Lời giải nợ bảo hiểm của doanh nghiệp?

22/10/2014 08:39

(Baonghean) - BHXH Việt Nam đã công bố: Đến hết tháng 8/2014, cả nước có 47.305 đơn vị, với hơn 674.000 lao động còn nợ BHXH, BHYT, BHTN của người lao động trên 11,5 nghìn tỷ đồng. Trong số này có hơn 800 doanh nghiệp đã giải thể, có nghĩa là khoản nợ này khả năng thu hồi rất thấp. Tại Nghệ An, chưa kể số nợ từ 1 đến 2 tháng, đến hết tháng 9/2014, toàn tỉnh có 357 đơn vị nợ BHXH từ 3 tháng đến 82 tháng, với dư nợ 98.992.688.556 đồng.

Phân tích thực trạng doanh nghiệp nợ BHXH, BHYT, BHTN của các doanh nghiệp (chủ yếu là các doanh nghiệp ngoài quốc doanh), các chuyên gia cho rằng, các đơn vị nợ bảo hiểm có 3 loại: Thứ nhất, do chế tài xử phạt của chúng ta còn quá nhẹ, mức lãi thu là 10,3%/năm, thấp hơn nhiều so với vay ngân hàng, nên nhiều doanh nghiệp có điều kiện đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động đã tận dụng nguồn này đưa vào kinh doanh, sẵn sàng chịu phạt; loại thứ hai: do sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn nên không có khả năng đóng bảo hiểm và loại thứ ba, có doanh nghiệp đã thu của người lao động nhưng không đóng vì quyền lợi riêng của mình. Trong khi đó, cơ quan BHXH các cấp chỉ có chức năng kiểm tra, đôn đốc, chứ không được xử lý.

Vì vậy, khi phát hiện các đơn vị sử dụng lao động vi phạm luật về BHXH, BHYT, BHTN cũng chỉ có quyền khiếu nại tới cơ quan chức năng. Tuy nhiên, cơ quan chức năng cụ thể là Tòa án các cấp thì khá lúng túng trong xét xử, vì đây là một loại án mới. Xét xử xong, cơ quan thi hành án cũng lại lúng túng trong thu hồi, nên hiệu quả kinh tế thu về từ các vụ xét xử về nợ đọng BHXH ở Nghệ An rất thấp, chỉ đạt chưa đầy 30%. Hệ lụy từ nợ các loại bảo hiểm trên của các doanh nghiệp đối với người lao động hết sức nặng nề. Đồng thời trong bối cảnh Đảng và Nhà nước đang khuyến khích mở rộng phạm vi, đối tượng tham gia BHXH, có nhiều khuyến khích đóng BHXH tự nguyện, thì tình trạng nợ bảo hiểm của doanh nghiệp cũng khiến nhiều người có tâm lý dè chừng.

Vì vậy, nên chăng cần bổ sung hành vi cố tình dây dưa nợ bảo hiểm đối với chủ doanh nghiệp cấu thành tội phạm hình sự. Cần giao chức năng thanh tra việc đóng bảo hiểm cho ngành BHXH. Công tác thanh tra, kiểm tra việc ký kết hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm phải được tiến hành thường xuyên. Chế tài xử phạt phải cao hơn, ngoài xử phạt hành chính, tiền nợ phải được tính lãi suất cao hơn lãi suất vay ngân hàng cùng thời điểm để đủ sức răn đe. Hệ thống chính trị, trong đó nòng cốt là công đoàn các cấp phải có chương trình hành động cụ thể, thiết thức, hiệu quả, phối hợp với cơ quan BHXH làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền phổ biến về Luật Lao động, Luật BHXH nhằm giúp người lao động hiểu rõ về quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ trong việc thực hiện luật. Người lao động phải thường xuyên theo dõi, kiểm tra việc đóng BHXH, BHYT, BHTN của các doanh nghiệp, kịp thời phát hiện sai phạm của doanh nghiệp báo cho cơ quan chức năng.

Nguyễn Khắc Thuần

(Thành phố Vinh)

Lời giải nợ bảo hiểm của doanh nghiệp?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO