Loạn “siêu thị”

07/08/2012 16:47

(Baonghean) Hình thức phân phối hàng hóa bán lẻ qua siêu thị từ lâu đã được người dân biết đến như một hình thức kinh doanh hiện đại, thuận tiện, tương đối có uy tín và đang dần thu hút nhiều người tham gia mua sắm. Tuy nhiên, trên địa bàn Thành phố Vinh và một số huyện thị trong tỉnh, nhiều tổ chức, cá nhân vô tình hoặc cố ý lấy tên gọi “siêu thị” để đặt tên cho cửa hàng của mình mà không biết hoặc không cần biết như vậy là đúng hay sai.

“Siêu thị Hoa” trên đường Nguyễn Văn Cừ (TP.Vinh) là một không gian khoảng chừng 15m2, trưng bày ngổn ngang các chậu, bình hoa tươi nằm ngang dọc, hai bên lối đi, không theo một trật tự nào cả. Khách hàng có thể dễ dàng nhìn thấy một biển hiệu thể hiện “đẳng cấp” “Siêu thị Hoa T.T”. Những kiểu cửa hàng như vậy không thiếu trên nhiều con phố, từ kiểu chuyên doanh đến tổng hợp, từ đồ gỗ, điện tử điện lạnh, thậm chí còn có cả “Siêu thị kem” ngay trên đường Hồ Tùng Mậu. Vào “Siêu thị Kem”, khách hàng không thấy khác những cửa hàng kem bình thường, tuy không gian tại “siêu thị” này rộng hơn “Siêu thị Hoa”.

Không những thiếu diện tích, đa số cửa hàng “xưng danh” siêu thị trên địa bàn tỉnh thiếu nhiều thứ như chủng loại mặt hàng, hệ thống phòng cháy, chữa cháy, nhà̀ vệ sinh, nơi trông giữ xe... Một số “siêu thị” thiếu tổ chức, bố trí hàng hoá theo ngành hàng, nhóm hàng một cách văn minh, khoa học để phục vụ khách hàng lựa chọn, mua sắm, thanh toán thuận tiện, nhanh chóng; không có nơi bảo quản hành lý cá nhân, các dịch vụ phục vụ người khuyết tật, giao hàng tận nhà.

Theo thống kê của Sở Công Thương: “Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 26 siêu thị kinh doanh tổng hợp và chuyên doanh, trong đó tập trung chủ yếu ở Thành phố Vinh. Tuy nhiên, theo Quy chế của Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) về siêu thị và trung tâm thương mại thì chỉ có Siêu thị Intimex I và Intimex II, Siêu thị Maximark đạt tiêu chuẩn Siêu thị hạng III, Siêu thị Big C và Siêu thị Metro Cash & Carry đạt tiêu chuẩn hạng I. Các siêu thị khác quy mô và điều kiện kinh doanh chỉ đáp ứng ở loại hình cửa hàng tiện lợi, cửa hàng tự chọn.”

Theo Quy chế, siêu thị được phân thành ba hạng: siêu thị hạng I, II, III. Trong đó, siêu thị kinh doanh tổng hợp hạng I phải có diện tích kinh doanh từ 5.000m2 trở lên, có danh mục hàng hoá kinh doanh từ 20.000 tên hàng trở lên (Đối với Siêu thị chuyên doanh hạng I: diện tích từ 1.000m2 trở lên, từ 2.000 tên hàng trở lên) và một số tiêu chuẩn khác; siêu thị có yêu cầu diện tích nhỏ nhất và danh mục hàng hóa ít nhất là siêu thị hạng III. Siêu thị kinh doanh tổng hợp hạng III yêu cầu có diện tích kinh doanh từ 500m2 trở lên; có danh mục hàng hoá kinh doanh từ 4.000 tên hàng trở lên. Tất cả các siêu thị phải bố trí nơi trông giữ xe, lắp đặt thiết bị phòng chống cháy nổ, xây dựng kho chứa hàng và bắt buộc phải có nhà vệ sinh để phục vụ khách.

Tình trạng lộn xộn, tùy tiện về tên gọi, hình thức kinh doanh manh mún và chất lượng tại các siêu thị sẽ rất bất lợi cho doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình tham gia WTO. Bởi các đoàn bán lẻ nước ngoài sẽ lấn át, khống chế thị phần của các doanh nghiệp cung cấp trong nước nhờ tính chuyên nghiệp và khả năng cung cấp. Tình trạng mập mờ trong tên gọi này còn gây mất niềm tin và ảnh hưởng quyền lợi của người dân vì không rõ đâu là nơi thực chất kinh doanh đúng với tiêu chuẩn và chất lượng của siêu thị.


Lê Thị Lan Hương

Mới nhất
x
Loạn “siêu thị”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO