"Loạn" thực phẩm chức năng

08/10/2014 11:04

(Baonghean) - Thời gian gần đây, do nhu cầu sử dụng thực phẩm chức năng (TPCN) của người dân ngày càng tăng, thị trường trở nên phong phú, đa dạng. Tuy nhiên, không ai đảm bảo chất lượng và giá cả các loại tpcn có đúng như quảng cáo hay công dụng ghi trên nhãn hay không, khi công tác quản lý gặp nhiều khó khăn.

Sử dụng theo cảm tính

Làm kế toán ở một doanh nghiệp ở khối Trung Tiến, phường Hưng Dũng (TP. Vinh), chị Nguyễn Lan Hương thường xuyên sử dụng TPCN mỗi khi căng thẳng, mệt mỏi. Tuy nhiên, chị lại mua và sử dụng TPCN qua lời giới thiệu của bạn bè, hiện cũng không nhớ chính xác đã dùng bao lâu, liều lượng cũng “vô chừng” bởi việc sử dụng TPCN của chị chỉ theo cảm tính, khi nào thấy mệt mỏi, căng thẳng thì dùng.

Sau khi tìm hiểu kỹ thông tin trên mạng, chị Hoàng Thị Quỳnh (cán bộ Bưu điện Nghệ An) đã không ngần ngại bỏ ra gần 5 triệu đồng mua 5 hộp vi cá mập được người bán quảng cáo là TPCN nhập khẩu từ Mỹ để mong duy trì sự tươi trẻ. Khi uống hết một hộp gồm 60 viên, chị Quỳnh không những không thấy làn da được cải thiện mà còn xuất hiện nhiều nốt đỏ, lại còn ảnh hưởng đến tiêu hóa. Gọi điện đến số điện thoại của người bán hàng để được tư vấn, chị được họ trả lời có thể vì không hợp thuốc hoặc do ăn phải thức ăn “phản ứng” với thành phần của thuốc. Tuy nhiên, sau khi đem loại TPCN này đến hỏi bác sỹ, chị Quỳnh mới biết đây chỉ là loại thuốc hỗ trợ sau điều trị, không có tác dụng như quảng cáo. Trước những thông tin quảng cáo “nổ” trời của nhiều loại TPCN, khiến không ít người tiêu dùng như chị Quỳnh bị lừa… Theo bác sỹ Trần Thị Lê - Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Nghệ An, có người bệnh đang điều trị bệnh bằng thuốc tại bệnh viện, nhưng khi nghe những quảng cáo “có cánh” của người kinh doanh đã bỏ thuốc quay sang dùng TPCN, làm mất đi cơ hội điều trị bệnh.

Người tiêu dùng khó chọn lựa các loại sản phẩm thực phẩm chức năng. (Ảnh mang tính minh họa)
Người tiêu dùng khó chọn lựa các loại sản phẩm thực phẩm chức năng. (Ảnh mang tính minh họa)

Tại các tuyến phố Nguyễn Phong Sắc, Tôn Thất Tùng (TP. Vinh) - nơi có nhiều cửa hàng dược phẩm, lại có rất nhiều loại TPCN được nhân viên nhà thuốc giới thiệu công năng “trị bệnh” kèm theo với những lời chào giá cao “ngất ngưởng”: TPCN làm đẹp phụ nữ “Happy Women” giá 1.700.000 triệu đồng/hộp, Collagen SH giá 700.000 đồng/hộp, “Women’s Formula” giá 650.000 đồng/hộp... TPCN dùng cho nam giới cũng phong phú không hề kém, sản phẩm Khang Hy giá 810.000 đồng/hộp, sâm Alipas 650.000 đồng/hộp… Cùng một mặt hàng, cùng thành phần và tác dụng, nhưng giá bán mỗi nơi mỗi khác, chênh lệnh từ vài chục ngàn đồng đến hàng triệu đồng/hộp. Cụ thể, sản phẩm trà giảm cân Herbalife tại một nhà thuốc trên đường Lê Viết Thuật có giá 285.000đồng/hộp, nhưng ở một nhà thuốc khác trên đường Tôn Thất Tùng là 240.000 đồng hộp...

Khó quản lý

Mới đây, khi kiểm tra một xe khách đang lưu thông theo hướng Bắc - Nam chạy qua địa phận huyện Quỳnh Lưu, Đội Quản lý thị trường số 4 - Chi cục QLTT Nghệ An đã thu giữ 160 lọ thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có hóa đơn, chứng từ hợp lệ; trị giá lô hàng 21.900.000 đồng. Trong đó, nhiều loại TPCN là viên nang sữa ong chúa, vi cá mập,... được quảng cáo giúp người dùng chậm lão hoá da, trị ung thư, xương khớp, tim mạch, huyết áp, tiểu đường. Trước đó, đội cũng đã bắt giữ 1 lô hàng TPCN gồm 12 hộp và 20 kg nguyên liệu vitamin trên xe khách chạy tuyến Quảng Bình - Hà Nội… Theo lãnh đạo Chi cục Quản lý thị trường, lực lượng quản lý thị trường chỉ kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh TPCN có niêm yết giá và bán theo giá niêm yết hay không, hàng hóa có hóa đơn, chứng từ hay không, chứ không thể kiểm tra giá thấp hay cao. Và các nhà thuốc trên địa bàn tỉnh ta chủ yếu kinh doanh theo hình thức nhà thuốc - gia đình (kinh doanh ngay trong nhà), nên cơ quan chức năng rất khó để thu thập bằng chứng xử lý hàng giả, hàng kém chất lượng, vì số hàng này được cất nơi bí mật chứ không bày mẫu ở quầy hàng.

Qua công tác quản lý cho thấy, thời gian qua, một số cơ sở làm ăn không chân chính, vì chạy theo lợi nhuận đã cố tình vi phạm các quy định, đặc biệt là vi phạm quy định về ghi nhãn và quảng cáo TPCN. Một số vi phạm trong kinh doanh TPCN như ghi nhãn sản phẩm có công hiệu như thuốc chữa bệnh; quảng cáo sản phẩm TPCN nhưng không đăng ký nội dung quảng cáo, hoặc có đăng ký nội dung quảng cáo nhưng khi quảng cáo lại không đúng nội dung như đã đăng ký. Đặc biệt, có một số trường hợp quảng cáo TPCN có tác dụng như thuốc chữa bệnh, dẫn đến tình trạng một số người tiêu dùng sản phẩm hiểu nhầm về công dụng của nhóm sản phẩm này. Trước tình trạng trên, Bộ Y tế đã chỉ đạo quyết liệt các địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, nhằm kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Hàng năm, ngoài thanh tra liên ngành, tỉnh ta đều tổ chức 3 đợt chuyên ngành hoặc theo từng nhóm hàng, trong đó, TPCN luôn là mặt hàng được ưu tiên thanh, kiểm tra. Theo ông Hoàng Quốc Sơn - Phó Chi cục trưởng Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm Nghệ An thì việc rà soát, thống kê số lượng cơ sở kinh doanh TPCN, cũng như chủng loại TPCN trên địa bàn tỉnh rất khó. Hiện ngành chỉ quản lý hơn 100 cơ sở kinh doanh TPCN, hầu hết đều là các quầy thuốc, nhà thuốc. Các doanh nghiệp khi về Nghệ An quảng cáo bán TPCN tại các địa phương đều làm đúng và đầy đủ thủ tục hành chính. Khi doanh nghiệp kinh doanh TPCN muốn quảng cáo và bán sản phẩm phải làm hồ sơ gửi về Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm, Cục sẽ cấp giấy xác nhận quảng cáo; khi muốn về các địa phương, Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ có công văn gửi trung tâm y tế huyện.

Cán bộ y tế có trách nhiệm giám sát về thực hiện quảng cáo sản phẩm có theo đúng quy định của pháp luật, sản phẩm có đúng với hồ sơ đăng ký hay không. Nhưng khó khăn hiện nay là lực lượng cán bộ của Chi cục chỉ có 20 người, cán bộ trung tâm y tế huyện khoa ATTP cũng chỉ có 2 - 3 người, nên chỉ quản lý được mặt hồ sơ pháp lý. Còn khi doanh nghiệp quảng cáo để bán sản phẩm có đúng như thực tế đã đăng ký trước đó, thì rất khó kiểm soát, Chi cục chưa thể quản lý hết được. Trong khi vẫn có doanh nghiệp về địa phương tổ chức quảng cáo sản phẩm đến người dân ở thời điểm ngoài giờ hành chính. “Từ đầu năm đến nay, có 6 cơ sở đến đăng ký tổ chức hội thảo, hội nghị giới thiệu TPCN trên địa bàn tỉnh ta với 25 sản phẩm các loại. Một điều cần lưu ý rằng, TPCN chỉ có tác dụng hỗ trợ điều trị, phòng ngừa bệnh tật chứ không thay thế thuốc chữa bệnh, cũng như các thực phẩm dinh dưỡng hàng ngày. Vì vậy, người dân cần nâng cao nhận thức, hiểu đúng để sử dụng đúng, qua đó bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho bản thân, gia đình” - Ông Hoàng Quốc Sơn cho biết thêm.

Không thể phủ nhận hoàn toàn tác dụng của TPCN, nhưng có một điều chắc chắn là giá cả cũng như công dụng của TPCN đang có mặt trên thị trường chưa được quản lý chặt chẽ, dẫn tới sự lạm dụng về nhiều mặt. Ngoài sự quản lý của cơ quan y tế, thì người tiêu dùng nên thận trọng hơn khi chọn mua các loại TPCN đang bán trên thị trường, tránh tình trạng tiền mất, tật mang.

Theo quy định của Luật An toàn thực phẩm, thực phẩm chức năng là thực phẩm dùng để hỗ trợ chức năng của cơ thể con người, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng, giảm bớt nguy cơ mắc bệnh, bao gồm thực phẩm bổ sung, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, thực phẩm dinh dưỡng y học.

Anh Châu

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

x
"Loạn" thực phẩm chức năng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO