Lời giải cho bài toán vốn đối ứng các dự án ODA?
Nghệ An hiện đang triển khai nhiều chương trình, dự án ODA. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện gặp không ít khó khăn, vướng mắc do nguồn vốn đối ứng hạn chế, thậm chí từ đầu năm 2013 đến nay, nhiều dự án không được bố trí vốn đối ứng, đã ảnh hưởng đến tiến độ.
(Baonghean) - Nghệ An hiện đang triển khai nhiều chương trình, dự án ODA. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện gặp không ít khó khăn, vướng mắc do nguồn vốn đối ứng hạn chế, thậm chí từ đầu năm 2013 đến nay, nhiều dự án không được bố trí vốn đối ứng, đã ảnh hưởng đến tiến độ.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 41 chương trình, dự án ODA (bao gồm cả các dự án đang vận động) với tổng mức đầu tư 15.020 tỷ đồng, trong đó 26 dự án do tỉnh làm chủ quản và 15 dự án do các Bộ, ngành chủ quản. Các lĩnh vực được ODA ưu tiên đầu tư gồm xây dựng hạ tầng kỹ thuật ngành điện, giao thông, nông nghiệp, nông thôn, y tế, cấp thoát nước, thủy lợi, chương trình tín dụng chuyên ngành… Trước đây, do phần vốn đối ứng của địa phương được bố trí kịp thời, đầy đủ, nên phần lớn các dự án ODA luôn bảo đảm tiến độ. Những năm gần đây, do ngân sách của Trung ương và tỉnh hạn chế, vì vậy nguồn vốn đối ứng gặp rất nhiều khó khăn. Theo thống kê, trong tổng mức đầu tư thực hiện các chương trình, dự án, nguồn vốn ODA chiếm 78,9% (11.863/15.020 tỷ đồng) và phần vốn còn lại là tiền đối ứng của cơ quan chủ quản (nguồn vốn từ ngân sách tỉnh và Trung ương).
Như vậy, bên cạnh niềm vui được hưởng lợi của các chương trình, dự án ODA, cũng là một “gánh nặng” cho ngân sách của cơ quan chủ quản, nhất là đối với ngân sách tỉnh. Năm 2011, Nghệ An đã trích ngân sách 27 tỷ đồng làm vốn đối ứng để bố trí vốn cho 17 công trình. Năm 2012, ngoài vốn đối ứng của Trung ương 45 tỷ đồng, tỉnh 26,6 tỷ đồng, chủ đầu tư (UBND TP. Vinh) đã tự cân đối 55 tỷ đồng để triển khai dự án Phát triển đô thị vừa tại Việt Nam - Tiểu dự án TP. Vinh.
Do tính cấp bách của một số dự án, nên tháng 9/2012, có 6 dự án đã ứng trước kế hoạch vốn ngân sách Nhà nước năm 2013 để bố trí vốn đối ứng, với số tiền 176,15 tỷ đồng (bao gồm dự án Phát triển đô thị loại vừa tại Việt Nam - Tiểu dự án phát triển TP. Vinh 100 tỷ đồng; Đường giao thông từ Quốc lộ 48 đi bản Kẻ Nính xã Châu Hạnh đến xã Châu Hội - Quỳ Châu 5 tỷ đồng; Hệ thống thoát nước và xử lý nước thải Thị xã Thái Hòa 25 tỷ đồng; Hệ thống thoát nước và xử lý nước thải Thị xã Cửa Lò giai đoạn 2 là 20 tỷ đồng…). Nhờ vậy đã bảo đảm đúng tiến độ và một số dự án hoàn thành phát huy được hiệu quả đầu tư.
Tuy nhiên, do việc ứng trước nguồn vốn trên đã làm “thâm hụt” vốn đối ứng của năm 2013. Ông Nguyễn Văn Nam - Phó trưởng phòng Kinh tế đối ngoại - Sở Kế hoạch – Đầu tư cho biết: “ Năm 2013, tổng nhu cầu vốn cho tất cả dự án vốn ODA 2.305,966 triệu đồng và nguồn đối ứng 327,504 triệu đồng, trong đó vốn đối ứng ngân sách của Trung ương 220,550 triệu đồng và của địa phương gần 152 tỷ đồng. Trong khi nhu cầu vốn đối ứng của ODA khá lớn, nhưng khả năng cân đối của ngân sách tỉnh còn hạn chế, nên có sự chênh lệch khá lớn về tỷ lệ giữa nguồn ODA và đối ứng của địa phương. Thực tế này đã ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thực hiện của các dự án ODA”. Được biết, từ đầu năm 2013 đến nay Trung ương chỉ cân đối được 41,4 tỷ đồng, nguồn vốn đối ứng từ ngân sách địa phương chỉ có 8 tỷ đồng và kinh phí chuẩn bị đầu tư bố trí cho các dự án ODA năm 2013 là 3,6 tỷ đồng… ”.
Thi công cải tạo kênh Bắc (TP. Vinh) thuộc dự án Phát triển đô thị vừa tại Việt nam - Tiểu dự án TP. Vinh.
Với số tiền 8 tỷ đồng vốn đối ứng để thực hiện các dự án ODA năm 2013, được bố trí cho dự án trọng điểm: Năng lượng nông thôn - RE II 5 tỷ đồng và dự án cấp nước vùng phụ cận Vinh 3 tỷ đồng. Ông Nguyễn Hữu Thuận - Giám đốc Ban QLDA cấp nước vùng phụ cận Vinh cho biết: “Dự án có nguồn vốn đầu tư ODA Phần Lan 297,9 tỷ đồng và nguồn đối ứng từ ngân sách tỉnh hơn 89,5 tỷ đồng, kế hoạch nguồn vốn đối ứng năm 2013 gần 40 tỷ đồng, nhưng tỉnh chỉ bố trí có 3 tỷ đồng. Hiện nay đang giai đoạn thi công nước rút, nếu không có đủ nguồn vốn đối ứng, nhà tài trợ sẽ cắt nguồn vốn đầu tư, do đó doanh nghiệp đã phải bỏ vốn 20,6 tỷ đồng để tiếp tục triển khai dự án”. Dự án cấp nước vùng phụ cận Vinh có công suất 20.000 m3/ngày, phục vụ nhu cầu sử dụng nước sạch cho người dân của 13 xã, thị trấn vùng phụ cận TP. Vinh và KCN Nam Cấm.
Là chủ đầu tư dự án Phát triển đô thị vừa tại Việt Nam - Tiểu dự án TP. Vinh, thời gian qua UBND TP. Vinh đã nỗ lực triển khai dự án đúng tiến độ như đang xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu tái định cư ở xã Nghi Phú phục vụ cho 500 hộ dân, đồng thời triển khai gói thầu thi công hệ thống mương kênh Bắc. Hiện nhà thầu đang thực hiện nạo vét kênh, đóng cọc, dẫn dòng để thi công các hạng mục chính… với khối lượng đã thực hiện đạt 25 tỷ đồng. Ông Nguyễn Thạc Chính – Giám đốc BQL Tiểu dự án phát triển đô thị Vinh cho hay: “Theo quyết định phê duyệt dự án, tổng kinh phí đối ứng của toàn bộ dự án 624 tỷ đồng, riêng trong năm 2013, nhu cầu vốn đối ứng cho dự án 400 tỷ đồng, nhưng đến nay mới được ghi 40 tỷ đồng, trong đó ngân sách địa phương 35 tỷ đồng và đã giải ngân được 34% kế hoạch, ngân sách Trung ương hỗ trợ 5 tỷ đồng và đã giải ngân đạt 100% kế hoạch. Việc bố trí đủ vốn đối ứng kịp thời cho dự án rất cấp thiết, để triển khai thực hiện dự án đúng tiến độ cam kết với nhà tài trợ và giải ngân nguồn vốn ODA, nhưng hiện nay nguồn vốn đối ứng vẫn chưa được bổ sung”.
Tìm hiểu được biết, nguyên nhân giải ngân nguồn vốn đối ứng của cơ quan chủ quản đạt thấp do hiện nay việc khai thác quỹ đất trên địa bàn TP Vinh gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, theo lãnh đạo UBND TP. Vinh cho biết: “Đây là một trong những dự án trọng điểm của thành phố, trong năm nay sẽ cố gắng thu xếp đủ nguồn vốn đối ứng cho dự án là 35 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo yêu cầu của dự án, nguồn vốn đối ứng trong năm 2013 rất lớn, thành phố và tỉnh đã có tờ trình đề nghị Bộ Tài chính xem xét bố trí vốn đối ứng từ nguồn ngân sách của Trung ương cho Tiểu dự án phát triển đô thị Vinh”.
Sở Nông nghiệp & PTNT, một trong những ngành đã và đang thực hiện khá nhiều chương trình, dự án ODA, trong đó đầu tư xây dựng, phát triển hạ tầng kỹ thuật thủy lợi là lĩnh vực được ODA rất quan tâm, ưu tiên đầu tư. Chính vì vậy, trong thời gian qua, thông qua nguồn vốn này và sự đóng góp của các Bộ, ngành, địa phương đã đầu tư tu sửa, nâng cấp 150 công trình thủy lợi phục sản xuất, dân sinh, trong đó có nhiều công trình lớn như: Sửa chữa, nâng cấp hồ chứa nước Vực Mấu; Các cụm hồ đập ở Anh Sơn, Thanh Chương, Đô Lương, Tân Kỳ… Hệ thống kênh công trình hồ sông Sào; Hồ Bản Mồng; Cống Nam Đàn, Hồ Khe Lại - Vực Mấu; Hệ thống tiêu thoát lũ Vách Nam - Sông Bùng…
Hiện nay, trong lĩnh vực thủy lợi, cũng đang triển khai nhiều dự án lớn, trọng điểm, góp phần chống biến đổi khí hậu và nước biển dâng, như: Dự án sửa chữa, nâng cấp hệ thống thủy lợi Bắc với tổng mức đầu tư 5.300 tỷ đồng; Cống ngăn mặn sông Mơ 700 tỷ đồng; Hệ thống thủy lợi kênh Lam Trà 174 tỷ đồng; Thủy lợi Nậm Việc 150 tỷ đồng… Tuy nhiên, một vấn đề lớn hiện nay là đơn vị chủ quản rất khó khăn trong việc bố trí nguồn vốn đối ứng để triển khai dự án. Tại một trong những dự án trọng điểm của ngành thủy lợi, sửa chữa, nâng cấp hệ thống thủy lợi Bắc hiện nay cũng đang bế tắc về nguồn vốn đối ứng.
Được biết, tổng vốn đối ứng của dự án này do Trung ương bố trí 350 tỷ đồng và của ngân sách tỉnh 371 tỷ đồng. Trong năm 2013, BQL dự án đã lập kế hoạch đề nghị bố trí nguồn vốn đối ứng của tỉnh hơn 80 tỷ đồng để tiến hành GPMB, rà phá bom mìn… nhưng cho đến nay vẫn chưa được bố trí vốn. Hiện mới chỉ 3 tỷ đồng để chi trả cho hoạt động của dự án. Do chưa được bố trí nguồn vốn phục vụ GPMB, rà phá bom mìn… BQL dự án dự kiến nguồn vốn đối ứng sang kế hoạch năm 2014. Hay cũng tại một dự án thuộc lĩnh phát triển nông thôn là cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn vùng miền Trung, nguồn vốn đối ứng của tỉnh và người hưởng lợi để thực hiện dự án hơn 17 tỷ đồng, theo kế hoạch vốn đối ứng năm 2013 hơn 3 tỷ đồng, nhưng đến thời điểm này vẫn chưa được bố trí nguồn vốn.
Theo cơ chế tài chính, đầu tư thực hiện theo từng hạng mục công trình, nếu không có nguồn vốn đối ứng hoặc bố trí nguồn vốn không đúng cam kết, nhà tài trợ sẽ xem xét cắt, hoặc giảm nguồn vốn đầu tư. Thực tế tại dự án Cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn vùng miền Trung khi chưa được bố trí nguồn vốn đối ứng năm 2013, đã ảnh hưởng lớn tiến độ của dự án thí điểm cấp nước sạch Diễn Yên (Diễn Châu). Hiện nay, lĩnh vực đầu tư phát triển nông nghiệp nông thôn đang thực hiện nhiều dự án ODA, nhưng hiện vẫn chưa được bố trí vốn đối ứng.
Năm 2013 có nhiều dự án ODA không được bố trí vốn đối ứng để triển khai dự án, và để từng bước khắc phục tình trạng này, tỉnh đã vận động các chủ đầu tư mạnh dạn vay vốn ngân hàng để thực hiện dự án đúng tiến độ, tỉnh sẽ hỗ trợ phần lãi suất. Nhưng cách làm này vẫn không mang lại hiệu quả, vì một số ngân hàng từ chối, hoặc yêu cầu thực hiện những điều khoản rất khắt khe… Do tính chất đặc thù của các dự án ODA đều có cam kết bố trí vốn đối ứng trong cơ cấu nguồn vốn để triển khai dự án. Trong thời gian tới, trên địa bàn tỉnh sẽ triển khai nhiều dự án ODA, điều này sẽ gây ra việc “quá tải” của ngân sách tỉnh.
Trước thực tế đó, tỉnh ta sẽ dựa trên nguyên tắc hỗ trợ vốn đối ứng các dự án ODA do địa phương quản lý từ ngân sách Trung ương được giao trong kế hoạch ngân sách Nhà nước hàng năm . Hỗ trợ đối ứng ODA cho các dự án sử dụng nguồn vốn đầu tư phát triển được cân đối trong ngân sách Nhà nước, không bố trí vốn đối ứng cho dự án sử dụng kinh phí sự nghiệp và dự án cho vay lại. Theo đó, tỉnh sẽ căn cứ khả năng cân đối vốn đầu tư phát triển hàng năm, ưu tiên hỗ trợ đối ứng thuộc lĩnh vực xóa đói giảm nghèo, giao thông, phát triển nông nghiệp nông thôn, y tế, cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường…
Trong khi nhu cầu vốn đối ứng của ODA khá lớn, nhưng khả năng cân đối của ngân sách tỉnh còn hạn chế, đồng thời với việc sẽ “thắt chặt” đầu tư, chỉ ưu tiên nguồn vốn đối ứng cho những lĩnh vực cấp bách là giải pháp chỉ mang tính tình thế. Được biết, năm 2014 nhu cầu vốn đối ứng của các dự án ODA là 283 tỷ đồng (trong đó ngân sách Trung ương 155,5 tỷ đồng) và hàng năm nhu cầu vốn đối ứng sẽ tăng, vì vậy tỉnh cần tìm lời giải cho bài toán thiếu vốn đối ứng để các dự án ODA thực hiện đúng tiến độ, phát huy hiệu quả.
Bài, ảnh: Hoàng Vĩnh