"Lộc rừng"

02/12/2013 18:39

(Baonghean) - Ngày nay, các làng bản vùng cao đang phải đối mặt với những đợt "bão" giá. Cuộc sống khó khăn, khiến mọi người trong các gia đình vùng cao đều phải gồng mình mưu sinh. Thu hái và đem bán những lâm sản phụ, trong đó có các thứ rau rừng để kiếm thêm thu nhập đang là một cách kiếm sống của nhiều phụ nữ và trẻ em gái ở các bản làng…

Cụ Xinh bán rau rừng.
Cụ Xinh bán rau rừng.

Ngoài tuổi 70, hàng ngày bà Lâm Thị Xinh, bản Văng Lin (Yên Thắng - Tương Dương) lên rừng hái măng và các loại rau rừng như rau dún, nấm, mộc nhĩ, hoa chuối... Mỗi tuần, bà có 3 - 4 chuyến lên rừng hái "lộc" đem bán ở các bản xa.

Những bà "mế" khác thường đem bán cho những quán bán rau hay những người thường xuyên ra buôn bán tại các chợ trung tâm, còn bà thì gói trong từng túi nhỏ đi khắp bản "bán rong". Được hỏi: “Sao già cả vậy rồi mà không ở nhà nhờ con cháu?" Bà Xinh bảo: "Người già rồi, cái bụng thì vẫn chưa no. Con gái bà đều đi lấy chồng xa cả, lại thêm đứa cháu đang đi học, chưa biết giúp bà kiếm tiền”. Bà cho biết thêm, mình đi rừng hái được cây măng về đã nhọc công, đem bán cho mấy quán trong bản thường hay mua rẻ thì xót của, tiếc công sức lắm. Nếu chịu khó đi bán trong các bản, số tiền thu được sau mỗi chuyến lên rừng sẽ khá hơn đôi chút vì những tư thương nhỏ lẻ trong bản còn đem bán lại cho dân bản để kiếm lời. "Chi bằng mình tự đi bán lấy" - Bà nói.

Hôm nay, bà Xinh cuốc bộ 5 cây số đường rừng từ bản Văng Lin ra trung tâm xã mới bán hết chỗ măng hái về. Chỉ chốc nữa thôi, bà lại phải lội đèo trở về bản. Nhưng cái chân sẽ bước nhanh hơn vì niềm vui bán hết được số "lộc rừng" hái được trong ngày. Vậy là sáng mai, cháu gái của bà sẽ có tiền đóng học và mua sắm sách vở. Bà bảo: "Mẹ cũng chỉ mới biết đi bán hàng mấy năm nay thôi. Nhất là khi cái tay làm rãy đã yếu đi. Cố gắng lắm thì lúa rãy cũng chỉ đủ ăn, không có cái đem bán như hồi còn khỏe. Phải hái măng mới có tiền mua thức ăn, với lại cho cháu đi học...".

Bà cụ cho biết, trong các bản ở xã vùng cao này có khá nhiều những cụ bà, những phụ nữ, thậm chí là học sinh hay những trẻ em gái đã bỏ học chuyên nghề đi hái và bán “lộc rừng”. Họ thường là những người neo đơn, con cái đã lập gia đình và ra ở riêng, thậm chí có người lấy chồng tận Trung Quốc. "May mà có rừng che chở. Chỉ sợ một ngày nào đó, chân không đủ sức lội rừng, tay không cầm nổi con dao nữa thì mới gọi là khổ!”, bà Xinh nói, giọng đầy xúc cảm.

Còn đối với cô bé Vi Thị Thảo, học sinh lớp 8, Trường THCS Thạch Giám (Tương Dương) thì bán "lộc rừng" là một công việc thường xuyên của em. Sau mỗi giờ học, em đạp chiếc xe chở những thứ hái được trên nương rẫy như ngô non, dưa rãy, bí đỏ, rau dún. Chuyến hàng của cô bé trở nên đầy đặn hơn khi có người trong bản gửi nhờ cô bé bán giúp gùi rau, hoặc vài cái hoa chuối để chia đôi "lợi nhuận". Cô bé tỏ ra rất tự hào, trong 2 năm học vừa qua không phải xin tiền cha mẹ để đóng học, lại còn sắm được chiếc điện thoại để tiện liên lạc. Cha mẹ Thảo vì thế cũng đỡ vất vả hơn khi phải nuôi 3 con đang tuổi ăn, tuổi học. Theo cô bé, những chuyến đi bán hàng chỉ là tranh thủ sau giờ học, không ảnh hưởng nhiều đến việc học tập.

Sản vật như rau rừng, nấm, hạt dẻ, hoa chuối hay vỏ cây nhai trầu, cây khủa, đọt non cây mây... được khách hàng vùng cao ưa chuộng. Vào mỗi buổi sáng, hoặc khi chiều muộn, trên các nẻo đường trong thị trấn vùng cao, tại những điểm tập trung dân cư vẫn thường xuất hiện nhưng phụ nữ, thậm chí là các cụ bà và trẻ em gái gùi "lộc rừng" đi bán rong. Họ không cần cất tiếng rao, các món hàng đều nhanh chóng được bán hết.

Nghề bán rong những sản vật rừng, dẫu chưa thể là một hướng kiếm thu nhập bền vững, bởi hầu hết chỉ là những sản phẩm hái lượm từ rừng, nhưng đang góp phần giúp một bộ phận người dân vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Một điều quan trọng nữa, là nhờ lực lượng bán "lộc rừng" này mà những đặc sản vùng cao được nhiều người biết đến!

Bài, ảnh: Hà Phượng

Mới nhất

x
"Lộc rừng"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO