Liệu có làn sóng lớn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam hậu TPP?
Việc 12 nước tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vừa kết thúc thành công đàm phán TPP đã tạo ra một bầu không khí hồ hởi, lạc quan tại Việt Nam. Dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, cả trực tiếp lẫn gián tiếp, được kỳ vọng sẽ tăng cao, nhưng các chuyên gia cũng cảnh báo rằng các thách thức phía trước là rất lớn do nội lực nền kinh tế còn yếu.
Sản xuất tại một doanh nghiệp nước ngoài |
Theo giới phân tích, việc tham gia TPP sẽ mở ra cơ hội cho Việt Nam thu hút đầu tư nước ngoài nói chung, bao gồm cả đầu tư trực tiếp (FDI), đầu tư gián tiếp (FII) và các nguồn đầu tư ngoại khác.
Vốn FDI sẽ tăng cao
Ông Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cho rằng TPP là một hiệp định thương mại tự do (FTA) kiểu mẫu của thế kỷ 21, với mức độ sâu hơn, rộng hơn WTO về các lĩnh vực cắt giảm các dòng thuế; tăng độ mở cửa của dịch vụ; tăng cường quy định liên quan đầu tư nước ngoài và bảo vệ nhà đầu tư; bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; tăng cường minh bạch trong cạnh tranh; các vấn đề về lao động…
Do đó, quan hệ thương mại giữa Việt Nam với các nước thành viên TPP sẽ phát triển mạnh trong tương lai, từ đó kéo theo dòng vốn đầu tư vào Việt Nam từ các nước trong khối TPP và cả các nước ngoài khối. Các nhà đầu tư ngoài khối TPP sẽ đầu tư vào Việt Nam nhằm hưởng lợi ưu đãi thuế quan.
Theo ông Thắng, trong nội khối thì đầu tư từ hai đối tác là Nhật và Mỹ được kỳ vọng sẽ gia tăng mạnh vì hai quốc gia này có nhiều lợi thế về công nghệ và kỹ thuật mà Việt Nam mong muốn thu hút. Riêng đối tác Nhật Bản, ông Thắng cho rằng đầu tư của nước này không ngừng gia tăng vào Việt Nam trong thời gian qua trong đó đáng chú là lĩnh vực đầu tư mới là ngành nông nghiệp vốn yếu kém của Việt Nam.
Gần đây, nhiều tập đoàn lớn của Mỹ cũng bày tỏ nếu TPP được ký kết, Mỹ sẽ là nhà đầu tư hàng đầu tại Việt Nam.
Nguồn vốn FDI vào dệt may hai năm qua tăng mạnh do doanh nghiệp dệt may nước ngoài đón đầu việc gia nhập TPP của Việt Nam để hưởng lợi |
Những công ty phát triển hạ tầng công nghiệp cũng nhìn nhận một khi TPP được ký kết thì Việt Nam sẽ có lợi thế cạnh tranh vượt trội về thu hút đầu tư nước ngoài, do các nước cạnh tranh với Việt Nam như Trung Quốc, Philippines, Indonesia, Thái Lan, Myanmar... đều chưa được tham gia TPP.
Một số công ty như Becamex IDC, Công ty phát triển hạ tầng khu công nghiệp và đô thị Việt Nam - Singapore (VSIP), tập đoàn Amata (Thái Lan)... trong thời gian qua cũng tăng cường phát triển các dự án hạ tầng công nghiệp và đô thị mới ở một số tỉnh thành để đón đầu cơ hội.
Trao đổi với báo chí gần đây, ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên của Becamex IDC, đánh giá rằng trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng hơn với nền kinh tế thế giới, đặc biệt là với TPP, thì khả năng nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sẽ tăng cao trong thời gian tới.
Việc cho khởi công xây dựng khu liên hợp công nghiệp và đô thị Becamex - Bình Phước với quy mô hơn 4.633 héc ta ở tỉnh Bình Phước vào trung tuần tháng 9 rồi của Becamex, theo ông Hùng, cũng nhằm đón đầu các làn sóng đầu tư nước ngoài đang gia tăng vào Việt Nam.
Báo cáo Tác động của TPP do Viện Nghiên cứu Chính sách và Kinh tế (VEPR) công bố mới đây đánh giá rằng khi tham gia vào TPP, đầu tư nước ngoài được dự đoán sẽ tăng khoảng 13 tỉ đô la Mỹ, mức tăng gần bằng tăng thu hút FDI vào Nhật Bản, gấp đôi mức tăng FDI vào Úc, Malaysia...
Theo báo cáo của VEPR, sở dĩ FDI tăng là do Việt Nam là nước có lợi thế xuất khẩu khi giá nhân công rẻ, chi phí đầu vào trung bình rẻ hơn so với nhiều nước khác, nguyên liệu nhiều ngành như nông sản, thủy sản có tại chỗ…
Thực tế từ năm 2013 trở lại đây, trước việc TPP sẽ trở thành hiện thực, nhiều dự án về dệt may, giày da,… từ các nước ngoài khối TPP đã đổ vào Việt Nam, và đây là một thí dụ cụ thể về khả năng thu hút FDI từ các nước ngoài khối TPP.
Và tăng cả vốn gián tiếp
Không chỉ đầu tư trực tiếp, theo giới phân tích việc tham gia vào TPP cũng có tác động đến nguồn vốn đầu tư gián tiếp (FII) thông qua hoạt động mua bán sáp nhập (M&A).
Theo ông Phan Hữu Thắng, làn sóng M&A tại Việt Nam đang gia tăng, các nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường Việt Nam thông qua việc mua lại các doanh nghiệp trong nước gia tăng đáng kể. Việc Việt Nam tham gia TPP sẽ càng thúc đẩy làn sóng M&A vào Việt Nam trong giai đoạn tới.
Theo các doanh nghiêp, các chính sách mới đây của Chính phủ thông qua các Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Kinh doanh bất động sản 2014, có hiệu lực kể từ đầu tháng 7 rồi, nới “room” trên thị trường chứng khoán (TTCK)… sẽ thúc đẩy dòng vốn ngoại chảy vào Việt Nam.
Với thị trường vốn, các quỹ đầu tư, các tập đoàn tài chính đã có mặt tại Việt Nam thì đang tăng cường mở rộng đầu tư và các tập đoàn và quỹ đầu tư mới khác cũng đang đến. Để có thể kéo được dòng vốn này theo các công ty chứng khoán, việc đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước là hướng đi đúng đắn trong việc thu hút dòng vốn ngoại.
Tuy nhiên, riêng việc thu hút vốn nước ngoài qua TTCK, theo một chuyên gia, có thể tăng trưởng mạnh, nhưng còn quá sớm để cho rằng sẽ có "sóng lớn" trên thị trường này, mặc dầu việc hoàn tất đàm phán TPP đã có hiệu ứng tích cực tức thời lên thị trường chứng khoán trong nước, với việc chỉ số VN-Index tăng gần 2% hôm qua 6-10, để vượt xa ngưỡng cản 575 điểm lên mức 581,29 điểm.
Chia sẻ với TBKTSG Online, lãnh đạo một công ty chứng khoán lớn cho rằng TPP sẽ giúp TTCK thu hút thêm những luồng tiền mới và đó là điều giới chứng khoán đang kỳ vọng. Nhưng theo ông, đó là cảm nhận chung trong dài hạn, nhưng sẽ không có chuyện vốn gián tiếp ào ào đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam như “sóng thần” hồi năm 2007.
Bởi vì sao? Vì cần nhìn lại thực lực của kinh tế Việt Nam. Thị trường chứng khoán là sự mô phỏng sức khỏe thật của nền kinh tế. Nội lực của các doanh nghiệp Việt Nam đã phân hóa mạnh thời gian qua. Những doanh nghiệp yếu đã từ bỏ thị trường còn những doanh nghiệp đang còn lại thì đã nỗ lực để khỏe hơn.
Tuy nhiên, với những thông tin ban đầu về TPP, có thể thấy những ngành thế mạnh của Việt Nam như dệt may, nông nghiệp, công nghệ, khu công nghiệp sẽ khả quan hơn trong khi những ngành như sữa, thép, dược phẩm, vật liệu xây dựng, ô tô cơ khí sẽ có thể gặp nhiều thách thức hơn.
Vị lãnh đạo trên cũng cho rằng còn quá sớm để nói TPP sẽ tạo ra con sóng lớn với TTCK; do đó, nên tìm hiểu thêm, quan sát, hành động, đọc kỹ các điều khoản cụ thể, và triển khai các điều khoản đó «lắp» vào mô hình thực tế mới biết được những tác động cụ thể chứ chưa thể đánh giá ngay. "Tuy cảm nhận chung là nền kinh tế Việt Nam sẽ hưởng lợi, trong đó có TTCK, nhưng điều quan trọng hơn là hành động, là đứng trước con sóng lớn mình bơi như thế nào," vị này nói.
Bên cạnh đó, quy mô của TTCK Việt Nam hiện đạt trên 30% GDP, thấp hơn khá nhiều so với nhiều nước trong khu vực, và tỷ lệ này cần được cải thiện mạnh trong thời gian tới để thị trường có thể đủ lớn và “hấp thu” luồng vốn lớn nếu có do tác động TPP mang lại.
Tính đến hết nửa đầu năm nay, theo Ủy ban Chứng khoán nhà nước, danh mục của nhà đầu tư nước ngoài trên TTCK Việt Nam ước đạt hơn 14 tỉ đô la Mỹ. Điều này chứng tỏ giới đầu tư nước ngoài vẫn tin tưởng đối với TTCK Việt Nam. Thực tế, cơ quan quản lý luôn mong muốn nhà đầu tư nước ngoài là nhân tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển của TTCK, nhưng Việt Nam đến nay chưa trở thành điểm thu hút vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài. Hành lang pháp lý hiện nay chưa mở rộng được đang kể không gian đầu tư, tiết giảm các thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài dễ tham gia TTCK Việt Nam.
Không chỉ là màu hồng
Theo nghiên cứu của VEPR, hội nhập luôn mang lại cả cơ hội và thách thức cho các nước tham gia.
TPP một mặt đem vốn FDI vào Việt Nam và giúp công nghiệp phụ trợ phát triển, nhưng nó cũng trở thành đối thủ lớn nhất khiến các công ty nội địa nếu không có quy mô lớn và công nghệ hiện đại sẽ khó có thể tồn tại. Điều này có thể thấy rõ hơn nếu liên hệ với diễn biến gần đây.
TPP là một hiệp định thương mại, mà trong thị trường chung đó, có nhiều nước đang dư thừa công suất khiến các nhà máy ở Việt Nam đã và sẽ khó khăn hơn... "Đó là cuộc kiểm tra sức khỏe thật sự, nếu anh không khỏe sẽ khó sống," lãnh đạo công ty chứng khoán nêu trên nhận xét.
Nhìn về lịch sử, Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) là hiệp định khá tương đồng với TPP giữa ba nước Canada, Mỹ và Mexico ký kết năm 1994. Nhưng sau khi gia nhập NAFTA thì năm 1995 và 1996 Mexico bị khủng hoảng tài chính do xử lý không tốt thâm hụt thương mại, và đây là bài học Việt Nam nên lưu ý.
Quá trình hội nhập sẽ ảnh hưởng sâu rộng đến tất cả các lĩnh vực của toàn bộ nền kinh tế. Các ngành bị ảnh hưởng rất lớn khi Việt Nam tham gia vào TPP sẽ là chăn nuôi, doanh nghiệp phân phối - bán lẻ, khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa, theo các chuyên gia.
Ông Phan Hữu Thắng thì cho rằng cơ hội thu hút FDI từ các nước thành viên TPP và cả các nước ngoài TPP sẽ rất lớn nhưng cũng đặt ra thách thức là sẽ có nhiều các dự án có hàm lượng kỹ thuật - công nghệ thấp, dễ gây ô nhiễm môi trường trong các lĩnh vực khác nhau như dệt nhuộm, may mặc, da giày,… từ các nước mà Việt Nam đang nhập siêu, nên cần biết loại bỏ các dự án nêu trên.
Rõ ràng hội nhập mang lại nhiều lợi ích cũng như thách thức. Các chuyên gia cho rằng các địa phương cần tận dụng được cơ hội này để thực hiện “quyền lựa chọn” dự án nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của việc thu hút dòng vốn này.
Do đó theo giới phân tích để tranh thủ được cơ hội từ TPP, đòi hỏi Việt Nam phải tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao tính cạnh tranh của môi trường đầu tư; nâng cao trách nhiệm của đội ngũ công chức nhà nước trong thực thi công vụ liên quan đầu tư và kinh doanh.
Theo TBKTSG
TIN LIÊN QUAN |
---|