Lựa chọn giống cây, điều chỉnh thời vụ phù hợp với biến đổi khí hậu

30/10/2014 10:16

(Baonghean) - Những năm gần đây, biến đổi khí hậu đã làm gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn hán, lũ lụt, rét đậm, rét hại,… gây nhiều bất lợi cho sản xuất nông nghiệp. Vì thế, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã đưa giống mới vào sản xuất, tìm ra mô hình canh tác nhằm thích ứng với các thay đổi của thời tiết.

Xóm 8, xã Hưng Tân (Hưng Nguyên) có 32 ha đất 2 lúa thì có đến 2/3 diện tích là vùng sâu trũng. Trước đây, cây ngô, khoai lang được trồng phổ biến ở vụ 3, nhưng do đất thấp trũng nên thường xuyên ngập úng dài ngày trong mùa mưa lụt, cộng với chất đất thịt nặng nên hiệu quả kinh tế không cao, có những năm mất trắng. Từ năm 2010 đến nay, bà con nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi, đưa cây bí xanh vào sản xuất vụ 3 và dần mở rộng diện tích thay thế cho 2 loại cây trồng trên. Anh Nguyễn Trọng Chương, ở xóm 8, cho biết: Hiện gia đình tôi nhận khoán 18 sào, mỗi năm gieo trồng 2 vụ lúa và 1 vụ trồng bí xanh trên diện tích 1,5 sào. Khoảng đầu tháng 9 DL, chúng tôi làm bầu cho cây bí trong vườn nhà, có lưới che chắn bảo vệ cây mầm. Công tác cày đất, bỏ phân, lên luống và đưa giống ra ruộng trồng cũng luôn được chăm sóc cẩn thận. Quá trình từ ra giống đến thu hoạch chỉ 2,5 tháng, năng suất đạt 7 tạ/sào. Sản phẩm được tư thương đến mua tận ruộng với giá từ 4.000 - 6.000 đồng/kg, gia đình tôi đã có thu nhập gần 6 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi ròng 4 triệu/sào, gấp 6 - 7 lần so với trồng ngô, khoai trước đó”.

Mô hình trồng bí xanh trên đất 2 lúa ở xã Hưng Tân (Hưng Nguyên).
Mô hình trồng bí xanh trên đất 2 lúa ở xã Hưng Tân (Hưng Nguyên).

Từ hiệu quả kinh tế của bí xanh, xóm 8 đã tập trung kéo đất, cải tạo từ đồng cao xuống đồng thấp; vận động nhân dân đóng góp 300.000 đồng/sào/hộ trong 3 năm liên tục để nâng cấp, cải tạo thủy lợi, nên công tác đầu tư, thâm canh thuận lợi hơn. Cây bí xanh từ mô hình đã chuyển sang sản xuất hàng hóa, tăng diện tích từ 1 ha năm 2010 lên 6 ha năm 2014. Hiện toàn xóm có 50/103 hộ sản xuất theo mô hình 2 vụ lúa cộng 1 vụ bí xanh; sản lượng thu hoạch khoảng 35 tấn/năm. Mô hình chuyển đổi trồng bí trên đất 2 lúa đã được nhiều xã trong huyện về tham quan học tập… Ông Nguyễn Trọng Thục - Chủ tịch UBND xã Hưng Tân cho biết: “Do đặc điểm địa hình của xã thấp trũng, nên Nghị quyết Đảng ủy, HĐND xã khóa XXI, nhiệm kỳ 2010 - 2015 đã xác định rõ đưa cây trồng vụ đông làm vụ chính, trong đó chủ lực là cây bí xanh trồng trên đất đồng vệ; đặc biệt là trên đất 2 lúa. Vụ đông năm nay, toàn xã trồng 15 ha bí xanh vụ 3 trên đất lúa, chủ yếu ở các xóm 4, 5, 6, 8, 9. Để cây trồng đảm bảo năng suất, xã chỉ đạo bà con gặt xong lúa hè phải khẩn trương khoanh vùng, làm đất, phủ rơm tránh mưa xói; đợi thời tiết ổn định mới đưa bầu cây ra ruộng. Và để khuyến khích phong trào, xã có chính sách hỗ trợ 70% giá giống bí, xóm nào đạt 4 ha bí vụ 3 trên đất lúa được hỗ trợ 100% chi phí trồng. Vụ xuân 2014, huyện cũng có mức hỗ trợ 250.000 - 300.000 đồng/sào bí để làm giàn leo, giống và bầu nilon.

Xã Thanh Khai nằm ở vùng hạ huyện Thanh Chương, với độ cao thấp dần về phía sông Lam, nên khoảng từ cuối tháng 8 đến đầu tháng 11 DL hầu diện tích đất sản xuất bị ngập lụt. Các năm trước, vụ hè thu xã cơ cấu chủ yếu các giống lúa Khang Dân 18, nếp 352 (thời gian sinh trưởng từ 100 - 105 ngày), nhưng qua nhiều vụ đã “mất ăn” do lụt về sớm. Trước tình hình trên, Đảng ủy, UBND xã đã quyết định tìm các loại giống ngắn ngày và phải phân bổ thời gian, chọn giống điều chỉnh thời vụ ngay từ vụ xuân để thu hoạch trước 20/5 và đến 30/6, phải gieo cấy xong vụ hè thu. Vụ hè thu 2012, xã đã đưa giống lúa cực ngắn ngày P6 đột biến (giai đoạn sinh trưởng khoảng 85 ngày) vào sản xuất. Vụ hè thu 2014, toàn xã gieo cấy P6 đột biến hơn 40 ha; dù giống này năng suất không cao, nhưng đáp ứng được yêu cầu “chạy” lụt; sau ngày 15/8 bà con cơ bản thu hoạch gọn lúa hè thu.

Đề cập đến vấn đề lựa chọn giống, ông Nguyễn Hữu Sơn - Xóm trưởng xóm Hùng Thịnh (Thanh Khai) chia sẻ: Xưa cha ông ta có câu “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”, nhưng nay chúng tôi thấy khâu chọn giống là quan trọng hơn cả. Năm 2012, vụ hè thu đầu tiên sản xuất giống P6 đột biến, khi mới xuống giống được 15 ngày thì gặp hạn, tiếp đến lại gặp trận ngập lụt dài ngày, tôi tưởng đã mất trắng mất 3 sào rồi. Nhưng sau khi nước rút, lúa hồi sinh rất nhanh, năng suất trung bình đạt 1,8 tạ/sào. Đến các mùa vụ tiếp theo, giống lúa này đều đạt 2,2 - 2,4 tạ/sào. Giống P6 đột biến có thời gian sinh trưởng ngắn hơn giống Khang Dân khoảng 20 ngày, có khả năng chống đổ, chịu rét và chịu hạn tốt, phù hợp với khả năng thâm canh. Đặc biệt giống này gạo ngon, lại ngắn ngày, nên thu hoạch gọn được cả rơm rạ. Ở đây giá trị rơm rạ cũng tương ứng với hạt lúa, vì bà con có truyền thống nuôi trâu bò sinh sản. Cả xóm có 147 hộ thì hầu hết đều chăn nuôi trung bình từ 2 - 3 con trâu, bò.

Còn tại huyện Nghi lộc, hơn 12.000 ha đất nông nghiệp được chia thành 3 vùng canh tác là vùng nông giang, vùng màu và vùng bán sơn địa. Trong đó, chỉ có khoảng 5.000 ha đất sản xuất tạm chủ động nước tưới, nhưng vẫn phụ thuộc nhiều vào hệ thống bara Nam Đàn; 6.000 ha còn lại là hoàn toàn “nhờ trời”. Do đó, hàng năm, Nghi Lộc phải lựa chọn, chuyển dịch cơ cấu cây trồng cho phù hợp với từng loại đất, khí hậu. Để điều chỉnh lịch thời vụ phù hợp, tránh lũ sớm, lũ tiểu mãn và lũ chính vụ ở các vùng trũng thấp, 3 năm trở lại đây, Nghi Lộc đã đưa các giống lúa chống đổ, giống ngắn và cực ngắn ngày (thời gian sinh trường từ 80 - 90 ngày) có chất lượng gạo ngon phục vụ thị trường như giống P6ĐB, Nhị ưu 838, QR1, DT 68...; giống chống chịu hạn và phù hợp trên đất màu như giống lúa BTE1 (đã được khảo nghiệm từ vụ hè thu 2011 tại xã Nghi Thái trên diện tích 3 ha); vụ hè thu 2014 đã mở rộng lên khoảng 150 ha toàn huyện. Hiện huyện đang tiếp tục liên kết với các doanh nghiệp tiến hành khảo nghiệm một số giống mới như Thiên ưu, AD1, RVT để có cơ sở khoa học và có kết luận chính xác về khả năng chống chịu sâu bệnh, tiềm năng năng suất thay thế các giống cũ khi có biểu hiện thoái hóa.

Ảnh hưởng trực tiếp của biến đổi khí hậu đến sản xuất nông nghiệp của Nghệ An là tình trạng khan hiếm nước tưới trong vụ đông xuân, mưa lũ diễn biến không theo quy luật. Vì thế, việc đúc rút kinh nghiệm trong sản xuất để điều chỉnh mùa vụ cây trồng phù hợp sẽ góp phần hạn chế tối đa thiệt hại do thiên tai, cải thiện đời sống người nông dân. Những năm qua, nhiều địa phương đã chủ động lựa chọn những giống cây trồng phù hợp với những thay đổi của thời tiết và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đây là hướng canh tác bền vững cần khuyến khích để người dân phát huy tốt. Đồng thời, chính quyền địa phương cần tích cực triển khai các hoạt động hỗ trợ như xây dựng thương hiệu nông sản, tìm kiếm thị trường, chuyển giao khoa học kỹ thuật… để người dân an tâm sản xuất, nâng cao thu nhập và góp phần xây dựng thành công chương trình nông thôn mới. Ông Nguyễn Văn Lập - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng: Biến đối khí hậu đã và đang ảnh hưởng rõ rệt đối với sản xuất và đời sống. Để có thể bố trí được cơ cấu cây trồng phù hợp, từng địa phương phải rà soát lại điều kiện đất, nước; có phương án cụ thể với từng xứ đồng về loại cây trồng, thời vụ chuyển đổi… và phải được người dân cùng bàn bạc, đồng thuận. Đồng thời, khi chuyển đổi phải chuẩn bị đầy đủ nguồn vật tư, cây giống theo phương án; hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cho bà con, như vậy mới mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ngọc Anh

Lựa chọn giống cây, điều chỉnh thời vụ phù hợp với biến đổi khí hậu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO