Lời cảnh báo mạnh mẽ đối với EU

10/04/2015 10:36

(Baonghean) - Chuyến thăm Nga của Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras trong khi EU và nhiều nước trong khu vực nhất quyết không chịu xóa nợ đã cho Hy Lạp vay. Điều này khiến Hy Lạp phải tự tìm kiếm một hướng đi cho riêng mình, đó là tăng cường hợp tác với Nga vừa để tìm kiếm sự giúp đỡ, vừa để “mặc cả” với phương Tây trong những cuộc đàm phán về những gói cứu trợ sắp tới.

Vấn đề là hiện nay căng thẳng giữa phương Tây và Nga vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt do cuộc khủng hoảng Ukraine, trong khi Hy Lạp lại là nước thuộc EU nhưng lại “bắt tay” với Nga. Rõ ràng đó là lời cảnh báo về một sự rạn nứt không nhỏ trong các nước Liên minh châu Âu.

Alexis Tsipras sinh ngày 28/7/1974, đầu những năm 1990 khi đang là sinh viên đa ngành, ông đã tham gia hoạt động chính trị trong các cuộc nổi dậy của sinh viên chống lại những luật lệ đang gây tranh cãi lúc bấy giờ của Bộ trưởng Bộ Giáo dục Vasilis Kontogiannopoulos dành cho sinh viên. Ông từng là đại diện của học sinh tại Thượng viện, từ năm 1995 đến năm 1997, là thành viên của Hội đồng Trung ương Liên hiệp Sinh viên Quốc gia Hy Lạp. Năm 2000, ông tốt nghiệp đại học và bắt đầu làm việc với vai trò một kỹ sư công nghiệp xây dựng và tiếp tục học cao học, ông đã viết một số nghiên cứu và nhiều dự án với chủ đề về Thành phố Athens.

Cũng trong năm 2000, Alexis Tsipras gia nhập Đảng Cộng sản Hy Lạp, thành viên Liên minh cánh tả Synaspismos, tham gia lãnh đạo cánh thanh niên của Synaspismos. Với cương vị lãnh đạo thanh niên, tiếng nói của Alexis Tsipras ngày càng có trọng lượng trong liên minh và ảnh hưởng của ông đối với các chính sách của Synaspismos cũng ngày càng tăng. Alexis Tsipras đóng vai trò chủ đạo trong việc hình thành Diễn đàn Xã hội Hy Lạp và tham gia mọi cuộc tuần hành để phản đối xu hướng toàn cầu hóa được giới tư bản tân bảo thủ lợi dụng để bóc lột dân nghèo khắp thế giới. Đến tháng 12/2004, tại Đại hội lần thứ IV của Đảng Synaspismos, Tsipras được bầu vào Ủy ban Chính trị Trung ương và là thành viên Ban Bí thư Chính trị phụ trách giáo dục và thanh, thiếu niên.

Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc gặp Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras.  Nguồn AFPGetty Images
Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc gặp Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras. Nguồn AFPGetty Images

Alexis Tsipras được bầu làm Chủ tịch Đảng Synaspismos trong Đại hội lần thứ 5 vào ngày 10/2/2008. Tsipras đã trở thành lãnh đạo của Synaspismos ở tuổi 33, và cũng là nhà lãnh đạo trẻ nhất của một đảng chính trị Hy Lạp. Trong cuộc bầu cử năm 2009, ông được bầu vào Quốc hội Hy Lạp đại diện cho Athens A và sau đó đã được bỏ phiếu nhất trí là người đứng đầu nhóm Nghị viện SYRIZA (Liên minh Cánh tả cấp tiến). Alexis Tsipras đã dẫn dắt SYRIZA thông qua các cuộc bầu cử thành công vào năm 2012, và trở thành người lãnh đạo của phe đối lập.

