Lợi thế mới cho cây mía ở Anh Sơn
(Baonghean) - Với mục tiêu chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả gắn quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa tập trung với tiêu thụ sản phẩm, huyện Anh Sơn triển khai đưa cây mía nguyên liệu trồng trên đất bãi ven Sông Lam.
Vụ xuân 2016, xã Hùng Sơn phối hợp Nhà máy đường Sông Lam chuyển đổi 30 ha đất trồng ngô, màu và trồng chè kém hiệu quả sang trồng mía. Thực tế cho thấy: Nếu canh tác ngô cho hiệu quả đạt trên 5 triệu đồng/ha, lạc đạt 25 triệu đồng/ha, trong khi trồng mía đạt 39 triệu đồng/ha.
Hiện trên địa bàn xã có 150 ha đất bãi đang trồng các cây khác như ngô, lạc, bầu bí hiệu quả thấp, bà con nông dân không mặn mà nên xã đã triển khai chuyển sang trồng mía.
l Người dân xới đất làm cỏ mía bằng máy tại Thung Bừng thôn Hạ Du thuộc xã Cẩm Sơn (Anh Sơn). |
Tại xã Đỉnh Sơn, trước đây diện tích trồng mía quy hoạch trên địa bàn xã không nhiều, khoảng 30 - 50 ha/năm trên đất màu. Ông Nguyễn Văn Hiếu - Chủ tịch UBND xã Đỉnh Sơn, cho biết:
Xã hiện có quỹ đất bãi rộng khoảng 300 ha, lâu nay tâm lý người dân chưa yên tâm nên không đầu tư cây trồng trên vùng bãi. Tuy nhiên, nhận thấy việc trồng mía nguyên liệu hiện rất thuận lợi.
Ở Anh Sơn, cây mía được xem là cây nguyên liệu chủ lực trong xóa đói, giảm nghèo và làm giàu bền vững cho bà con. Hiện vùng nguyên liệu của Nhà máy đường Sông Lam đã quy hoạch đạt 1.200 ha mía đứng, tập trung chủ yếu ở 11 xã trên địa bàn huyện và một số xã thuộc huyện Con Cuông, Thanh Chương.
Để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh doanh và hội nhập của ngành mía đường, nhà máy được tỉnh chấp thuận chủ trương cho nâng công suất từ 1.000 tấn mía cây/ngày lên 1.500 tấn mía cây/ngày bắt đầu từ vụ ép 2014 - 2015.
Ngoài ra, Nhà máy còn được lập bổ sung quy hoạch vùng mía nguyên liệu tại các huyện Anh Sơn, Con Cuông, Thanh Chương, Tương Dương. Riêng tại huyện Anh Sơn, quy hoạch chi tiết vùng mía nguyên liệu được cụ thể hóa xuống tận các xã. Điều này cho thấy tính cấp thiết của việc mở rộng vùng mía nguyên liệu tại vùng nguyên liệu mía của Nhà máy đường Sông Lam nói chung và huyện Anh Sơn nói riêng.
Chủ trương mở rộng và nâng cao hiệu quả vùng mía nguyên liệu là hướng đi phù hợp với quy hoạch, mở ra cơ hội làm giàu chính đáng cho người trồng mía. Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Văn Hòa - Giám đốc Nông nghiệp - Công ty CP Mía đường Sông Lam, cho biết: Xác định vùng nguyên liệu là sự sống còn của nhà máy, vụ xuân 2016, nhà máy đầu tư xây dựng vùng mía chất lượng cao ứng dụng công nghệ trồng mía ở Thung Bừng (Cẩm Sơn), Hùng Sơn, công ty đã và đang quy hoạch mở rộng vùng trồng mía theo mô hình cánh đồng mẫu mía ở xã Hoa Sơn, Đỉnh Sơn (Anh Sơn), xã Môn Sơn, Lạng Khê (Con Cuông).
Nông dân xóm 15, xã Bình Sơn thu hoạch mía nguyên liệu. |
Với mục tiêu đến năm 2020, Công ty CP Mía đường Sông Lam phấn đấu đạt 3.000 ha mía đứng, trong đó có từ 60- 70% diện tích mía được trồng theo mô hình cánh đồng mẫu lớn, có ứng dụng tiến bộ công nghệ kỹ thuật mới vào trong sản xuất, đảm bảo các khâu từ làm đất, trồng mía đến thu hoạch đều bằng máy công nghiệp, chính sách mở rộng và đầu tư cho cây mía nguyên liệu trên đất bãi sông Lam hiện nay, góp phần tạo sức bật mới cho vùng mía lâu nay còn ở trạng thái chưa khai thác hết tiềm năng.
Lương Mai