Lợi nhuận khủng, bảo hiểm nhân thọ bồi thường 'nhỏ giọt'
Tỷ lệ bồi thường/tổng doanh thu phí bảo hiểm gốc của các công ty bảo hiểm trong năm qua có sự chênh lệch khá lớn.
Theo báo cáo tài chính năm 2022 của loạt doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, tỷ lệ bồi thường/tổng doanh thu phí bảo hiểm gốc có sự chênh lệch khá lớn.
Sun Life Việt Nam là doanh nghiệp có tỷ lệ bồi thường thấp nhất. Tỷ lệ bồi thường và trả tiền bảo hiểm đạt 30% tổng doanh thu.
Fubon Việt Nam dẫn đầu thị trường về tỷ lệ bồi thường và trả tiền bảo hiểm, đạt mức 71%.
Tỷ lệ bồi thường giữa các doanh nghiệp bảo hiểm có sự chênh lệch lớn. |
Doanh thu phí bảo hiểm gốc của doanh nghiệp này chỉ đạt 130 tỷ đồng, trong khi phải chi tới 93 tỷ đồng để bồi thường và trả tiền bảo hiểm cho khách hàng.
Đứng sau Fubon Việt Nam về tỷ lệ bồi thường lần lượt gồm: Cathay Life (64%), AIA (61%), Hanwha Life (58%), Manulife (57%), BIDV Metlife (56%), Prudential (56%), Chubb Life (55%), Dai-ichi Life (47%), Generali (36%), và Sun Life (30%).
Xét về doanh thu phí bảo hiểm gốc, Prudential Việt Nam dẫn đầu với 31.179 tỷ đồng. Đứng thứ hai là Manulife Việt Nam đạt 26.803 tỷ đồng. Tiếp đến là Dai-ichi Life 21.800 tỷ đồng và AIA 18.600 tỷ đồng.
Trong khi, Sun Life và Generali chỉ đạt hơn 5.000 tỷ đồng.
Như VietNamNet đã phản ánh trước đó, doanh thu tài chính (lãi tiền gửi ngân hàng, cổ tức, trái tức,…) chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu doanh thu của các công ty bảo hiểm.
Tỷ lệ bồi thường năm 2022 của các doanh nghiệp bảo hiểm. Biểu đồ Vietnamnet |
Manulife và Prudential là 2 doanh nghiệp dẫn đầu về doanh thu tài chính trong năm 2022, lần lượt đạt 4.820 tỷ đồng và 4.025 tỷ đồng.
AIA, Dai-ichi Life và Cathay Life cũng gia nhập CLB doanh thu tài chính nghìn tỷ. Trong đó, AIA và Dai-ichi Life đạt 2.480 tỷ đồng, và Cathay Life đạt 1.500 tỷ đồng.
Bảo Việt Nhân thọ và MB Ageas Life chưa công bố báo cáo tài chính.
Thị trường đang có 19 doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm nhân thọ.
Theo Tổng cục Thống kê, doanh thu phí lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ ước đạt 39.588 tỷ đồng trong quý I, tăng nhẹ 3,1% so với cùng kỳ. Mức tăng này được cho là thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây, trong bối cảnh thị trường bảo hiểm đang gặp khủng hoảng niềm tin.
Trước thực trạng “bát nháo” của thị trường bảo hiểm, Bộ Tài chính đã thành lập đường dây nóng 24/7 để tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh về bảo hiểm.
Doanh thu phí bảo hiểm gốc của các doanh nghiệp bảo hiểm. Biểu đồ Vietnamnet |
Đến hết tháng 3, cơ quan này đã tiếp nhận 175 kiến nghị, phản ánh qua số điện thoại và 218 kiến nghị, phản ánh qua hộp thư điện tử.
Ngày 10/4 vừa qua, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm có công văn yêu tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng đại lý bảo hiểm, đánh giá chất lượng tư vấn, giới thiệu, chào bán sản phẩm bảo hiểm của đại lý bảo hiểm.
Đồng thời, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ phải nghiêm túc xử lý trách nhiệm của đại lý bảo hiểm trong trường hợp vi phạm quy định của pháp luật trong việc thực hiện hoạt động theo ủy quyền của doanh nghiệp bảo hiểm.