Lòng yêu thương nuôi lớn ước mơ
Thời kỳ sau đổi mới, kinh tế hết sức khó khăn, với đồng lương công nhân eo hẹp để trang trải cho cuộc sống mỗi gia đình đã phải dè sẻn tính toán chi li. Vậy mà khi chứng kiến cảnh đói cơm, rách áo của những đứa trẻ lang thang, hai vợ chồng ông Nguyễn Năng Cậy (khối 2, phường Hồng Sơn, TP Vinh) đã dang rộng vòng tay cưu mang.
(Baonghean) - Thời kỳ sau đổi mới, kinh tế hết sức khó khăn, với đồng lương công nhân eo hẹp để trang trải cho cuộc sống mỗi gia đình đã phải dè sẻn tính toán chi li. Vậy mà khi chứng kiến cảnh đói cơm, rách áo của những đứa trẻ lang thang, hai vợ chồng ông Nguyễn Năng Cậy (khối 2, phường Hồng Sơn, TP Vinh) đã dang rộng vòng tay cưu mang.
Căn nhà ba tầng chật hẹp ngay sát chợ Vinh là nơi ở của vợ chồng ông Nguyễn Năng Cậy (SN 1944) và bà Lê Thị Hồng (SN 1945) cùng với người con trai út. Đây cũng là mái ấm đã từng cưu mang hai đứa trẻ lang thang, đói khát ở chợ Vinh cách đây gần 20 năm. Những đứa trẻ ngày ấy bây giờ đã trưởng thành, có công việc ổn định nhưng ở cái tuổi xưa nay hiếm, tấm lòng của những người làm cha, làm mẹ chưa bao giờ thôi hướng về các con, dẫu đó không phải là máu mủ, ruột rà của mình.
Sau thời gian chiến đấu trong quân ngũ, ông Nguyễn Năng Cậy chuyển ngành về công tác tại Bưu điện tỉnh, vợ ông, bà Lê Thị Hồng là nhân viên văn phòng của Công ty Chè. Lần lượt 3 đứa con ra đời, lương công nhân để lo cho các con ăn học không dễ dàng gì. Thế nhưng, chính trong cái thời buổi khốn khó ấy, ông bà đã dang rộng vòng tay để đón cậu bé Thạch Quang Tiến về nhà nuôi nấng.
Đó là vào năm 1989, một cậu bé gầy gò, rách rưới rụt rè gõ cửa gia đình ông Cậy xin ăn. “Nhìn nó gầy đét, mặc mỗi cái áo mỏng manh trong cái giá lạnh thấu xương của những ngày giáp tết mà thương. Tôi bảo vợ lấy cơm cho nó. Nó kể quê ở Nghi Lộc, bỏ nhà đi lang thang và được một đơn vị bộ đội nuôi nấng. Đơn vị chuyển quân, thằng Tiến (tên cậu bé) bị lạc nên tìm đến chợ Vinh xin ăn. Ở đó, mấy thằng bụi đời bắt nó đi móc túi, nó không chịu nên đói quá, phải đi xin ăn”, ông Cậy kể.
Vợ chồng ông Cậy, bà Hồng kể về quá trình nhận con nuôi. Ảnh: PV
Cảm thương cho hoàn cảnh của Tiến và nhìn thấy bản chất tốt đẹp nơi cậu bé lang thang này, một phần, ông Cậy bàn với vợ đưa cậu bé về nhà nuôi. “Hồi đó, hai vợ chồng nuôi 3 đứa con đang tuổi ăn tuổi học đã vất vả lắm rồi, nhưng khi tôi bàn với nhà tôi nhận thằng Tiến về nuôi, bà ấy đồng ý ngay...”. Những tháng ngày sống lang thang đầu đường xó chợ, Tiến ghẻ lở, mụn nhọt đầy người, bà Hồng phải tìm lá đại bi nấu một nồi nước lớn rồi tắm rửa cho Tiến, mua thuốc thang về xức.
Có những hôm, hai ông bà thay nhau thức trắng đêm vì mụn nhọt trên người khiến Tiến phát nóng, phát rét. Ốm yếu nên Tiến được bố mẹ nuôi dành sự ưu ái, quan tâm, chăm sóc hơn. Tiến quá tuổi đến trường, không thể xin đi học, ông Cậy trở thành thầy giáo bất đắc dĩ. Ngày đi làm, đêm ông cầm tay chỉ dạy Tiến nắn nót từng nét chữ, tập đánh vần, tập làm các phép tính cộng trừ, nhân chia... 15 tuổi, Tiến xin bố mẹ nuôi tự lập với nghề bốc vác ở chợ Vinh. Số tiền Tiến kiếm được, ông bà Cậy góp nhóp cho anh, gửi tiết kiệm để anh có vốn riêng, sau này đi học lấy cái nghề nuôi thân.
Sau khi có số vốn kha khá, Tiến đã đi học lái xe. Ra trường, tích cóp trong nhiều năm, cộng với vốn bố mẹ nuôi cho vay, anh vừa mua xe chạy hàng, vừa học bổ túc văn hóa. Hiện nay, Tiến đã là giáo viên một trường dạy nghề lái xe ở TP Vinh và có một gia đình yên ấm. Lễ tết nó đều có mặt như những người con khác trong nhà... Ngày cuối tuần, vẫn đem con đến chơi, ăn cơm với bố mẹ”, bà Hồng kể.
Năm 1994, cậu bé Trần Văn Tuấn cũng trở thành đứa con thứ 5 của ông bà trong một dịp tình cờ như thế. Bố Tuấn mất sớm, mẹ đi bước nữa. Người cha dượng không muốn vướng bận với đứa con riêng nên buộc vợ phải “từ con”. Không còn cách nào khác, người mẹ đành gửi con cho một bà bán quán nghèo ở chợ Vinh. Người đàn bà được nhờ nuôi Tiến cũng quá túng bấn nên đành bỏ Tuấn giữa chợ Vinh, chờ đợi sự thương hại của người đời. “Một hôm tôi đi qua, thấy người ta xúm xít quanh một đứa trẻ nhỏ thó, gầy đét. Thằng bé mới hơn 3 tuổi nhưng cứ bám lấy quần của mấy bà trông xe trong chợ, bảo đi tìm bố cho cháu, mẹ cháu không thương cháu nữa. Tôi thấy thương quá nhưng hồi ấy nhà 4 đứa con nên cũng không dám nhận về nuôi. Sáng hôm sau, vừa mở cửa ra đã thấy mẹ thằng Tuấn bế con đứng ở cổng. Cô ấy nhờ tôi nuôi giúp thằng Tuấn. Không muốn thấy cái cảnh nó cứ nằm co ro trong cái mẹt, chờ người ta bố thí cho mấy đồng bạc lẻ, hai vợ chồng tôi nhận lời”, ông Cậy kể tiếp.
Tuấn được đổi họ theo họ bố nuôi. Cái tên Nguyễn Năng Tuấn được ghi vào sổ hộ khẩu của vợ chồng ông Cậy và Tuấn trở thành đứa em út trong nhà. Được bố mẹ, các anh chị thương yêu nhưng càng lớn, Tuấn càng ngỗ nghịch. “Vợ chồng tôi cũng hết khổ vì Tuấn. Đi học nó phá lắm, hôm thì đánh bạn, hôm thì quậy phá cả lớp, hầu như tuần nào bố mẹ cũng được “mời” lên gặp giáo viên, Ban giám hiệu nhà trường. Cả nhà cố gắng ép nó học hết lớp 9 rồi cho đi học nghề. Giờ nó đang làm việc bên công ty của đứa con gái đầu của vợ chồng tôi. Chỉ mong nó yên bề gia thất để vợ chồng già chúng tôi được yên lòng”, ông Cậy kể về cậu con trai nuôi. Nhờ sự khuyên bảo của ông Cậy, bà Hồng, Tuấn cũng đã tìm về và nối lại tình cảm với người mẹ ruột. Cậu thanh niên 22 tuổi bây giờ cũng đã biết chí thú làm ăn, bằng lòng với công việc phụ giúp chị gái.
Tình thương yêu, lòng nhân ái của vợ chồng ông Cậy, bà Hồng đã nuôi lớn những đứa trẻ lang thang, bất hạnh như Tiến, như Tuấn. “Ngày đó, nếu không có ba mẹ, thì tôi cũng không biết mình sẽ ra sao. Sẽ chết đói, chết rét, hay trở thành trộm cắp, lưu manh. Tôi biết ơn ba mẹ đã nuôi dạy tôi nên người, kết nối tôi với tổ tông, họ hàng, nhận lại máu mủ, ruột thịt của mình... Ơn nghĩa này suốt đời xin được ghi lòng tạc dạ. Giờ đây, khi có gia đình yên ấm, nuôi con tôi càng hiểu hơn tấm lòng ba mẹ...”, anh Tiến thổ lộ.
DUY NAM