Loại bỏ những dự án thủy điện nhỏ không phát huy hiệu quả

30/10/2013 17:08

(Baonghean.vn) - Ngày 30 tháng 10, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII bước vào ngày làm việc thứ 8. Quốc hội làm việc tại hội trường nghe Báo cáo của Chính phủ về quy hoạch tổng thể các dự án thủy điện; Tờ trình về việc sửa đổi bổ sung Nghị quyết số 38/2004/QH 11 ngày 3/2/2004 của Quốc hội về chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh; Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật đấu thầu (sửa đổi) và tiến hành thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật đấu thầu còn có nhiều ý kiến khác nhau.

Quang cảnh ngày làm việc thứ 8 tại hội trường QH
Quang cảnh ngày làm việc thứ 8 tại hội trường QH

Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng trình bày báo cáo quy hoạch tổng thể về thủy điện. Theo đó, cả nước hiện còn 815 dự án, công trình thủy điện, đang vận hành 268 dự án với 14.240MW, đang thi công xây dựng và dự kiến khai thác từ nay đến năm 2017 là 205 dự án (6.198MW).

Theo Báo cáo của Chính phủ, cho đến nay các địa phương có dự án, công trình thủy điện trên cả nước đã được rà soát quy hoạch và kết quả rà soát đã loại bỏ 424 dự án, không xem xét đưa vào quy hoạch 172 vị trí tiềm năng, tạm dừng có thời hạn 136 dự án, tiếp tục rà soát, đánh giá 158 dự án.

Về chất lượng quy hoạch thủy điện, đặc biệt là thủy điện nhỏ, báo cáo Chính phủ cho biết là còn hạn chế. Bởi vì phần lớn các dự án thủy điện nhỏ là do địa phương lập và trình Bộ Công thương, nên thiếu khả thi, phải điều chỉnh quy mô trong quá trình đầu tư. Số lượng dự án thủy điện nhỏ nhiều, nhưng đóng góp cho công suất phát điện lại quá nhỏ. Do đó khoảng 34% tổng số dự án thủy điện nhỏ phải loại bỏ khỏi quy hoạch. Nguyên nhân các dự án thủy điện nhỏ bị loại bỏ là tác động xấu đến môi trường và phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.

Đoàn đại biểu tỉnh Nghệ An tại ngày làm việc thứ 8 Kỳ hợp thứ 6 QH khóa XIII
Đoàn đại biểu tỉnh Nghệ An tại ngày làm việc thứ 8

Bên cạnh đó, việc kiểm tra, giám sát theo phân cấp của các cơ quan chức năng địa phương chưa thường xuyên, kịp thời, đặc biệt là trong giai đoạn quyết định đầu tư, lập, thẩm định dự án. Trách nhiệm, sự phối hợp trong quá trình xây dựng, thực hiện quy hoạch thủy điện chưa rõ ràng. Ngoài ra, quy hoạch thủy điện nhỏ hiện nay chưa thực sự quan tâm đến mục tiêu sử dụng tài nguyên nước cũng như bảo vệ môi trường.

Trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội đã chỉ ra các hạn chế của hệ thống thủy điện, đặc biệt là thủy điện nhỏ hiện nay như: các công trình thủy điện nhỏ đang tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường. Gần 30% số đập chưa được kiểm định, 66% đập chưa có phương án bảo vệ được phê duyệt, gần 55% số chủ đập chưa có phương án PCLB. Hiệu quả làm việc của hệ thống quan trắc tại một số công trình thủy điện rất thấp. Việc xây dựng phương án PCLB cho vùng hạ du trong tình huống xả lũ khẩn cấp, vỡ đập, ít được quan tâm.

Nguyên nhân của những bất cập nêu trên là không ít chủ đầu tư dự án thủy điện nhỏ có năng lực chuyên môn và tài chính hạn chế; quy định về chế tài xử phạt vi phạm về an toàn đập, kiểm định đập; vai trò, trách nhiệm, sự phối hợp của các cơ quan quản lý nhà nước và chủ đầu tư chưa được ban hành kịp thời, rõ ràng và chưa được thực thi đầy đủ. Ngoài ra, thông tin, số liệu về điều kiện tự nhiên thường không đầy đủ và thiếu cập nhật do hạn chế nguồn lực đầu tư cho giai đoạn điều tra, khảo sát khu vực dự án.

Cần minh bạch hơn trong đấu thầu

Trong ngày làm việc thứ 8, buổi chiều, Quốc hội tiếp tục làm việc tại hội trường và tiến hành thảo luận về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Luật đấu thầu (sửa đổi)

Dự thảo Luật đấu thầu (sửa đổi) có 13 chương với 95 điều. Tại buổi thảo luận, phần lớn ý kiến tán thành quy định trong Luật hạn mức vốn nhà nước cụ thể. Có ý kiến đề nghị làm rõ cơ sở tỷ lệ là 30% vốn nhà nước và quy định về quy mô vốn nhà nước cho các dự án đầu tư có sử dụng vốn nhà nước theo mức tuyệt đối bằng tiền là 500 tỷ đồng. Đề nghị hạ mức tỷ lệ vốn nhà nước trong tổng mức đầu tư, quy định mức vốn nhà nước xuống thấp hơn vì mức 500 tỷ đồng là rất lớn. Thứ 2, quy định hoạt động lựa chọn nhà thầu thực hiện dự án đầu tư phát triển của doanh nghiệp nhà nước thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật mà không phụ thuộc vào nguồn vốn, vì vốn đầu tư phát triển của doanh nghiệp nhà nước cũng là vốn nhà nước. Thực tế đã cho thấy, doanh nghiệp nhà nước đi vay nếu không trả được nợ thì cuối cùng nhà nước vẫn phải có phương án xử lý.

Có ý kiến đề nghị quy định rõ hơn về mối quan hệ giữa nhà thầu với nhà thầu, nhà thầu với chủ đầu tư để bảo đảm cạnh tranh lành mạnh trong đấu thầu. Ý kiến khác đề nghị bổ sung quy định cụ thể về mối quan hệ giữa các cá nhân có thẩm quyền của nhà thầu và cá nhân có thẩm quyền của chủ đầu tư, người quyết định đầu tư và những cá nhân có quan hệ nhân thân liên quan. Và có ý kiến còn cho rằng, cần bổ sung thêm quy định ưu đãi cho hồ sơ dự thầu của nhà thầu có sử dụng tỷ lệ nhất định lao động là thương binh hoặc người tàn tật. Đáng chú ý, có rất nhiều ý kiến của đại biểu đề nghị cần quy định chặt chẽ, hạn chế chỉ định thầu mà chỉ áp dụng chỉ định thầu trong trường hợp cần khắc phục hậu quả thiên tai, trong tình trạng khẩn cấp như vỡ đê, tắc đường, vỡ đường ống dẫn nước, dẫn dầu...

Về vấn đề chỉ định thầu, có ý kiến đề nghị không quy định về hạn mức chỉ định thầu bởi quy định như vậy có thể bị lợi dụng để chỉ định thầu thông qua việc chia nhỏ các gói thầu. Việc đấu thầu phải tách khỏi chủ đầu tư và chuyển về tổ chức đấu thầu độc lập, chuyên nghiệp thực hiện nhằm xử lý dứt điểm, căn cơ những tiêu cực như thông thầu, "quân xanh, quân đỏ" như đã từng có lâu nay.

Riêng vấn đề đấu thầu mua thuốc, hóa chất, vật tư, thiết bị y tế tiêu hao, do tính chất đặc thù và quan trọng của các mặt hàng này, nên cần có một chương mục riêng, tránh tình trạng lợi dụng kẽ hở để thông thầu, trục lợi. Tuy nhiên, do đấu thầu cung cấp thuốc trong thực tế mới chỉ được thực hiện hơn 1 năm theo hình thức văn bản Thông tư liên tịch giữa Bộ Y tế và Bộ Tài chính, nên dự án Luật chỉ quy định một số nội dung mang tính nguyên tắc về mua thuốc sử dụng vốn nhà nước, quỹ bảo hiểm y tế và các nguồn thu hợp pháp khác của các cơ sở y tế công lập trên cơ sở kết quả bước đầu thực hiện đấu thầu mua thuốc theo quy định hiện hành. Đối với loại thuốc có ít nhà sản xuất, thuốc biệt dược gốc, thuốc hiếm, thuốc trong thời gian còn bản quyền, thuốc đã sử dụng ổn định trong thời gian dài và một số trường hợp đặc thù khác thì việc lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc còn được thực hiện thông qua hình thức đàm phán giá.

Kết thúc phiên thảo luận, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan soạn thảo tiếp thu, rà soát, chỉnh lý về bố cục, câu chữ để hoàn chỉnh Luật đấu thầu (sửa đổi) trước khi được Quốc hội thông qua.

Nguyễn Nam

Loại bỏ những dự án thủy điện nhỏ không phát huy hiệu quả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO