Lỏng lẻo trong quản lý đất đai và cấp bìa đỏ

01/12/2011 15:30

(Baonghean) - Ngày 26/11, Công an Thành phố Vinh đã tạm giữ Võ Đình Tùng, nguyên cán bộ phòng Quản lý đô thị Thành phố Vinh; Nguyễn Viết Triều, cán bộ địa chính xã Hưng Đông và Nguyễn Đình Hải, nguyên là cán bộ địa chính Thị xã Cửa Lò về việc làm hồ sơ giả để cấp bìa đất trên địa bàn Thành phố Vinh. Cũng thời gian này, nhiều nạn nhân đã tố cáo một số kẻ chuyên đi lừa đảo vay tiền bằng việc thế chấp bìa đất, chữ ký giả, con dấu giả nhưng phôi bìa thật...

Phường, xã làm bừa

Trao đổi với PV Báo Nghệ An về trường hợp Nguyễn Viết Triều (sinh năm 1980) cán bộ địa chính xã Hưng Đông xung quanh thông tin ông này vừa mới bị cơ quan công an tạm giữ để điều tra, ông Nguyễn Xuân Quang - Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Đông - Thành phố Vinh cho biết: "Triều là cán bộ công chức thuộc quyền quản lý của UBND xã Hưng Đông, nhưng UBND xã chưa hề nhận được thông báo nào của các cơ quan chức năng về việc tạm giữ nói trên. Ngày 28/11 không thấy anh Triều đi làm, thứ 6 tuần trước vẫn đi làm bình thường. Anh Triều trước khi về công tác tại xã Hưng Đông, là cán bộ địa chính phường Quán Bàu. Chúng tôi khẳng định vụ việc không liên quan đến xã chúng tôi mà liên quan đến phường Quán Bàu ".

Gặp ông Nguyễn Đình Ngọc - Chủ tịch UBND phường Quán Bàu, ông Ngọc cho biết: Nguyễn Viết Triều có liên quan đến việc làm giả hồ sơ 3 lô đất để được cấp bìa, đó là thửa đất 447, tờ bản đồ 22, cấp cho Trần Văn Đại, Điện Thị Thủy, thửa đất số 445, tờ bản đồ 22 cấp cho Trần Thanh Sơn ngày 10/4/2008 và thửa 446, tờ bản đồ 22 cấp cho Nguyễn Đình Dung, được UBND thành phố cấp bìa cùng ngày 10/4/2008, đều ở khối Yên Hòa, phường Quán Bàu.

"Ba thửa đất này do Nguyễn Đình Hải (nguyên cán bộ địa chính Cửa Lò- PV) đưa hồ sơ đến cho Triều, và Triều trình lên, tôi căn cứ vào quy hoạch được duyệt của phường là đất ở, tôi nói với Triều là đang thiếu "trích lục", Triều nói với Hải, và Hải thuê người làm "trích lục". Tất cả những hồ sơ đều là hồ sơ cũ của Hưng Đông chứng cấp, tôi chỉ ký vào trích lục và đề nghị thành phố cấp bìa cho họ"- ông Nguyễn Đình Ngọc cho biết.

Theo thông tin chúng tôi tìm hiểu được, 3 thửa đất nói trên là đất nông nghiệp, đất chưa giao cho ai sử dụng, do phường Quán Bàu quản lý, nhưng lại được phường Quán Bàu xác nhận, đề nghị Thành phố Vinh cấp giấy chứng nhận đất cho các cá nhân. Như vậy, việc chỉ ký "trích lục" của Chủ tịch UBND phường Quán Bàu không đơn giản để "hoàn tất thủ tục". Được biết, sau khi bắt Võ Đình Tùng - nguyên cán bộ phòng Quản lý đô thị Thành phố Vinh, ông này khai đã nhận của Nguyễn Đình Hải 120 triệu đồng để làm 3 hồ sơ giả.

Khi chúng tôi trao đổi về việc "rút kinh nghiệm" để không lặp lại các trường hợp tương tự, vị chủ tịch phường Quán Bàu tươi cười nói: "Khó rút kinh nghiệm lắm. Khi cán bộ địa chính đưa hồ sơ lên trình ký, tôi kiểm tra xem hồ sơ họ làm đủ chưa, thì tôi thấy họ làm đủ rồi. Họ làm tinh vi quá tôi không thể phát hiện được.

Kiểm tra tại phường Quán Bàu cũng cho thấy: từ ngày 1/01/2007 đến ngày 31/12/2009, UBND phường Quán Bàu đã thực hiện các trình tự, thủ tục đề nghị UBND Thành phố Vinh cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho 184 trường hợp, nhưng UBND phường Quán Bàu không lưu trữ hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của các hộ, gia đình, cá nhân tại phường. Về thời gian, tiến độ thực hiện việc cấp GCNQSDĐ: rất nhiều trường hợp không đảm bảo thời gian theo quy định tại Quyết định số 157/2006 và Quyết định số 146/2008 của UBND tỉnh.



Những bìa đất mà Nguyễn Thị Quỳnh Anh cầm của người khác rồi biến thành của mình.

Dân kêu cứu

Tại cơ quan công an, chúng tôi gặp một số trường hợp lên tố cáo bà Nguyễn Thị Quỳnh Anh (sinh năm 1975), trú quán tại khối Yên Bình - Hưng Bình - Thành phố Vinh, đã có hành vi lừa đảo đối với nhiều người thông qua việc một mảnh đất bán cho nhiều người, hoặc dùng bìa đất giả. Thủ đoạn là Quỳnh Anh cầm bìa của người khác, nhưng lại công chứng thành đất mang tên Nguyễn Thị Quỳnh Anh, rồi chuyển nhượng cho người khác lấy hàng tỷ đồng. Ví dụ: Quỳnh Anh đã dùng bìa đất của bà Đặng Thị Quang (khối Tân Thành- Lê Mao- Thành phố Vinh), có công chứng chuyển nhượng cho Quỳnh Anh. Rồi thị lại bán cho ông Cường, bán trên giấy ủy quyền của bà Quang. Khi ông Cường trả cho Quỳnh Anh 1,1 tỷ đồng, đồng thời đi cùng Quỳnh Anh xuống Văn phòng một cửa Thành phố Vinh làm thủ tục chuyển nhượng xong, về thì phát hiện ra thửa đất đó Quỳnh Anh đã bán cho anh Hoan. Anh Hoan cũng xuất trình một bộ hồ sơ có giấy chuyển nhượng từ bà Quang cho anh Hoan.

Nguyễn Thị Quỳnh Anh, còn có hành vi lừa đảo đối với nhiều người khác như đối với bà Đặng Thị Tam (phường Lê Mao Thành phố Vinh), chiếm đoạt của bà Tam 2,2 tỷ đồng. Theo đơn của bà Tam thì "Do quen biết, Quỳnh Anh nói với tôi "chị có tiền không cho em vay, em thế chấp bìa làm tin". Đó là bìa của ông Nguyễn Hồng Tráng và bà Lê Thị Quý trú tại khối 3, phường Trung Đô, TP. Vinh và bìa đất số BE 606875 mang tên Nguyễn Thị Quỳnh Anh. Thửa đất này số 31, tờ bản đồ số 02, diện tích 132 m2, địa chỉ khối Hải Giang 1- phường Nghi Hải- Thị xã Cửa Lò. Tôi đã giao 2,2 tỷ đồng cho Quỳnh Anh, tôi thấy không yên tâm nên đi kiểm tra, mới biết bìa đất của ông Tráng và bà Lê Thị Quý có giao cho Quỳnh Anh ,nhưng Quỳnh Anh đã làm giấy uỷ quyền giả mạo (không có sự đồng ý của ông Tráng và bà Quý. Còn bìa đất mang tên Quỳnh Anh, Thị xã Cửa Lò cho rằng đó là bìa giả mạo. Chữ ký, con dấu giả nhưng phôi bìa là thật".

Khi lên trình báo, bà Tam mới hay tin Quỳnh Anh còn lừa nhiều người khác nữa. Một số người do nợ dây chuyền, nay người này chạy, người kia cũng phải bán nhà. Nguyễn Thị Quỳnh Anh hiện đã bỏ trốn và Công an Thành phố Vinh đã làm thủ tục cấm xuất nóng đối với thị tại các cửa khẩu.

Cũng tại cơ quan an ninh, chúng tôi còn bắt gặp một số trường hợp kêu cứu vì vỡ nợ do vay dây chuyền, trong đó có từ thế chấp bìa đỏ.

Công tác quản lý đất và cấp bìa còn lỏng

Qua các sự việc nêu trên, có thể thấy tình trạng làm bìa đất thật giả khó lường. Việc tồn tại những đường dây làm bìa đất giả đâu đó mà ảnh hưởng của nó đối với kinh tế xã hội thật khôn lường. Dễ nhận thấy là hồ sơ để cấp giấy CNQSDĐ dù là giả nhưng bìa vẫn là bìa thật, do phòng Tài nguyên và môi trường thành phố quản lý, thẩm định. Hiện nay, một số hiệu cầm đồ và ngân hàng đã cầm phải bìa giả. Hay như chữ ký, con dấu giả nhưng phôi bìa vẫn là bìa thật (do Nhà nước ấn hành).

Quy trình cấp bìa nhiều khâu nhưng vẫn lỏng. Quy trình cấp bìa đất cho các gia đình, tổ chức trước đây do đơn vị khối, xóm thông qua có Ban 60 (gồm bí thư, xóm trưởng, mặt trận xóm, trưởng các đoàn thể) để xét duyệt hồ sơ, xác định nguồn gốc đất, danh sách người được cấp, diện tích, hộ. Sau đó hồ sơ trình lên xã làm theo hình thức "cuốn chiếu". Hiện nay tự các tổ chức, gia đình làm hồ sơ xin cấp bìa. Hồ sơ các cá nhân mua tại Trung tâm một cửa thành phố, về kê khai, xác nhận của khối phố. Sau đó lên địa chính xã, sang đội thuế liên phường, xã nộp thuế, cán bộ địa chính tham mưu cho lãnh đạo xã xác nhận, đề nghị cấp bìa hay không cấp bìa.

Theo ông Nguyễn Xuân Quang - Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Đông thì, thường thấy cán bộ tham mưu ký nháy thì lãnh đạo xã cũng ký vào. Chỉ khi có tranh chấp mà mình biết mới "phanh" lại. Chính vì vậy, khâu thẩm định của cán bộ địa chính rất quan trọng. Sau đó lên văn phòng ĐKQSDĐ thành phố và phòng tài nguyên môi trường còn thẩm định nữa.

Mặc dù nhiều khâu thẩm định như vậy, nhưng vẫn có hồ sơ giả lọt và được cấp bìa, thậm chí, có thửa đất được cấp hai bìa. Ông Quang cũng cho biết: Rất khó phát hiện ra giấy tờ nào là giả, giấy tờ nào là thật."

Nói về việc rút kinh nghiệm trong việc tham mưu cấp bìa ở phường Quán Bàu, ông Lê Viết Phú- cán bộ địa chính phường Quán Bàu, nói: "Theo tôi, đây là một bài học đắt giá. Bản thân tôi với kinh nghiệm lâu năm của mình thấy rằng, nhìn hồ sơ cũng biết là giả hay không giả. Công tác xác minh nguồn gốc đất là rất quan trọng. Tôi thường kiểm tra chặt chẽ, xác minh thời điểm, các loại giấy tờ. Nhìn mọi người làm tôi thấy sợ quá".

Hiện nay ở một số phường xã, khi người dân đi làm bìa, người ta đã làm sẵn các giấy tờ xác nhận nguồn gốc đất ở, do một số cụ cao tuổi ký. Nhưng cũng không rõ các cụ có ký hay không. Nếu cán bộ địa chính không thẩm định cũng dễ mắc lừa. Việc luân chuyển cán bộ địa chính thường xuyên cũng khiến cho nhiều thửa đất lẽ ra cán bộ địa chính phải biết nhưng rồi lại "không rõ nguồn gốc" do mới đến công tác.

Đất đai ở những thời điểm sốt giá đã tạo ra những cú lừa ngoạn mục đối với nhiều người, làm nhiều người hoa mắt, chóng mặt, cộng với những kẽ hở trong công tác quản lý nhà nước đã tạo nên tình trạng thật, giả lẫn lộn về bìa đất. Có người cố ý, có người vô tình đều có thể mắc phải. Việc rút kinh nghiệm sâu sắc trong nhận thức cũng như điều hành, rà soát quản lý đất đai ở các cấp phường, xã và triệt tiêu các đường dây làm bìa đỏ là những việc cần làm trước nhất.


Trân Châu

Mới nhất

x
Lỏng lẻo trong quản lý đất đai và cấp bìa đỏ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO