Lòng mẹ bản Xốp Nhị
(Baonghean) - Người mẹ ấy từng quên ăn, quên ngủ, lang thang khắp các nẻo đường để tìm đứa con gái dứt ruột đẻ ra. Rồi khi hay tin con gái bị lừa bán và đang lưu lạc nơi xứ người, chị đã tìm đường sang bên kia biên giới để gặp với mong muốn được chuộc con. Sự đời trớ trêu, chị phải trở về với 2 bàn tay trắng...
Thời điểm này, người dân bản Xốp Nhị, xã Hữu Lập (Kỳ Sơn) đang vui vì năm nay thời tiết khá thuận lợi, vụ ngô được mùa. Nhưng với vợ chồng anh Lô Văn May (1970) và chị Lô Thị Bình (1975), điều ấy không có mấy ý nghĩa. Bởi lẽ, hai đứa con gái của anh chị là Lô Thị Học (1995) và Lô Thị Ổn (1997) đang lưu lạc tận Trung Quốc. Tháng ngày trôi qua, nỗi nhớ thương càng tích tụ, dồn nén khiến người mẹ mắc chứng bệnh mất ngủ, suy nhược cả thể chất lẫn tinh thần.
Ôm đứa con trai nhỏ chưa đầy 9 tháng vào lòng, chị Lô Thị Bình kể chuyện trong tiếng nấc nghẹn ngào: “Vợ chồng tôi sinh được 2 trai, 2 gái. Nay 2 đứa con gái đầu đang phiêu bạt ở Trung Quốc. Nhớ các con lắm, lúc nào cũng thương nhưng không biết làm gì hơn!”. Theo lời chị Bình, do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên Lô Thị Học - con gái đầu đang học lớp 7 phải nghỉ học giữa chừng để giúp bố mẹ trông em. Giữa năm 2010, có người quen đến rủ, Học quyết định theo đến xã Nậm Càn làm công việc phục vụ bưng bê, rửa bát đĩa cho một quán ăn. Thời gian này, em có về thăm nhà một vài lần, rồi sau đó bặt tăm. Lâu ngày không gặp mặt con gái, điện thoại không liên lạc được, chị Bình có linh tính chẳng lành nên quyết định vào Nậm Càn tìm. Đến quán ăn, chủ quán cho biết con gái chị đã theo một phụ nữ đi làm công ty, không biết địa chỉ cụ thể. Nghe tin này, chị Bình nửa tin, nửa ngờ vì không hiểu tại sao Học không nói với bố mẹ một lời nào?
Vợ chồng chị Bình nhìn lại tấm ảnh ngày gia đình còn đoàn tụ. |
Con gái bỗng dưng mất tích một cách bí ẩn, không ai nhìn thấy ở đâu, cũng không thể nào liên lạc được, người mẹ ngày càng trở nên lẩn thẩn. Chị cất công đến nhà anh em, họ hàng ở khắp nơi, không kể gần hay xa để thăm dò tin tức nhưng không một ai hay biết. Rồi chị ngược lên Nậm Cắn, xuôi về Con Cuông, rẽ sang Qùy Hợp, Thái Hòa... Hễ ở đâu có nhà hàng, chợ búa chị đều ghé vào hỏi thăm, mà chỉ nhận được những cái lắc đầu. Một mình trên chiếc xe máy, chị Bình không nhớ đã đi qua bao nhiêu bản làng, đã đi qua bao nẻo đường xuôi ngược, bao lần đội nắng tắm mưa để mong tìm được đứa con gái đầu lòng. Có lần, vào buổi chiều hè, chị vượt qua dốc Pù Huột (xã Bình Chuẩn- Con Cuông), trời đang nắng bỗng dưng mây kéo ùn ùn rồi đổ mưa ồ ạt, nước xối vào mặt tê rát. Gió quật cây cối đổ rạp, sấm sét nổ đanh tai. Chiếc xe máy bỗng loạng choạng, chị té sang bên mép đường nằm bất động. Sức vóc của người phụ nữ ấy không đủ để gượng dậy trước cơn thịnh nộ của đất trời. Gió vẫn quật, mưa vẫn tuôn vào mặt, nước mưa hòa cùng dòng nước mắt đắng chát chảy tràn trên khuôn mặt người phụ nữ bất hạnh, thấm vào tim gan, xương tủy của người mẹ mất con.
Trận cuồng phong đi qua, chị vẫn nằm thoi thóp bên mép đường, toàn thân buốt lạnh, tay chân rã rời, đầu phừng phực nóng. Trong lúc nửa tỉnh nửa mê, chị Bình thấy con gái đến đỡ chị dậy rồi dắt đi, rồi sau đó chìm vào bóng tối. Lúc tỉnh dậy, chị thấy mình đang nằm trong một ngôi nhà sàn, xung quanh mình toàn là những người lạ. Người phụ nữ chủ nhà cho chị hay, lúc chiều đi rẫy về, thấy chị nằm bất động ngoài dốc Pù Huột, liền đưa về nhà ở bản Tông để sơ cứu. Sau khi tỉnh dậy, chị được mời một bát cháo thật ngon. Lần khác, chị Bình đang điều khiển xe máy leo dốc Noọng Dẻ để lên Cửa khẩu Nậm Cắn thì bỗng dưng thấy hoa mắt, xây xẩm mặt mày. Biết không thể tiếp tục hành trình, chị buộc phải dừng xe và ghé vào một ngôi nhà ven đường. Vừa bước lên thềm nhà, chị đã khuỵu xuống rồi lịm dần. Biết chị đang lả đi vì đói, chủ nhà tìm cách cho uống sữa tươi. Sau đó, chị mới dần dần hồi tỉnh...
Sau 2 tháng tất tả ngược xuôi, tin tức của con gái vẫn “bóng chim tăm cá”, chị Bình đành thất vọng trở về. Ban ngày, chị thẫn thờ ra vào như người mộng du, không thiết tha với công việc, không buồn ăn uống. Đêm đến, trong giấc ngủ chập chờn, hình ảnh con gái cứ hiện về thấp thoáng. Khi thì chị thấy Học như hồi còn bé, chiều chiều ríu rít trở về sau buổi đến lớp. Có lúc, chị lại thấy Học mang hành lý về nhà, nét mặt vui tươi. Có lúc, quần áo rách bươm, vẻ mặt thất thần như đang cầu cứu mẹ. Chị lớn tiếng gọi tên con rồi tỉnh giấc... Tất cả lại trở về với thực tế phũ phàng, đau đớn. Đêm dài, đối diện với sự thực, đối diện với chính mình, chị Bình chỉ biết khóc. Có lúc tưởng chừng như nước mắt sẽ vơi cạn, còn lại hõm mắt trũng sâu, vẻ mặt vô hồn và thân xác khô héo.
Tưởng chừng vô vọng, một hôm có người quen cung cấp một thông tin quan trọng: Học đã bị một người phụ nữ ở xã Đôn Phục (Con Cuông) lừa bán sang Trung Quốc. Chị Bình xuống Con Cuông, tìm gặp kẻ đã nhẫn tâm lừa bán con mình. Lúc đầu, đối tượng này một mực phủ nhận, cho rằng mình không liên quan. Chị dọa sẽ báo công an, sẽ kiện ra tòa, kẻ buôn người mới chịu nhận tội. Đối tượng này nói rằng, Học sang bên đó đã lấy chồng và có cuộc sống sung sướng, gia đình đừng lo lắng điều gì. Người mẹ bất hạnh giả vờ tin và yêu cầu được theo sang Trung Quốc để gặp con và tận mắt chứng kiến những điều vừa nghe thấy. Đối tượng buôn người đồng ý đưa chị sang và hẹn làm xong những thủ tục cần thiết sẽ lên đường. Về nhà, chị Bình chạy vạy được gần 1 triệu đồng để hôm sau làm lộ phí. Đúng hẹn, 2 người cùng lên đường ra Cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh). Từ đây, tiếp tục bắt xe khách chạy 1 ngày, 1 đêm và 1 buổi sáng mới đến được nơi Học đang ở. Mẹ con gặp nhau, cùng ôm chầm lấy nhau nức nở. Dòng nước mắt nhớ thương lẫn tủi hờn chảy mãi không dứt. Học nói với mẹ mình đã lấy chồng, rất nhớ nhà, nhớ bố mẹ và các em nhưng không thể nào về được, vì trong tay không có một đồng tiền nào.
Lúc này, khoản tiền mang theo làm lộ phí đã hết, chị Bình quyết định làm thuê khi nào đủ tiền sẽ đưa con về. Chị nhận lời vào rẫy làm công cho một người dân địa phương. Quãng đường từ nhà đến rẫy mất mấy ngày đi bộ. Công việc hàng ngày của chị là trỉa ngô, làm cỏ và thu hoạch mùa màng. Ngày làm quần quật, đêm ngủ lại ở lán trại, trong chị ngổn ngang bao nỗi niềm. Thương con gái một mình nơi xứ người, không một ai quen biết, không một đồng tiền cầm tay, phải làm vợ người mình không yêu thương. Rồi chị xót xa khi nhớ đến bản làng, quê hương- nơi người chồng đầu gối tay ấp và 2 con nhỏ đang mỏi mắt ngóng chờ. Thương chồng, thương con, nước mắt lại chảy suốt đêm, trái tim chị lại bị giằng xé giữa bao điều ngang trái... Làm thuê khoảng 2 tháng, khi có được số tiền nhất định, chị Bình tìm đường trở lại nơi con gái ở. Trên đường đi, chị hình dung ra cảnh 2 mẹ con cùng qua Cửa khẩu Móng Cái để về quê. Về đến nhà, chồng và các con sẽ ùa ra đón trong niềm vui đoàn tụ. Rồi anh em, họ hàng, làng bản đều tìm đến chia sẻ niềm vui. Vậy nhưng, khi đến nơi, chị nhận được tin con gái đã bị gả bán đi nơi khác. Đất dưới chân như lún sụt, chị khuỵu ngã giữa nơi đất khách quê người... Lúc trở lại tỉnh táo, chị quyết định phải trở về, vì chồng và các con đang chờ chị ở nhà.
Không khí cả nhà buồn như đưa đám, không ai muốn nói dù chỉ một lời. Nỗi đau mất con và những vất vả, hiểm nguy trên hành trình kiếm tìm đã khiến chị Bình gần như chai sạn. Còn anh May, nỗi nhớ thương, day dứt khiến anh trở nên lầm lỳ. Những lúc như thế, anh lại tìm đến rượu để mong quên đi tất cả. Nhưng uống rượu vào, nỗi đau càng thấm vào gan ruột, anh lại khóc nức nở như một đứa trẻ. Tưởng chừng như nỗi đau đớn, uất ức bấy nay dồn nén nay bung tỏa theo từng tiếng nấc. Ổn, đứa em kề của Học cũng rất nhớ chị. Nó thường hỏi mẹ về cuộc sống ở phía bên kia biên giới, nơi chị gái của mình đang lưu lạc. Rồi cách đây hơn 1 năm, Ổn xin bố mẹ lên Mường Xén thăm bạn ít ngày. Mấy ngày sau, gọi điện về báo rằng vì nhớ chị, Ổn sẽ sang bên đó tìm chị. Nỗi đau đớn của vợ chồng chị Bình lại nhân lên khi đứa con gái thứ 2 chưa đến tuổi 17, lại theo bước chân chị gái sang xứ người. Ít lâu, Ổn gọi về nói đã tìm gặp được chị gái, và Ổn cũng đã lấy chồng bên đó. Hai chị em nhớ nhà, nhớ bố mẹ và các em lắm, nhưng không thể nào về được. Vì không có tiền, hơn nữa nhà chồng chưa cho về. Từ đó, chị em Học và Ổn thỉnh thoảng gọi về hỏi thăm bố mẹ. Câu đầu tiên chúng thường nói: “Bố mẹ ơi! Con nhớ nhà lắm!”. Những lúc như thế, chị Bình lại dàn dụa nước mắt, gần như không nói được một lời nào.
Đứa bé 9 tháng tuổi khóc ré lên vì khát sữa, chị Bình vào bếp lấy ra một ít cháo bón cho con. Chị nói: “Giờ đang bị mắc bệnh tim, cơ thể lại suy nhược nên ít sữa lắm. Thằng bé này từ khi sinh ra đến giờ hầu như phải ăn cháo”. Suốt buổi nghe chị Bình kể về chuyện các con, anh May thẫn thờ đi lại như một cái bóng. Anh với tay lên tấm phên thưng nhà lấy một bức ảnh rồi đưa chúng tôi xem. Đó là bức ảnh chụp gia đình (vợ chồng anh May, chị Bình, Học, Ổn và đứa con trai thứ 3). Tất cả tay trong tay và vẻ mặt rạng ngời hạnh phúc. Nhìn vào bức ảnh, nét buồn bã, nhớ thương trong ánh mắt và trên khuôn mặt của người bố, người mẹ càng hằn sâu. Đứa con trai út lúc ấy chưa có mặt trên đời, bây giờ cũng chăm chăm nhìn vào bức ảnh. Lặng đi trong giây lát, chị Bình chia sẻ: “Mỗi lúc nhớ các con, vợ chồng tôi lại lấy ảnh xuống xem cho đỡ nhớ. May mà ngày đó chụp được tấm ảnh này, không thì chẳng biết sẽ thế nào. Không biết có bao giờ gia đình được đoàn tụ như thế nữa không?”.
Rời Xốp Nhị, đến nay chúng tôi vẫn còn ám ảnh về đôi mắt trũng sâu, vô hồn và vẻ mặt sạm đen, buồn bã của vợ chồng chị Bình. Và được biết, ở vùng rẻo cao này, hoàn cảnh của gia đình chị Bình không phải là cá biệt. Bởi ở các bản làng nơi đây, tình trạng phụ nữ, trẻ em gái bị lừa bán sang Trung Quốc không còn là chuyện hiếm. Nó đã trở thành vấn nạn nhức nhối, gây xáo trộn đời sống kinh tế - xã hội và phá vỡ hạnh phúc của bao gia đình. Không biết đến bao giờ tình trạng này mới chấm dứt?
Bài, ảnh: Tường Anh