Linh thiêng Lễ hội Vua Mai

04/02/2012 21:36

(Baonghean.vn) - Đến hẹn lại lên, vào dịp đầu Xuân, ở Nam Đàn (Nghệ An) lại diễn ra lễ hội đền vua Mai. Lễ hội được tổ chức vào ngày 13, 14, 15 tháng Giêng âm lịch. Đây là một trong những hoạt động văn hóa mang đậm bản sắc của vùng đất “địa linh nhân kiệt” thu hút hàng ngàn du khách trong và ngoài tỉnh tham gia.

Lễ hội được tổ chức nhằm tưởng nhớ công lao của Vua Mai Thúc Loan - Mai Hắc Đế - vị vua đã có công lãnh đạo nhân dân nổi dậy chống lại ách thống trị hà khắc của quân xâm lược nhà Đường, lập nên nước Vạn An độc lập ở thế kỷ thứ VIII. Thông qua hoạt động lễ hội, là dịp để các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ thanh, thiếu niên hiểu thêm về lịch sử đấu tranh giữ nước và dựng nước của ông cha ta, qua đó giáo dục lòng tự hào, tự tôn dân tộc, thêm yêu quê hương đất nước, biết gìn giữ, kế thừa và phát huy những giá trị đạo đức, truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Lễ hội Đền vua Mai cũng là dịp để nhân dân, du khách thập phương tìm hiểu, thưởng ngoạn các giá trị văn hoá truyền thống, phong tục tập quán tốt đẹp của một vùng quê xứ Nghệ. Đồng thời là cơ hội quảng bá, giới thiệu về cụm di tích văn hóa lịch sử Mai Hắc Đế và tiềm năng du lịch Nam Đàn.

Ông Trần Xuân Giáp – Giám đốc Trung tâm VHTT huyện Nam Đàn cho biết: Lễ hội Đền vua Mai là lễ hội truyền thống, được phục dựng từ năm 1996 cùng với việc tổ chức đón bằng công nhận di tích lịch sử văn hoá "Miếu, mộ và đền thờ Mai Hắc Đế". Từ đó đến nay, nhân dân Nam Đàn và các vùng phụ cận mở hội hàng năm vào dịp rằm tháng Giêng. Những năm gần đây, lễ hội không chỉ thu hút được sự quan tâm của nhân dân trong huyện, trong tỉnh mà còn được du khách các tỉnh lân cận và nhiều tỉnh thành trong cả nước biết đến, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng.

Năm nay, lễ hội tiếp tục được tổ chức trong 3 ngày, từ ngày 13 đến 15 tháng Giêng âm lịch tại khu mộ Vua Mai (xã Vân Diên), đền thờ Vua Mai (Thị trấn Nam Đàn) và khu mộ thân mẫu Vua Mai (xã Nam Thái), với 2 phần chính là phần lễ và phần hội. Kế thừa và phát huy những giá trị của một lễ hội mang đậm chất dân gian, năm nay phần lễ tiếp tục diễn ra các nghi lễ cổ truyền như: Lễ yết cáo, lễ rước kiệu, lễ dâng hương tưởng niệm vua Mai, lễ đại tế, lễ tạ.

Song song với phần lễ là phần hội với các hoạt động phong phú và hấp dẫn, kết hợp giữa truyền thống và hiện đại như đua thuyền, đấu vật, đẩy gậy, đu tiên, đu lào, thi cỗ xôi gà, cờ thẻ, múa rồng, múa lân và các môn thi đấu thể thao như giải bóng đá, bóng chuyền, biểu diễn nghệ thuật, hội trại. Những năm trước, vào tối 14 âm lịch, sẽ tổ chức thi “Tìm hiểu thân thế, sự nghiệp Vua Mai” của khối học sinh THPT, năm nay, Lễ hội còn có Hội thi Người đẹp Sa Nam. Hội thi thu hút đông đảo các em nữ sinh các trường THPT trên địa bàn huyện tham gia. Qua các vòng sơ truyển, 10 em sẽ dự thi vòng chung kết vào 19h30 tối 14 âm lịch tại sân khấu Khu mộ Vua Mai.

Một họat động nữa không thể thiếu trong lễ hội, đó là hội vật. Tương truyền, ngày trước Mai Thúc Loan là một trong những đô vật nổi tiếng của vùng, chính ông khi lên làm vua đã tuyển chọn quân lính thông qua các hội vật đầu Xuân.

Với ý nghĩa lễ hội là của dân, những năm gần đây, lễ hội vua Mai được tổ chức theo hướng giảm bớt hành chính, xã hội hóa cao độ các hoạt động trong lễ hội. Nhân dân, du khách vừa là khách thể vừa là chủ thể trong tất cả các hoạt động của lễ hội. Đến với lễ hội đền vua Mai, người dân không chỉ được hiểu biết, được tận mắt nhìn thấy, nghe thấy mà bản thân mỗi người như được sống lại với không khí thiêng liêng, hào hùng của lịch sử dân tộc thông qua các hoạt động diễn ra trong lễ hội. Đó chính là yếu tố đã làm nên thành công của lễ hội vua Mai trong những năm qua, lễ hội ngày càng hấp dẫn, độc đáo, giàu ý nghĩa, trở thành một nhu cầu, là một điểm đến hấp dẫn của nhân dân trong và ngoài huyện cũng như du khách các vùng phụ cận trẩy hội đầu Xuân.

Và một điều đặc biệt nữa khiến du khách đến với lễ hội Vua Mai ngày càng đông hơn đó là ngoài di tích đền và miếu mộ Vua Mai, đến với Nam Đàn dịp này, du khách còn tới dâng hương, dâng hoa tưởng niệm Bác Hồ tại Khu di tích Kim Liên, thăm Nhà lưu niệm Phan Bội Châu, mộ La sơn Phu tử Nguyễn Thiếp, khám phá các điểm du lịch lân cận như thành Lục Niên, chùa Đức Sơn, chùa Viên Quang, chùa Đại Tuệ, hồ Trang Đen, thác Hồ Thành....

Để phát huy thế mạnh, sớm đưa Nam Đàn trở thành tâm điểm du lịch văn hóa tâm linh hấp dẫn của tỉnh, của cả nước, thời gian qua, Nam Đàn đã xây dựng một số đề án phát triển du lịch – dịch vụ, trong đó tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm như tiến hành rà soát điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển du lịch một cách hợp lý. Lập quy hoạch chi tiết một số khu vực để kêu gọi đầu tư như khu du lịch sinh thái hồ Trang Đen xã Nam Hưng, hồ Thanh Thuỷ xã Vân Diên, hồ Rú Dơi xã Nam Giang, chùa Viên Quang - Nam Thanh, Chùa Đại Tuệ - Nam Anh và các khu vui chơi giải trí khu vực dọc sông Lam thuộc địa phận xã Xuân Hoà và Thị trấn.

Lễ hội còn là dịp để Nam Đàn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, tiếp tục in ấn, phát hành đĩa VCD, tờ gấp, giới thiệu di tích và danh thắng tiêu biểu trên địa bàn huyện, tổ chức hội nghị xúc tiến du lịch trong và ngoài tỉnh để kêu gọi đầu tư, thu hút du khách về với Nam Đàn. Củng cố hoạt động và phát huy hiệu quả trang website Nam Đàn - đây là một kênh tuyên truyền quan trọng tạo điều kiện cho du khách trong nước và quốc tế cũng như các nhà doanh nghiệp tìm hiểu về Nam Đàn- quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh.


Thanh Thủy

Mới nhất
x
x
Linh thiêng Lễ hội Vua Mai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO