Lời giải nào cho dự án sản xuất xi măng ở Anh Sơn?

13/06/2014 15:06

(Baonghean) - Thiết tưởng, Nhà máy xi măng 12-9 Anh Sơn sau khi được Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam “tiếp sức” thì có thể hoàn thành dự án với tổng công suất 600.000 tấn/năm bằng công nghệ sản xuất hiện đại. Thế nhưng, sau nhiều năm thực hiện dự án, hơn 800 tỷ đồng do chủ đầu tư đã bỏ ra đang “đắp chiếu”. Và cũng thật buồn với dự án Nhà máy xi măng Quân đội 19/5 sau nhiều năm sản xuất, nhưng sau khi tìm kiếm đối tác liên doanh để đổi mới công nghệ , nâng công suất lên 430.000 tấn/năm thì lâm vào tình trạng “sống dở, chết dở”...

Dây chuyền lò đứng của Nhà máy xi măng 12/9 Anh Sơn.
Dây chuyền lò đứng của Nhà máy xi măng 12/9 Anh Sơn.

Anh Nguyễn Trọng Quảng ở xóm 9, xã Hội Sơn kể lại: “Vào làm việc tại Nhà máy xi măng Quân đội 19/5 gần 20 năm rồi và trở thành một trong những công nhân có tay nghề cao ở dây chuyền sản xuất xi măng, nhưng nay công ty lâm vào tình trạng khó khăn, không hoạt động nữa, vậy là phải nghỉ việc và hiện đang chờ chốt sổ bảo hiểm. Hiện tôi đang được hưởng chế độ thất nghiệp tháng thứ 5 (mỗi tháng là 2.105 nghìn đồng) và chỉ còn 1 tháng nữa là hết chế độ hưởng trợ cấp thất nghiệp. Để kiếm sống và nuôi con ăn học, tôi đã quyết định mở ki ốt rửa xe máy, ô tô. Nguyện vọng là được tiếp tục đi làm việc để đóng bảo hiểm đến tuổi nghỉ chế độ”.

Nhà máy xi măng Quân đội 19/5, thời hoàng kim có đến 435 cán bộ, CNV và là một trong những đơn vị sản xuất xi măng có uy tín tại địa bàn Anh Sơn. Do công nghệ sản xuất xi măng lò đứng thiết bị lạc hậu, doanh nghiệp đã quyết định liên doanh đầu tư đổi mới dây chuyền sản xuất, công nghệ hiện đại (công suất 430.000 tấn/năm với tổng mức đầu tư 548 tỷ đồng) và đã được chủ đầu tư hoàn thiện công việc rà phá bom mìn, GPMB, ký kết hợp đồng EPC cung cấp thiết bị dây chuyền và thi công các công trình phụ trợ, gồm văn phòng làm việc, hệ thống cấp nước, hàng rào... Tuy nhiên, do thiếu tiềm lực kinh tế, lại đầu tư vào giai đoạn chính phủ thắt chặt đầu tư, nên dự án quan trọng này hiện nay đi vào “ngõ cụt” và hậu quả đã đẩy hàng trăm cán bộ, CNV bị thất nghiệp, doanh nghiệp nợ bảo hiểm hàng tỷ đồng... Hiện nay đơn vị chỉ còn duy trì đội khai thác đá VLXD hơn 30 lao động.

Tại Nhà máy xi măng 12/9 Anh Sơn, tình hình sản xuất, kinh doanh trên dây chuyền cũ (lò đứng) đầu tư từ năm 1996 - 1997 hiện cũng đang hoạt động theo kiểu “cầm cự” chờ đợi cơ hội hoàn thành dự án mới. Được biết, năm 2013, đơn vị sản xuất hơn 62.000 tấn xi măng và trong 5 tháng đầu năm 2014, sản xuất gần 30.000 tấn, trong đó có 25.000 tấn xi măng phục vụ cho chương trình nông thôn mới. Tuy không có thu nhập cao, việc làm chưa thật sự ổn định, nhưng dù sao cán bộ, CNV nhà máy 12/9 vẫn còn may mắn hơn rất nhiều so với đơn vị sản xuất xi măng 19/5.

Được biết, từ năm 2005, Nhà máy xi măng 12/9 Anh Sơn quyết định chuyển hướng đầu tư, tìm kiếm đối tác liên doanh để thay đổi công nghệ sản xuất hiện đại, nâng cao năng lực sản xuất, nhưng trong quá trình thực hiện, thì đơn vị này đã phải trải qua rất nhiều khó khăn với những bản hợp đồng dở dang... Từ cuối năm 2006 đến giữa năm 2007, doanh nghiệp đã hoàn thành hồ sơ đàm phán vay vốn đầu tư của Công ty TNHH cơ khí Triều Công (Triều Dương - Trung Quốc) để nâng công suất từ 88.000 tấn lên 600.000 tấn/năm, nhưng không thành hiện thực vì không giải quyết được phần vốn đối ứng.

Sau hơn 2 năm bị gián đoạn bởi không tìm kiếm được đối tác liên doanh, thì đến cuối năm 2009, Nhà máy xi măng 12/9 Anh Sơn đã khởi công xây dựng dự án mới do sát nhập thành đơn vị thành viên của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam và rất nhanh, dự án nâng cấp công suất lên 600.000 tấn/năm được triển khai với tổng mức đầu tư hơn 810 tỷ đồng. Ông Nguyễn Xuân Hùng - Phó Giám đốc Công CP xi măng Dầu khí cho biết: “Đến thời điểm hiện nay, chủ đầu tư đã đầu tư vào dự án này hơn 800 tỷ đồng và hiện 97% thiết bị máy móc đã nhập về và đã thực hiện xong 95% khối lượng xây dựng nhà máy, đặc biệt, công ty đã tiến hành lắp đặt xong lò quay, máy nghiền, máy đập, trạm đóng bao, hệ thống lọc bụi tĩnh điện... Kể từ khi tạm dừng lắp đặt thiết bị (tháng 6/2013), đến nay công việc này chưa được khởi động lại và toàn bộ dự án đang bị ngưng trệ vì thiếu vốn đầu tư và nếu giải quyết được vấn đề này thì chỉ cần tiếp tục hoàn thành các hạng mục công trình, cân chỉnh thiết bị... là có thể đi vào vận hành”.

Khởi công xây dựng từ 26/11/2009 và theo kế hoạch thì vào tháng 12/2011, dự án nâng cấp Nhà máy xi măng Dầu khí sẽ hoàn thành và đi vào sản xuất, nhưng thời điểm đầu tư đúng giai đoạn kinh tế gặp rất nhiều khó khăn do thực hiện chính sách thắt chặt đầu tư, lãi suất vay cao và nhất là các tập đoàn, tổng công ty phải thoái vốn tại các dự án, lĩnh vực đầu tư ngoài ngành... nên dự án này gặp rất nhiều khó khăn về vốn và đã bị gián đoạn đầu tư. Nguồn vốn dự kiến là 810 tỷ đồng, nhưng do lãi suất vay cao, tỷ giá biến động (nhập thiết bị máy móc) và lương công nhân tăng cao... đã làm tăng vốn đầu tư của dự án. Theo thẩm định lại nguồn vốn đầu tư để hoàn thành dự án này là vào khoảng 1.300 tỷ đồng và hiện nay, chủ đầu tư đã bỏ vào đây hơn 800 tỷ đồng, nhưng đến giai đoạn “nước rút” lại không hoàn thành dự án (do Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam đã thoái vốn).

Cũng theo ông Nguyễn Xuân Hùng - Phó Giám đốc Công CP xi măng Dầu khí cho biết: “Để tiếp tục triển khai dự án, công ty cần tăng thêm vốn điều lệ và đáp ứng một số điều kiện của ngành Ngân hàng, thì sẽ được vay vốn triển khai dự án. Tuy nhiên, trong thời điểm khó khăn hiện nay rất khó đáp ứng được các điều kiện đó”. Dự án nâng cấp Nhà máy xi măng Dầu khí hiện đang lâm vào tình trạng “tiến thoái lưỡng nan” và đã ngừng triển khai gần 1 năm nay. Bởi đây là một trong những dự án đầu tư xi măng quan trọng tại địa bàn Nghệ An, nếu không tiếp tục triển khai thì không những gây lãng phí lớn về nguồn vốn, mà còn ảnh hưởng đến môi trường thu hút đầu tư ở tỉnh ta, nên thời gian qua, UBND tỉnh đã kiến nghị Chính phủ quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho dự án hoạt động, cùng với đó tỉnh có các buổi làm việc với các bộ, ngành liên quan và nhất là với Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam để bàn bạc, tìm các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho dự án này, theo đó mong muốn của tỉnh là Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam tiếp tục đầu tư hoàn thiện dự án xi măng 12/9 Anh Sơn.

Đạt tổng sản lượng hơn 1 triệu tấn xi măng/năm thông qua 2 dự án sản xuất xi măng lớn trên địa bàn để tạo đòn bẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện Anh Sơn, nhưng sau một thời gian thực hiện thì cho đến nay vẫn chưa thể trở thành hiện thực. Việc hai dự án xi măng lớn trên địa bàn Anh Sơn lâm vào cảnh khó khăn, hàng ngàn công nhân lao động của 2 nhà máy đang đứng trước nguy cơ thất nghiệp khi doanh nghiệp tuyên bố phá sản. Nhà máy ngừng hoạt động cũng khiến địa phương mất đi một nguồn thu không nhỏ cho ngân sách. Đây là vấn đề mà chủ đầu tư cũng như địa phương cần tích cực tìm các biện pháp để tháo gỡ khó khăn để đưa dự án sớm đi vào hoạt động.

Cẩm Đông Phái

Lời giải nào cho dự án sản xuất xi măng ở Anh Sơn?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO