Lợi ích từ công nghệ sản xuất than sạch
(Baonghean) - Dự án Nhà máy sản xuất than củi sạch xuất khẩu do Công ty CP Nhiên liệu sạch làm chủ đầu tư tại xã Khai Sơn, huyện Anh Sơn được UBND tỉnh phê duyệt chấp thuận chủ trương đầu tư và cho phép khảo sát, lập quy hoạch xây dựng tại Quyết định số 2641/QĐ.UBND-XD ngày 12/6/2014.
Dây chuyền sản xuất than sạch từ củi và mùn cưa. Ảnh minh họa |
Theo đó, nhà máy sẽ được xây dựng tại KCN Tri Lễ, xã Khai Sơn (Anh Sơn), với công suất 240.000 tấn củi sạch/năm, tổng mức đầu tư trên 129 tỷ đồng, dự án triển khai trên diện tích tích 15 ha, với tính chất “đa tác dụng, đa mục tiêu” về kinh tế và bảo vệ môi trường. Đầu vào nguyên liệu của nhà máy gồm củi, mùn cưa, dăm bào, dăm gỗ, gỗ vụn, cành cây nhỏ và tất cả các gỗ phế thải từ xưởng mộc và nhà máy gỗ công nghiệp... nên sẽ sử dụng tối đa thể tích thân cây, hơn nữa sẽ làm môi trường sạch, gọn gàng hơn, tăng diện tích để trồng rừng.
Theo báo cáo khoa học về vấn đề năng lượng toàn cầu, hiện nay, nhu cầu sử dụng nhiên liệu cho mục đích sưởi ấm và làm nhiên liệu cho máy phát điện trên thế giới ngày càng gia tăng, đặc biệt là ở các nước có khí hậu lạnh. Thực tế hiện nay, giá dầu tăng cao, nguồn nhiên liệu hóa thạch như than không đáp ứng được nhu cầu, nên đòi hỏi phải có nguồn nguyên liệu mới thay thế. Tính toán cho thấy, củi sạch ra đời đã thể hiện được những ưu điểm vượt trội: Nếu so với than đá, nhiệt củi sạch đạt 70%, nhưng giá thành chỉ bằng 45%; còn so với dầu DO nhiệt viên gỗ đạt 48%, nhưng giá thành chưa bằng 30%. Hiện nay, trên địa bàn cả nước, nguồn gỗ phế liệu chưa được sử dụng đúng, phù hợp với tiềm năng, giá trị về mặt kinh tế và khía cạnh môi trường.
Tại một số cơ sở chế biến khép kín từ khâu xẻ gỗ đến sản xuất sản phẩm gỗ cuối cùng, lượng gỗ phế thải đã được tận dụng làm nhiên liệu cho việc đốt lò hơi, hoặc tạo khói lò, sinh nhiệt cho công đoạn sấy. Cách sử dụng này có ý nghĩa nhất định về mặt kinh tế, giảm giá thành sấy gỗ, giá thành sản phẩm, cũng đã hạn chế rác thải gây ô nhiễm môi trường, nhưng chưa phải là giải pháp tối ưu. Nhà máy than củi sạch Anh Sơn là giải pháp tốt đối với môi trường. Mới đây, trong kết luận tháo gỡ vướng mắc khó khăn cho dự án, đồng chí Huỳnh Thanh Điền - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã nêu rõ: “UBND tỉnh xác định đây là dự án công nghiệp quan trọng của tỉnh, có tác động lớn cho việc phát triển KT - XH miền Tây Nghệ An. Vì vậy phải tập trung đẩy nhanh tiến độ bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư triển khai xây dựng, sớm đưa nhà máy đi vào hoạt động, khai thác phát huy hiệu quả.”
Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, huyện Anh Sơn đã vào cuộc quyết liệt thành lập Hội đồng đền bù GPMB, Ông Nguyễn Hữu Sáng, Phó Chủ tịch UBND huyện Anh Sơn cho biết: Huyện xác định đây là dự án quan trọng không chỉ đối với huyện Anh Sơn mà cả vùng miền Tây, nên đã đẩy mạnh tuyên truyền để nhân dân hiểu rõ về mục đích, ý nghĩa của dự án. Từ đó tạo sự đồng thuận, thống nhất cao. Xóm 5, xã Khai Sơn có đến gần 100 hộ dân trong diện thu hồi đất, cũng nhờ công tác tuyên truyền, vận động, giải thích cụ thể nên các hộ đã đồng tình chấp thuận phương án, bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư triển khai dự án.
Hữu Nghĩa