Loài chim biết giao tiếp như con người
Các nhà khoa học phát hiện loài chim đầu tiên biết xâu chuỗi âm thanh để giao tiếp, mở ra tương lai nghiên cứu về sự tiến hóa trong giao tiếp của loài người.
Loài khướu nhỏ biết xâu chuỗi âm thanh để giao tiếp. Ảnh: Mirro Daily |
Fox News hôm 2/7 đưa tin một nhóm nghiên cứu phát hiện ra loài khướu nhỏ gốc Australia, tên khoa học là Pomatostomus ruficeps, có khả năng xâu chuỗi các âm thanh để truyền đạt thông tin.
Nhóm nghiên cứu lắng nghe âm thanh của chúng. Loài khướu này không hót, thay vào đó chúng tạo ra "các tiếng gọi rời rạc, tổ hợp bằng những âm thanh riêng rẽ nhỏ có âm vực phân biệt," Sabrina Engesser, trưởng nhóm nghiên cứu phát biểu.
Hai âm thanh được xác định là "A" và "B" được lặp lại liên tục. Ví dụ, chúng sử dụng "AB" để thông báo địa điểm cho những con khác khi đang bay (những con chim được thông báo sẽ nhìn lên bầu trời); hoặc "BAB" dùng để gọi những con chim nhỏ đến giờ ăn (những con chim non sẽ nhìn vào tổ).
"Mặc dù những cuộc gọi có cấu trúc rất giống nhau, tuy nhiên chúng được sử dụng trong những ngữ cảnh hoàn toàn khác nhau, và những cá thể nghe thấy có khả năng hiểu được những âm thanh này," Simon Townsend, thành viên nhóm nghiên cứu, chuyên gia đại học Zurich, Thụy Sĩ, giải thích.
Nhìn chung, đó là một hình mẫu giao tiếp cơ bản, tiến sĩ Andy Russell, làm việc ở đại học Exeter, Anh khẳng định. Ông cho biết, sự hoán đổi thứ tự các âm thanh có sẵn như vậy dễ dàng hơn việc phải tạo ra những âm thanh mới.
Các nhà nghiên cứu tin rằng âm "B" trong chuỗi âm thanh giúp phân biệt ý nghĩa của các cuộc gọi. Nói cách khác, nó giống như chữ "C" làm nên sự khác biệt giữa chữ "CAT" và "AT" trong tiếng Anh.
Các yếu tố phân biệt như vậy được gọi là âm vị, và ví dụ cơ bản này "có thể giúp chúng ta hiểu về các cách truyền tải những thông tin mới trong sự tiến hóa giao tiếp của loài người," một chuyên gia nói.
"Rất có thể rằng tổ tiên của chúng ta cũng từng bắt đầu việc giao tiếp bằng cách giao tiếp theo cấu trúc đơn âm này," Russel kết luận.
Theo VnExpress