máy bay rơi và họ tuyên bố, đó chỉ là máy bay thu thập thông tin thời tiết vô tình đi chệch hướng.
Lãnh đạo Liên Xô mau chóng công bố bức ảnh viên phi công bị bắt cùng bằng chứng thu thập được từ mảnh vỡ máy bay nhằm cho thấy đó chính là một máy bay do thám.
Vụ việc xảy ra trước thềm một hội nghị thượng đỉnh diễn ra tại Paris vào ngày 14/5. Chính quyền của Tổng thống Eisenhower phải nhận trách nhiệm và thừa nhận tuyên bố trước đó không chính xác. Lời thừa nhận của nhà lãnh đạo Mỹ đã không cứu vãn được hội nghị.
Sự kiện về chiếc máy bay U-2 khiến nhà lãnh đạo Liên Xô thấy rằng ông không thể hợp tác thêm nữa với phía Mỹ và chỉ vài giờ sau khi hội nghị ở Paris bắt đầu, ông Khrushchev rời cuộc họp.