Tháng 12/2013, ông là ứng cử viên đầu tiên được đề xuất cho vị trí Chủ tịch của Ủy ban Liên minh châu Âu. Alexis Tsipras thực hiện kế hoạch vận động tranh cử với vai trò là ứng cử viên duy nhất của các quốc gia vùng phía Nam. Vào đầu tháng 5/2014, trong một bài phát biểu tại Berlin, ông làm sáng tỏ nhiều về vị trí của mình, đối lập với quá trình chính trị tân tự do bị cáo buộc của Merkel đang thống trị ở châu Âu. Alexis Tsipras tuyên bố một sự thay đổi đáng kể hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn mà mọi người châu Âu đều có thể nhìn thấy trong vòng 10 năm. Ông đề cập đến những thất bại trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008 - 2014. Các bài phát biểu đã được đưa ra bằng tiếng Anh cho các khán giả Đức và được lắng nghe khắp châu Âu, từ đó nâng cao vị thế chính trị cho ông rất nhiều.

Trong cuộc bầu cử trước thời hạn vào ngày 25/1 vừa qua, Alexis Tsipras với những cam kết mạnh mẽ đưa nền kinh tế Hy Lạp thoát khỏi cảnh sống nhờ vào các gói cứu trợ của các chủ nợ quốc tế như Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF). Bởi để có được những khoản vay này, chính phủ buộc phải sử dụng các chính sách thắt lưng buộc bụng rất khắt khe như việc triển khai chính sách tài khóa thắt chặt; cắt giảm đầu tư công khiến tỷ lệ thất nghiệp tràn lan trong toàn xã hội, có lúc lên tới 60%; giảm lương… khiến người dân Hy Lạp rơi vào cuộc sống cùng cực và hầu hết đều tỏ thái độ bất mãn với chính phủ.

Đỉnh điểm của sự phẫn nộ là sự việc diễn ra vào trung tuần tháng 8/2013, một học sinh 19 tuổi đã thiệt mạng chỉ vì không có tiền mua vé xe buýt giá 1,2 euro. Đó là cái chết của Thanassis Kanaoutis bởi vết thương chí mạng ở đầu khi bị ngã do cố tình nhảy khỏi một chiếc xe buýt đang chạy khi chiếc xe này đi qua khu vực bình dân ở Thủ đô Athens. Nhiều người có mặt tại hiện trường cho rằng anh này đã hành động như vậy sau khi tranh cãi quyết liệt với người soát vé trên xe buýt. Tuy nhiên, Reuters cho biết, gia đình nạn nhân nghi ngờ Kanouatis đã bị đẩy xuống xe do không có tiền trả và chết ngay lập tức do phần đầu bị va chạm mạnh.

Sự kiện ngay lập tức khiến lo lắng bao trùm Hy Lạp, nơi chính phủ đang sử dụng những biện pháp ngày càng khắc nghiệt nhằm tăng nguồn thu thuế trong bối cảnh bị các chủ nợ quốc tế thúc giục. Liên tục những ngày sau đó, các cuộc biểu tình chống chính phủ nổ ra khắp nơi và ngày càng lan rộng. Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế và lòng tin vào việc chính phủ đã chạm đáy, vì vậy khi Alexis Tsipras - một chính trị gia cấp tiến và theo đường lối ngược lại với những gì chính phủ đang thực hiện tham gia tranh cử, việc giành chiến thắng là điều dễ hiểu.

Trở lại với chuyến thăm Nga của Thủ tướng Alexis Tsipras trong bối cảnh căng thẳng giữa phương Tây và Nga vẫn đang ở mức cao nhất sau cuộc khủng hoảng Ukranie. Chuyến thăm này được người dân nước này đón đợi và kỳ vọng rất nhiều, một người ở Thủ đô Athens cho biết: "Theo tôi, ông Tsipras có quyền đến Nga. Dù điều này làm đối tác của Hy Lạp không hài lòng song họ phải hiểu rằng, từ giờ trở đi, họ không còn hỗ trợ chúng tôi nữa, thậm chí đe dọa đóng cửa các ngân hàng của chúng tôi và gây áp lực. Chúng tôi phải tự cứu mình trước khi chúng tôi hết sạch tiền.

Tôi nghĩ rằng, ông Tsipras đang hành động đúng”. Đó là phản ứng của người dân, còn đối tác của Hy Lạp mà cụ thể là liên minh châu Âu EU lại tỏ ra rất lo lắng vì sự kiện này. Ngay trước chuyến đi của Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras, Chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schulz lên tiếng "Tôi không biết, liệu Nga có hỗ trợ tài chính cho Hy Lạp và khi nào điều này xảy ra. Nhưng tôi có thể khuyên ông Tsipras đừng gây nguy hiểm cho sự hiệp nhất của Liên minh châu Âu”; hay như việc truyền thông phương Tây dành sự quan tâm sát sao và liên tục đưa tin theo kiểu “Tổng thống Putin đang chuẩn bị một “món quà” dành cho Thủ tướng Tsipras”; “Châu Âu đang bị chú gấu Nga đe dọa”… là minh chứng rõ ràng nhất cho sự lo lắng của EU.

Vấn đề là tại sao châu Âu lại tỏ ra lo lắng như vậy? Giới quan sát cho rằng, chuyến thăm Nga này sẽ là dấu hiệu rõ ràng nhất cho sự không thống nhất quan điểm, đặc biệt là việc áp dụng các lệnh trừng phạt hà khắc lên đất nước rộng lớn nhất châu Âu này bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Rõ ràng, khi Hy Lạp đạt được những lợi ích về kinh tế, mà cụ thể là nhiều khả năng Nga sẽ dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu nông sản đã áp dụng đối với EU để trả đũa các lệnh trừng phạt mà họ phải hứng chịu, hay vấn đề năng lượng và công nghiệp, trong đó có đề xuất mở rộng đường ống dẫn khí đốt qua Thổ Nhĩ Kỳ vào Hy Lạp, đây là một bước đi góp phần tăng cường uy thế của Hy Lạp trong khu vực và thế giới cũng như hỗ trợ Hy Lạp giành được hàng trăm triệu đô la từ khoản tiền quá cảnh đường ống dẫn.

Khi những thỏa thuận này đạt được thì không ai có thể dự đoán được rằng có bao nhiêu nước, đặt biệt là những nước thuộc EU có nền sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề từ lệnh trừng phạt của Nga sẽ xem xét lại chính sách của mình để cứu vãn nền sản xuất đang gặp khó khăn? Và điều đó chắc chắn sẽ gây ra những rạn nứt không nhỏ trong liên minh châu Âu vốn đã không đoàn kết khi liên tiếp đưa ra các lệnh trừng phạt dành cho Nga liên quan đến vấn đề Ukraine, đặc biệt là sau khi Crimea sáp nhập vào Nga.

Sau cuộc hội đàm đầu tiên, cả Tổng thống Nga Putin và Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đều lên tiếng “trấn an” châu Âu bằng những tuyên bố của mình. Tổng thống Nga Putin cho biết: “Hy Lạp đã không đề nghị Nga trợ giúp về tài chính để giải quyết vấn đề nợ công. Ông cũng bác bỏ những lời đồn đoán cho rằng, Nga đang “nịnh” Hy Lạp nhằm chia rẽ châu Âu và làm suy yếu các biện pháp trừng phạt của Liên minh châu Âu đối với Nga liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine”.

Còn về phần mình, Thủ tướng Tsipras cũng tái khẳng định quan điểm của Hy Lạp phản đối việc các nước phương Tây áp đặt trừng phạt đối với Nga trong năm ngoái và kêu gọi châu Âu dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với Nga. Nhưng ông Alexis Tsipras cũng nhấn mạnh, chuyến thăm của ông tới Nga không phải là “sự đối đầu” với phương Tây, bởi Hy Lạp có quyền được phát triển một mối quan hệ nồng ấm hơn với Nga. Mặc dù đã có những khẳng định từ cả 2 phía và 2 bên cũng chưa đặt bút ký bất cứ thỏa thuận nào cụ thể, nhưng chuyến thăm Nga của Thủ tướng Alexis Tsipras rõ ràng là lời cảnh báo đối với sự rạn nứt mới của Liên minh châu Âu EU trong các vấn đề liên quan tới Nga.

Cảnh Nam

Mới nhất
x
Lời cảnh báo mạnh mẽ đối với EU
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO