Lợi dụng trẻ em - mưu đồ chính trị!
(Baonghean) - Sau “Thư chung” của ông Nguyễn Thái Hợp - Giám mục Giáo phận Vinh ra ngày 06/9/2013 với những lời lẽ bóp méo sự thật, kích động giáo dân “dâng những hy sinh và có những hành động cụ thể”. Trên trang mạng của Giáo phận Vinh và một số trang mạng phản động đăng tải tràn ngập những hình ảnh cầu nguyện, biểu lộ tinh thần “hiệp thông” với Giáo xứ Mỹ Yên (Nghi Phương, Nghi Lộc) của một số xứ, họ đạo. Điều đáng lên án là, trong các buổi cầu nguyện này, một số chức sắc đã lợi dụng, dàn dựng và bố trí trẻ em trở thành “diễn viên” chính thể hiện “vở diễn” mà Giám mục Nguyễn Thái Hợp gọi là “sự hiệp thông” và “tình liên đới”.
Bất nhẫn và trắng trợn hơn, khi việc này lại diễn ra ngay tại các nhà thờ - nơi biểu hiện của sự tôn nghiêm, thánh thiện và tinh thần bác ái của Đức Chúa trời. Chính những hình ảnh trên trang web Giáo phận Vinh và một số trang mạng Công giáo khác cho thấy có hàng chục, thậm chí hàng trăm em nhỏ non nớt, ngây thơ, nhiều em còn mang trên mình đồng phục học sinh (có lẽ các em vội vàng từ các trường tiểu học, trung học cơ sở tới Nhà thờ - pv) bị “thôi miên” quỳ dưới ánh nến, hồn nhiên giơ cao những tờ giấy A4 có những dòng chữ với nội dung xuyên tạc, kích động, chống đối chính quyền “Thắp lửa tình yêu trong bóng tối bạo quyền”, “Đàn áp dân là tả quyền”, “Chính quyền Nghệ An lừa dối dân”, “Tự do công lý cho Mỹ Yên”, “Lên án hành động vu cáo của truyền thông Nghệ An”, “Nhân phẩm và Nhân quyền”, “Công an + côn đồ 2 trong 1”…. Trong lúc cả xã hội đang nỗ lực để các em được nuôi dưỡng, đắp bồi bằng tinh hoa và văn minh của nhân loại, thì ở nơi “tôn nghiêm, thánh thiện” lại đang đầu độc, hủy hoại những tâm hồn trẻ thơ trong trắng bằng sự nhồi nhét những tư tưởng “bạo quyền”, “đàn áp”, “lừa dối”, “vu cáo”, “côn đồ”... bởi những kẻ “chăn dắt” phần hồn.
Chưa hết, trên trang Nữ vương công lý còn đăng hình ảnh trẻ em (tại Nhà thờ Giáo xứ Bình Thuận, xã Nghi Thuận, Nghi Lộc do Linh mục Đặng Hữu Nam làm quản xứ) trong trang phục áo trắng, ngơ ngác cầm khẩu hiệu xuyên tạc, chống đối chính quyền. Các em bị đưa ra làm cái cớ và “đẩy” vào bài viết với những lời lẽ đầy kích động: “Trong ngày Trung thu, khi mà cả nước trẻ em nô nức đón Trăng rằm thì các thiếu nhi, lớp trẻ Bình Thuận không thể vui quên anh chị em mình đang lâm nạn tại Mỹ Yên. Nhiều hoạt động đã diễn ra, đặc biệt là những giờ chầu Thánh Thể, thắp nến cầu nguyện cho anh chị em mình… Đêm Trung thu, những ánh nến với tất cả lòng thành kính và niềm tin của con trẻ dâng lên Thiên Chúa lời khẩn cầu đau đớn, thiết tha xin đoái nhìn đến những bạn trẻ, những anh chị em đồng đạo đang bị bách hại bởi nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam tại Mỹ Yên”.
Trẻ em bị lợi dụng để cầu nguyện hiệp thông tại nhà thờ Giáo xứ Bình Thuận theo ý đồ của “chủ chăn”.
Việc biến đêm Rằm Trung thu của con trẻ thành lễ cầu nguyện thể hiện “tình liên đới, đồng trách nhiệm, đồng cảm và đồng tâm với anh chị em Mỹ Yên” để phục vụ mục đích chống đối chính quyền là hành vi phi nhân tính, không thể chấp nhận trong xã hội văn minh. Những đứa trẻ lên 9, lên 10 có thể nhận thức được hành vi và nhận diện rõ đúng - sai về những nội dung trên tờ giấy A4 đang cầm trên tay không? Những bậc cha mẹ và chính các em đang bị lợi dụng có oán giận, xót xa? Khi biết rằng, trong lúc niềm vui đón “Tết Trung thu” của các em bị thay bằng lòng thù hận, rên xiết với những “lời cầu khẩn đau đớn”, thì tại các nhà trường, hội quán, nhà văn hóa ở Nghi Phương (nơi một số giáo xứ đang cầu nguyện cho cái gọi là “sự bách hại, áp bức”), các cấp chính quyền, đoàn thể, các ngành chức năng, các bà, các mẹ, anh chị bằng tất cả tình thương, đã tổ chức cho con trẻ “Vui hội trăng rằm” trong ngập tràn niềm vui và tình yêu thương.
Tin rằng, bất cứ bậc làm cha, làm mẹ nào và toàn thể xã hội, thấy những hình ảnh phản cảm, chất chứa dã tâm được bày trò, dàn dựng, đều đau lòng và phẫn nộ. Các em nhỏ ngây thơ đã bị một số chức sắc, linh mục sử dụng như những công cụ để phục vụ mưu đồ cổ súy cho những hành vi vi phạm pháp luật.
Tâm hồn trẻ em được ví như tờ giấy trắng. Chúng ta, những người lớn, viết hay vẽ lên đó hình ảnh, nội dung gì, thì tờ giấy đó sẽ là niềm vui, nỗi buồn, sẽ thành “tiên nữ hay phù thủy”. Đức Khổng Tử dạy rằng “nhân chi sơ tính bản thiện”. Sống trong môi trường giáo dục không lành mạnh, hay bị nhồi nhét những suy nghĩ lệch lạc, lớn lên ắt con người cũng sẽ đánh mất tính thiện.
Trong một số bài rao giảng của Giáo hội Công giáo cũng thể hiện: Đối với người KiTô hữu lương tâm là điểm sâu thẳm nhất của con người và là nơi Thiên Chúa hiện diện. Con người ngay từ lúc sinh ra đã được dạy dỗ, được huấn luyện để sống là một con người, để trở thành người tự do và có trách nhiệm với bản thân và xã hội. Dạy dỗ huấn luyện về học vấn, đức hạnh... để con người sống đúng phẩm giá của mình. "Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài", sống trong môi trường yêu thương ắt hẳn con người sẽ cảm nhận được tình yêu thương dành cho họ và tâm yêu thương của con người sẽ được khơi dậy và hành động đúng theo tiếng lương tâm chân thật là chính Đức KiTô.
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng dành muôn vàn tình yêu thương cho con trẻ “sữa để em thơ, lụa tặng già”. Người nói “Trẻ em như búp trên cành, biết ăn, biết ngủ biết học hành là ngoan”. Nhà nước Việt Nam từ khi thành lập cho đến nay cũng luôn quan tâm và dành những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em. Việt Nam là nước đầu tiên ở Châu Á và thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước về Quyền trẻ em vào ngày 20/2/1990. Đây là công ước quốc tế quy định các quyền dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa của trẻ em được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc phê chuẩn vào ngày 20 tháng 11 năm 1989 và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 2 tháng 9 năm 1990. Tại Điểm d, Khoản 1, Điều 29 của Công ước ghi rõ: “Các quốc gia thành viên thỏa thuận rằng việc giáo dục trẻ em phải được hướng tới: chuẩn bị cho trẻ em sống một cuộc sống có trách nhiệm trong xã hội tự do, theo tinh thần hiểu biết, hòa bình, khoan dung, bình đẳng nam nữ và hữu nghị giữa tất cả các dân tộc, các nhóm chủng tộc, dân tộc, tôn giáo và những người bản địa”.
Học sinh lớp 2A, Trường Tiểu học Nghi Phương vui Trung thu.
Lãnh đạo huyện Nghi Lộc và xã Nghi Phương tặng quà học sinh hoàn cảnh khó khăn Trường Tiểu học.
Ấy thế mà, tại một số giáo xứ thuộc Giáo phận Vinh, thay vì giáo dục con em vào đường hướng “tốt đời, đẹp đạo”, “Phúc âm trong lòng dân tộc”, “ Kính chúa yêu nước”. Một số chức sắc, chức việc lại lợi dụng những đứa trẻ ngây thơ đang ở độ tuổi “ăn, ngủ, học hành” để hiệp thông cho những điều dối trá, vu khống, xuyên tạc mà trước đó ông Nguyễn Thái Hợp đã lấy làm cái cớ ban hành “Thư chung” kích động giáo dân nhẹ dạ cả tin “dâng những hy sinh và có những hành động cụ thể” nhằm phục vụ cho mưu đồ riêng của chính ông ta. Quyền trẻ em là tất cả những gì trẻ em cần có để được sống và lớn lên một cách lành mạnh và an toàn. Trong đó:-Được chăm sóc, nuôi dưỡng, đáp ứng đầy đủ nhu cầu về vật chất và tinh thần ở mức cao nhất, là quyền của trẻ em trong Pháp Luật Việt Nam và là mục tiêu phấn đấu của gia đình, Nhà nước và xã hội. Hiến pháp 1992 khẳng định chế độ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em đồng thời đề cao trách nhiệm của gia đình, trách nhiệm của cha mẹ đối với con cái: “Cha mẹ có trách nhiệm nuôi dạy con thành những công dân tốt”(điều 64) “Trẻ em được gia đình, Nhà nước và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục”(điều 65). Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 tiếp tục cụ thể hoá những quy định trên: “Trẻ em có quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng để phát triển thể chất, trí tuệ, tinh thần và đạo đức”. Bộ luật Dân sự 2005 quy định cụ thể hoá quyền này như sau: Trẻ em được gia đình, Nhà nước và xã hội tôn trọng bảo vệ tính mạng, thân thể, nhân phẩm và danh dự. Bộ luật Hình sự năm 1999 chương XII đã quy định về các tội xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của con người trong đó đặc biệt quan tâm tới trẻ em.
Tâm hồn con trẻ giống như mầm cây cần chăm sóc uốn nắn, nếu uốn cong sẽ cong, uốn thẳng sẽ thẳng. Những bài học đầu tiên sẽ là hành trang các em đem theo suốt cuộc đời. Trong Kinh thánh có đề cập “những bậc làm cha mẹ, đừng làm cho con cái tức giận, nhưng hãy giáo dục chúng thay mặt Chúa bằng cách khuyên răn và sửa dạy”. Huấn từ của Đức Giáo hoàng Bê-nê-đích (Benedict) XVI đối với người Công giáo cũng răn rằng “Người Công giáo tốt cũng là người công dân tốt”. Liệu với cách “giáo dục” mà các chức sắc, linh mục, giáo dân một số giáo xứ ở Giáo phận Vinh đã và đang làm, liệu con em họ có trở thành người công dân tốt được không? Không lẽ “hành động cụ thể” mà ông Hợp nói tới trong “Thư chung” lại bao gồm cả việc các giáo dân phải “dâng hiến” tương lai của chính con em mình hay sao? Thử hỏi, với cách “gieo” vào suy nghĩ và “ấn” vào tay các cháu những lời nói dối trá, chất chứa hận thù, những khẩu hiệu chống đối như thế, một số “chủ chăn” có cảm thấy hổ thẹn?
Mỉa mai thay, không ai khác mà chính ông Nguyễn Thái Hợp vẫn luôn miệng leo lẻo trên các đài hải ngoại về cái gọi là “tôn trọng phẩm giá người dân”, “Tôn trọng quyền con người” và một số Linh mục như Đặng Hữu Nam - Quản xứ Bình Thuận đã nhiều lần lớn tiếng chỉ trích chính quyền vi phạm các công ước quốc tế, nhưng chính họ lại lợi dụng đêm Rằm Trung thu của con trẻ để biến thành lễ cầu nguyện cho “anh chị em đồng đạo đang bị bách hại bởi nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam tại Mỹ Yên”.
Xin thưa rằng, cho dù một số vị chức sắc, chức việc có nhân danh gì đi chăng nữa thì hành động lợi dụng trẻ em làm “công cụ” để phục vụ cho những mưu đồ chính trị của những kẻ luôn tự coi mình là “bề trên” là việc làm bất nhẫn, trái luân thường đạo lý, là tội ác khiến công luận phẫn nộ, lên án.
Với những hành vi vô nhân đạo trên, người đứng đầu Tòa Giám mục Xã Đoài và một số linh mục quản xứ trong Giáo phận Vinh đã vi phạm pháp luật Việt Nam, cụ thể, tại Điều 7, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em: Nghiêm cấm các hành vi sau “Lợi dụng, dụ dỗ, ép buộc trẻ em mua, bán, sử dụng văn hoá phẩm kích động bạo lực, đồi trụy; làm ra, sao chép, lưu hành, vận chuyển, tàng trữ văn hoá phẩm khiêu dâm trẻ em; sản xuất, kinh doanh đồ chơi, trò chơi có hại cho sự phát triển lành mạnh của trẻ em; hành hạ, ngược đãi, làm nhục, chiếm đoạt, bắt cóc, mua bán, đánh tráo trẻ em; lợi dụng trẻ em vì mục đích trục lợi; xúi giục trẻ em thù ghét cha mẹ, người giám hộ hoặc xâm phạm tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự của người khác; lạm dụng lao động trẻ em, sử dụng trẻ em làm công việc nặng nhọc, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với chất độc hại, làm những công việc khác trái với quy định của pháp luật về lao động”.
P.V