"Lời ru buồn" trên bản vắng

26/04/2015 09:39

(Baonghean) - Đêm nằm trong nhà Trưởng bản Lầu Nhìa Xồng, bản Nậm Khiên (Nậm Càn, Kỳ Sơn), nghe vọng lại tiếng ru con rầu rĩ của thiếu phụ người Mông. Giọng ru còn trẻ lắm, nhưng sao nghe thê thiết, nó trĩu nặng trong lòng chúng tôi cái cảm giác rã rời, hờn tủi.

Thấy tôi tò mò, Trưởng bản Lầu Nhìa Xồng quay sang nói: “Vợ thằng Lầu Bá Dìa đấy. Khổ, gia đình nghèo, vợ chồng còn trẻ mà không biết cách làm ăn và chăm sóc con cái gì cả”. Chúng tôi hỏi ông, có phải rằng, đây cũng là một cặp vợ chồng tảo hôn như nhiều cặp vợ chồng khác nơi miền núi cao này? Ông gật đầu xác nhận. Ông hỏi chúng tôi có muốn sang nhà Dìa không, sang mà xem cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ đã có tới 3 mặt con. Nói rồi, ông đứng dậy và chúng tôi cùng theo chân ông.

Nhà Lầu Bá Dìa là một ngôi nhà lụp xụp được quây bằng những tấm ván đơn sơ. Vật dụng quý giá nhất trong gia đình có lẽ là chiếc ti vi cũ. Thấy chúng tôi vào, Lầu Bá Dìa đưa một hũ rượu ra mời. Dìa có dáng người nhỏ bé, gương mặt hiện lên sự khắc khổ. Khi chúng tôi hỏi về chuyện gia đình, Dìa có vẻ ái ngại. Dường như anh không muốn nhắc đến cái sự nông nổi của đời mình. Thế nhưng khi chúng tôi có chén rượu đưa đẩy thân tình, anh đã trút bầu tâm sự, như thế anh chờ lắm một sự giãi bày. Theo câu chuyện ấy, chúng tôi biết được Lầu Bá Dìa sinh năm 1988 và cưới vợ đã được 10 năm. Vợ anh là Hạ Y Mỹ, người xã Tây Sơn, kém anh 1 tuổi. Hai người quen nhau, trong một lần đi ném pò po ngày Tết. Tình cảm đến nhanh chóng, chỉ sau mấy ngày quen nhau là đôi bạn đã tính chuyện tổ chức đám cưới. Lúc lấy nhau chưa kịp nghĩ đến việc mình phải sống như thế nào, chỉ biết thích thì về sống cùng nhau thế thôi. Là vợ chồng rồi, mới thấy trước mắt có bao cái lo toan. Gia đình 2 bên đều khó khăn, sự trợ giúp gần như không có. Chật vật với nương rẫy suốt cả ngày mà vẫn không sao thoát được cuộc sống nghèo khổ.

Gia đình em Hạ Y Mỹ
Gia đình em Hạ Y Mỹ

26 tuổi, Hạ Y Mỹ đã làm mẹ 3 đứa con, lớn nhất học lớp 2, nhỏ nhất mới hơn 1 tuổi. Cuộc sống đã vất vả thế, con cái lại thường xuyên ốm đau. Nhiều ngày con ốm sốt, hai vợ chồng chỉ biết ngồi nhìn nhau rồi gọi bố mẹ đến chăm sóc hộ. Ngồi ôm con nơi góc nhà, thỉnh thoảng Y Mỹ quay sang góp vào câu chuyện với chúng tôi: “Nhiều lúc chán lắm các anh ạ, thấy mình nghèo khổ như vậy nhưng không biết làm gì để ăn. Biết thế, đừng lấy chồng sớm”. Lời của Y Mỹ nghe như đầy nước mắt. Đứa trẻ thỉnh thoảng lại cất lên tiếng khóc ngằn ngặt khiến người mẹ lại phải vỗ vỗ, hát ru. Gương mặt Y Mỹ, cũng như chồng mình, in hằn những lo toan, vất vả. Bằng tuổi Y Mỹ, nhiều bạn còn chưa lấy chồng, vậy mà em đã có tới 3 con.

Sáng sớm, chúng tôi rời nhà Trưởng bản Lầu Nhìa Xồng, ngược lên bản Liên Sơn. Tại bản này, chúng tôi gặp gia đình Và Y Chi. Đây cũng là gia đình của một cặp vợ chồng còn rất trẻ. Và Y Chi, cô gái Mông, vào cái Tết năm 2008, đang học lớp 7, Trường THCS xã Nậm Càn. Tết ấy, em theo bạn bè đi ném pò po và gặp chàng trai Mùa Bá Súa ở xã Lượng Minh (Tương Dương). Có cảm tình với nhau, Y Chi đồng ý cho Súa “bắt” mình về làm vợ . Khi ấy, Y Chi mới 13 tuổi. Gặp chúng tôi, Y Chi buồn bã khi nhớ lại quãng đời học sinh của mình. Em bảo: “Ngày đó, khi để cho Bá Súa bắt mình về làm vợ, em đã bảo với anh ấy rằng, cưới xong em vẫn đến trường đi học như các bạn và được chồng đồng ý. Nhưng rồi, khi cưới nhau xong được 2 ngày, em đến trường, mọi người nhìn em với ánh mắt khác lạ. Vừa xấu hổ, công việc nhà chồng bề bộn nên em đành bỏ học theo chồng lên rẫy. Việc chăm sóc bản thân nhiều khi em còn chẳng lo nổi nói gì đến việc chăm sóc cho cả gia đình nhà chồng”. Nhìn bà mẹ trẻ ngồi ôm con nũng nịu thấy đáng thương hơn đáng trách. Ông Và Giống Chùa - cha của Y Chi kể thêm với chúng tôi: “Khi hai đứa đưa nhau về đòi cưới, gia đình tôi đã khuyên bảo, nó cứ dọa nếu không cho cưới nhau sẽ ăn lá ngón tự tử. Làm cha, làm mẹ ai nỡ ngồi nhìn con như vậy, đành chiều theo nó thôi, các chú ạ”.

Chúng tôi hỏi về các thủ tục để đăng ký kết hôn và các quy định của Nhà nước về hôn nhân gia đình, Y Chi bảo: “Ngày đó, chúng em không đi đăng ký vì chưa đủ tuổi, phải đợi đến khi hai vợ chồng đủ tuổi mới dám đến Ủy ban xã làm thủ tục. Em cũng biết mình làm như vậy là vi phạm luật nhưng ở trên này là như vậy, khi đã thích nhau và về làm vợ theo phong tục người Mông rồi thì chẳng thể nào làm lại được nữa”. Cũng may, sau này chồng Y Chi đi học được nghề sửa chữa điện tử nên cuộc sống cũng đỡ phần nào vất vả. Cuộc sống ngày ngày đầu tắt mặt tối trên nương rẫy đối với em là một gánh nặng quá lớn. Em bảo, bạn bè em giờ đứa nào cũng đi học có ngành nghề cả, chẳng phải lo gì đến gia đình, con cái. Ánh mắt em nhìn xa xăm trên núi rừng heo hút như để nhớ lại một quá khứ của tuổi học trò không bao giờ có thể quay về nữa.

Các em tham gia ném pò po để “bắt vợ” khi tuổi đời còn rất trẻ.
Các em tham gia ném pò po để “bắt vợ” khi tuổi đời còn rất trẻ.

Chúng tôi tiếp tục vào tới bản Thăm Hín theo lời chỉ dẫn của người dân, nơi có em Và Bá Trừ vừa mới tổ chức xong đám cưới. Gặp lúc vợ chồng Trừ chuẩn bị dụng cụ lên rẫy. Trước Tết, Trừ còn là học sinh lớp 10, Trường THPT DTNT Kỳ Sơn, sau những lần gặp gỡ Xồng Y Nhìa ở bản Na Cáng (xã Na Ngoi), tình cảm bồng bột của tuổi học trò đã “thắng” những ước mơ trên con đường học tập. Hai em nên vợ nên chồng lúc mới hơn 15 tuổi trong sự lo lắng của hai bên gia đình và sự thắc mắc của bạn bè đồng trang lứa. Có lẽ bây giờ, mới cưới nhau xong, đang ở với bố mẹ nên đôi vợ chồng trẻ này chưa thể nào hiểu được những lo toan trước mắt của cuộc sống gia đình. Tôi hỏi Trừ: “Sao em không đi học tiếp mà lại bỏ về nhà lấy vợ, mà tuổi đang trẻ như thế này, mọi người không nói gì à?”. Em hồn nhiên: “Đằng nào cũng lấy mà anh, nếu mình không bắt nó về làm vợ để đứa khác nó bắt đi mất. Ai cũng bảo em không nên lấy vợ lúc này, nhưng có sao đâu, em lấy vợ rồi vẫn bình thường đấy thôi…”.

Hỏi thầy Lô Khăm Phu – Hiệu trưởng Trường THCS Nậm Càn, thay cho hay: “Việc học sinh lấy vợ, lấy chồng sớm hiện nay đã được hạn chế rất nhiều, song không phải là không có. Nhà trường đã ra sức giáo dục, tập trung rèn luyện kỹ năng sống cho các em. Nhưng cứ đến dịp ra Tết, lại có học sinh nữ bỏ học theo chồng”.

Chia tay với bà con xã Nậm Càn, bỏ lại sau lưng lời ru buồn mênh mang của những người cha, người mẹ trẻ đang ở tuổi niên thiếu, chúng tôi mang theo một nỗi ám ảnh day dứt khôn nguôi. Liệu đến bao giờ, phía sau những bản làng vắng lặng kia mới hết những lời ru buồn?!

Đào Thọ

Mới nhất
x
"Lời ru buồn" trên bản vắng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO