Liệu có đem thóc nhà đãi gà rừng?

27/03/2014 14:27

(Baonghean) - Khi nước ta giành được quyền đăng cai tổ chức  Đại hội Thể thao châu Á lần thứ 18 (ASIAD 18) vào năm 2019, phải nói là không mấy người hào hứng mà thậm chí còn rất lo lắng đón nhận tin vui này. Vì một lẽ, việc tổ chức Thế vận hội châu Á sẽ tiêu tốn một khoản ngân sách không nhỏ.

(Baonghean) - Khi nước ta giành được quyền đăng cai tổ chức Đại hội Thể thao châu Á lần thứ 18 (ASIAD 18) vào năm 2019, phải nói là không mấy người hào hứng mà thậm chí còn rất lo lắng đón nhận tin vui này. Vì một lẽ, việc tổ chức Thế vận hội châu Á sẽ tiêu tốn một khoản ngân sách không nhỏ.

Chí ít là cũng phải mất vài ngàn tỷ đồng. Trong khi đó, kinh tế nước ta còn nhiều có khăn. Lại đúng vào lúc nền kinh tế toàn cầu lâm vào trình trạng khủng hoảng khiến cho nền kinh tế nước nhà chịu ảnh hưởng sâu sắc và cho đến nay vẫn chưa ra khỏi khó khăn, trì trệ. Sản xuất, kinh doanh đình đốn. Dẫn đến thu không đủ chi. Nợ công tăng cao. Việc bỏ ra hàng trăm triệu USD để tổ chức một cuộc tranh tài thể thao tầm châu lục vào lúc này, thật chẳng khác nào “nhà nghèo chơi sang”. Nhưng dù sao thì chuyện đã rồi. Vấn đề còn lại là phải làm sao chi tiêu cho hợp hoàn cảnh và cho xứng với “đồng tiền, bát gạo” bỏ ra. Để vừa giữ được thể diện quốc gia vừa không đẩy nền kinh tế nước nhà lún sâu vào nợ nần, khủng hoảng như ở một số quốc gia đã vấp phải sau khi tổ chức thành công một đại hội thể dục, thể thao tầm cỡ thế giới.

Xây dựng nhà thi đấu tại Nam Định chuẩn bị cho ASIAD 18.  Ảnh: S.T
Xây dựng nhà thi đấu tại Nam Định chuẩn bị cho ASIAD 18. Ảnh: S.T

Có lẽ vì thế, tại buổi giải trình của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch trước Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội về vấn đề này vào ngày 18/3 vừa qua đã trở thành tâm điểm chú ý của dư luận cả nước mấy ngày qua. Và vấn đề mà mọi người quan tâm nhất là chúng ta sẽ phải chi bao nhiêu tiền để tổ chức ASIAD 18. Theo như kế hoạch do ông Bộ trưởng Thể thao - Văn hóa và Du lịch trình bày tại buổi giải trình thì chúng ta sẽ tổ chức một kỳ ASIAD thành công với kinh phí tiết kiệm nhất, khoảng 150 triệu USD tương đương với hơn 3 nghìn tỷ đồng tính theo thời điểm hiện tại. Bằng 2/10 tổng kinh phí dành cho ASIAD 17 tổ chức vào năm nay tại Hàn Quốc.

Kinh phí phục vụ ASIAD 18 này được huy động từ hai nguồn: Kinh phí bảo đảm từ ngân sách nhà nước và xã hội hóa. Trong đó, nguồn tài chính xã hội hóa sẽ chiếm đến 72%. Còn lại là ngân sách nhà nước bỏ ra. Dự kiến sẽ phải chi ra khoảng hơn 4 nghìn tỷ đồng, thu lại được khoảng hơn 1 nghìn tỷ đồng. Và như vậy, tổng chi phí bỏ ra sẽ vào khoảng hơn 3 nghìn tỷ. Trong đó sẽ dành hơn 1.300 tỷ đồng chi phí cho hoạt động của ban tổ chức, các tiểu ban chuyên môn; 568 tỷ đồng cho việc nâng cấp các công trình thể thao hiện có để đủ tiêu chuẩn sử dụng trong ASIAD 18. Dành hơn 2.200 tỷ đồng cho việc đầu tư xây dựng mới các công trình thể dục thể thao phục vụ đại hội. Huy động các nguồn lực của xã hội để xây dựng Làng vận động viên đáp ứng nhu cầu phục vụ ăn, nghỉ tập trung của vận động viên, huấn luyện viên các nước tham dự đại hội (sau đó có thể sử dụng làm nhà ở xã hội để bán cho các đối tượng có nhu cầu)…

Như vậy, về lý thuyết thì nguồn tài chính phục vụ cho ASIAD 18 không có gì đáng phải lo ngại. Vì, theo tính toán của bộ chủ quản, ngân sách nhà nước chỉ phải bỏ ra một khoản nhỏ, chiếm 28% tổng chi phí. Tuy nhiên, nhiều người vẫn nghi ngờ khả năng có thể tổ chức một thế vận hội tầm châu lục thành công với một kế hoạch “siêu tiết kiệm” như vậy. Bởi lẽ, giữa những toan tính trên lý thuyết với diễn biến thực tế là một khoảng cách không dễ lấp đầy được. Nếu không có kế hoạch dự phòng thì e nước đến chân nhảy không kịp. Và rồi trăm thứ lại đổ vào tiền đóng thuế của dân. Thì cứ tạm thời tin tưởng kế hoạch huy động tiền đó của Bộ chủ quản là có tính khả thi cao thì vẫn có một vấn đề cần phải làm rõ ra là nước Việt Nam ta được gì qua việc tổ chức thế vận hội này?

Như ai đó đã nói, việc tổ chức thế vận hội góp phần nâng cao vị thế nước nhà trên trường quốc tế. Nhưng nâng cao vị thế đâu chỉ phụ thuộc vào nỗi một việc này và có nhất thiết phải đi làm một việc vô cùng tốn kém như vậy không? Vị thế có trong từng việc cụ thể, ở nhiều lĩnh vực khác nhau gom góp lại mà thành và cũng cần có thời gian để thế giới chiêm nghiệm rồi người ta mới khẳng định. Chứ không chỉ cứ đổ một đống tiền ra là có ngay vị thế. Còn nói như tổ chức ASIAD là cơ hội để nâng tầm nền thể thao nước nhà thì nghe còn có chút có lý. Nhưng hiềm một nỗi là ta có tận dụng được cơ hội này không? Vì một lẽ, cho đến nay, thể thao nước ta nói riêng và của khu vực Đông Nam Á nói chung vẫn là vùng trũng của châu lục.

Khoảng cách giữa nền thể thao châu lục và của ta là một khoảng cách rất rộng, không dễ gì ngay một lúc mà thu hẹp. Dẫu cho có đổ bao tiền của vào thì cũng vậy thôi. Vì thể thao muốn đạt thành tích cao, không chỉ cần có tiền bạc dồi dào mà còn cần có thời gian. Rất cần nhiều thời gian. Thế nên, e rằng, trong năm năm tới, thể thao nước nhà dẫu có cố sức đến mấy thì cũng khó lòng vươn tới tầm châu lục. Và lúc đó, Thế vận hội châu Á lần thứ 18 diễn ra tại nước nhà, sau vòng loại chắc chắn hầu hết vận động viên của ta sẽ trở thành những khán giả bất đắc dĩ. Và đó sẽ chỉ là cơ hội cho các nước phát triển của châu lục tranh tài với nhau bằng chính đồng tiền còm cõi của dân ta. Nhà như thế thì khác gì đem thóc nhà ra đãi gà rừng!

Cho nên, phải cố gắng làm tốt tất cả mọi việc để đỡ xót lòng khi buộc phải bỏ ra một đống tiền nhà cho người ngoài mua vui.

Phúc Vinh

Mới nhất
x
Liệu có đem thóc nhà đãi gà rừng?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO