Liều thuốc trường sinh

10/10/2013 18:44

(Baonghean)- Bé Bim ở nhà chat facebook (bằng tài khoản của mẹ nó) với mình:

- Bác Giáp mất rồi, cậu biết chưa?

- Cậu đọc báo rồi, báo Pháp cũng nói mà! Bim cũng biết Bác Giáp à?

- Hồi học cấp 1, Bim được đi dự Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ, Bác Giáp viết thư cho Bim và các bạn đấy cậu ạ! Từ giờ trở đi, Bác Giáp không viết thư cho Bim nữa phải không cậu?

Ông nội “thông báo” giọng thất thần:

- Đại tướng Võ Nguyên Giáp mất rồi con ạ, mai ông bảo bố mẹ con mua vé xe cho ông ra viếng Đại tướng...

Mình biết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua báo chí, sách vở và những thước phim tài liệu. Tất nhiên Bác Giáp trong nhận thức của mình không thể chân thực và rõ nét như Bác Giáp trong nhận thức của ông nội, lại càng khác với Bác Giáp ân cần viết thư gửi cho thiếu nhi của bé Bim. Người ta gọi điều này là khác nhau thế hệ: cũng tương tự như việc ông nội không tài nào hiểu nổi tại sao một “cục sắt” to tướng có thể giúp ông nói chuyện được với đứa cháu ở bên kia quả địa cầu, còn bọn mình thì không thể sống mà không có cái “cục sắt” được gọi là máy vi tính đó.

Xã hội không ngừng phát triển, tiến hoá và thay đổi. Chắc hẳn Edison khi phát minh ra bóng đèn điện không bao giờ ngờ rằng có một ngày nhân loại sẽ phát minh ra thứ ánh sáng không cần đến điện như đèn pin mặt trời. Một phát minh của những thập niên 40, 50 đến nay dĩ nhiên trở nên lỗi thời, hay trong một vài thập niên tới, có khi nhân loại sẽ thay điện thoại di động bằng thứ gì khác, ai mà biết được? Con người cũng vậy thôi. Trong dòng chảy không ngừng của thời gian, mấy chục năm đời người cùng lắm chỉ như sao chổi quét qua bầu trời vài giây rồi vụt tắt.

Làm sao lí giải được việc một con người gắn liền với một thời đại nhất định như Bác Giáp lại hiện hữu trong tâm tưởng của bao nhiêu con người xuất thân từ những thời đại, bối cảnh khác nhau? Vượt qua khoảng cách của thời gian, Đại tướng Võ Nguyên Giáp vừa là biểu tượng của hy vọng, chiến thắng đối với lớp người sống trong bom đạn, vừa là biểu tượng của những trang lịch sử dân tộc đối với lớp trẻ. Vượt qua khoảng cách của không gian, không chỉ người Việt Nam tự hào và tiếc thương mà bạn bè quốc tế cũng kính cẩn nghiêng mình trước vong linh Đại tướng. Người ta thường nói “Thời thế tạo anh hùng”, ý nói sự phụ thuộc của con người vào ngoại cảnh. Nhưng khi vượt ra khỏi được bức tường giới hạn của không gian và thời gian, có khi nào “Anh hùng tạo thời thế”? Khi cái tên của Người có đủ chiều sâu và bề dày lịch sử, để khi xướng lên là gọi ký ức, lý tưởng, niềm tin của vài thế hệ trỗi dậy, hẳn sẽ bất kính khi gọi Người là con người của thời đại, mà phải là thời đại của Người.

Từ cổ chí kim, con người vẫn đeo đuổi cái gọi là trường sinh bất tử, tại sao? Chẳng phải vì nhận thức được sự tồn tại hữu hạn đến nhỏ nhoi của mình, nên muốn vượt ra khỏi bàn tay của tạo hoá, hay đúng hơn là xoá bỏ những giới hạn của bản thân ư? Một đoạn mình rất thích trong cuốn “Tôi là Bêtô” của Nguyễn Nhật Ánh nói thế này: Có những người vẫn tiếp tục sống ngay cả khi họ đã chết, lại có những người chết ngay khi đang sống. Mình đã nghĩ ngay rằng đây chính là liều thuốc trường sinh mà nhân loại tìm kiếm. Bác Giáp vẫn sống trong ký ức của ông nội mình, trong những bức thư Bim tự hào khoe với mọi người, và trong những quyển sách mà mình được đọc. Đây mới là điều vĩ đại hơn cả: Bác Giáp không chỉ sống mãi với 1, 2 người, Bác sống mãi trong tất cả chúng ta!

Hải Triều (Email từ Paris)

Mới nhất
x
Liều thuốc trường sinh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO