Lừa đảo gần 24 tỷ đồng, cựu cán bộ lãnh án chung thân

27/08/2013 21:00

(Baonghean) - Trần Thị Ngọc Hà trú tại khối 3, phường Trường Thi (TP. Vinh), đã lợi dụng vị trí công việc, sự quen biết, dùng nhiều thủ đoạn như: Vay tiền trả lãi suất cao, vay tiền đảo khế ngân hàng và các hành vi khác để lừa đảo chiếm đoạt số tiền 23 tỷ 880 triệu đồng của 13 nạn nhân trong vòng hơn 4 năm. Hành vi trên của bị cáo bị khép vào tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” với mức án “chung thân”.

Khán phòng xét xử vụ án thu hút hàng trăm người. Họ đến đây ngoài danh nghĩa nạn nhân của vụ án còn là người thân, bà con láng giềng, thậm chí là giáo viên của con bị cáo. Trong số họ, có những người có cuộc sống khá giả, nhưng cũng không thiếu những người nghèo khó, thu nhập thấp, làm thuê. Vì tin vào những lời ngon ngọt của Hà, và cả lòng tham trước những đồng lãi cao, họ sẵn sàng giao toàn bộ tài sản như tiền bạc, đất đai, nhà cửa cho Hà mà không hề nghi ngờ. Không những thế, có những người tiền không có, nhưng nể nang mà đi vay tiền của người thân để đưa cho Hà.



Trần Thị Ngọc Hà tại tòa

Vụ chiếm đoạt số tiền 3 tỷ 800 triệu đồng của anh P.A (khối 9, phường Bến Thủy, TP. Vinh), được bị cáo khai nhận quen qua người trung gian. Biết cô giáo của con mình là cô H.T.T.H (giáo viên một trường TH ở TP. Vinh) có mối quan hệ thân thiết với anh P.A, nên thị đã đến nhờ chị H điện thoại cho anh P.A để vay tiền. Ngày 1/6/2011, Trần Thị Ngọc Hà đến gặp anh P.A nói cần tiền làm vốn kinh doanh, xin vay số tiền 1 tỷ 500 triệu đồng với lãi suất 3.000/1 triệu/ ngày và hẹn sau một tháng sẽ trả đủ số tiền nói trên. Đến hẹn, không những Hà không trả số tiền trên mà ngày 13/9/2011 Hà lại nhờ chị H điện thoại cho anh P.A vay thêm số tiền 230 triệu đồng, và lại hẹn đến đầu tháng 11 sẽ trả đủ số tiền đã vay. Tính đến thời điểm bị bắt, Hà đã vay của anh P.A số tiền 3 tỷ 800 triệu đồng.

Không những lừa đảo của bà con họ hàng, của hàng xóm, Trần Thị Ngọc Hà còn lừa ngay cả người bạn thân thiết nhất, gắn bó suốt cả tuổi thơ với mình. Biết chị V.L (phường Lê Mao, TP. Vinh) đang chuẩn bị xây nhà, nên ngày 28/2/2011 thị đã tìm gặp. Với thủ đoạn cần tiền để đảo khế ngân hàng nên mặc dù không có số tiền lớn trong tay nhưng chị V.L vẫn cố gắng vay mượn người thân số tiền 1 tỷ đồng cho Hà mượn. Đến hẹn, Hà vẫn áp dụng chiêu cũ, vay thêm số tiền 230 triệu đồng. Cũng chính vì tin tưởng bạn bè nên cho đến tận bây giờ, dự định xây nhà của chị V.L vẫn còn xa lắm, bởi chị còn gánh cả phần trả tiền nợ đã vay cho người bạn thân mượn.

Trong vụ lừa đảo nạn nhân L.T.H, Trần Thị Ngọc Hà khai nhận, khoảng thời gian từ tháng 6/2011, đến tháng 10/2011 số tiền thị chiếm đoạt của chị H không chỉ dừng lại ở con số 1 tỷ 050 triệu đồng, mà là 6 tỷ đồng. Vì đến hẹn trả nợ nhưng không có tiền nên Hà lại dùng thủ đoạn để lừa gạt người khác lấy tiền trả nợ cho chị H và nhiều chủ nợ liên quan. Biết bà N.T.C (phường Nghi Hòa, TX. Cửa Lò) đang rất cần tiền cho con đi nước ngoài nên thị đã tìm gặp và đề nghị được giúp đỡ.

Tại đây, Hà đề nghị bà C giao GCNQSD đất số Q- 215974 mang tên chồng bà C để Hà đi thế chấp ngân hàng vay tiền cho bà C. Ngày 17/9/2011, Hà đã lừa bà C làm thủ tục ủy quyền GCNQSD lô đất trên cho Trần Thị Ngọc Hà. Sau khi cầm được bìa đỏ trên tay, thị không thực hiện như lời đã hứa mà đem đến nhờ chị L.T.H (đại diện Công ty TNHH Khánh An có trụ sở tại TP. Vinh) thế chấp vay tiền tại Ngân hàng thương mại cổ phần Công Thương (chi nhánh tại TP. Vinh) với số tiền 2 tỷ đồng. Số tiền chiếm đoạt được, thị đã dùng chi trả một phần cho chị H và tiêu xài cá nhân.

Khi chủ tọa phiên tòa hỏi vì sao lại cho bị cáo vay với số tiền lớn như vậy, thì chị H trả lời. Giữa chị H và bị cáo có quan hệ họ hàng, bị cáo Hà gọi chị H bằng mự. Gia đình Hà thuộc gia đình bề thế, trong tay còn cầm rất nhiều GCNQSD đất của rất nhiều người. Ngoài ra, Hà còn là một cán bộ công an tỉnh, với nghề nghiệp ấy thì hơn ai hết, Hà hiểu rõ về pháp luật, về hành vi của mình đang làm.

Khác với quan điểm của chị H, bà N.T.C chỉ là một người nông dân bình thường, chồng mất sớm, gia cảnh khó khăn. Bà lại là người ít học, mức độ am hiểu pháp luật còn hạn chế, nên khi được hỏi đến, bà C chỉ biết trách móc, than vãn cho sự nhẹ dạ của mình. Bà N.T.C biết về Trần Thị Ngọc Hà là cán bộ công an tỉnh qua một người hàng xóm cạnh nhà. Để có số tiền lớn cho con đi nước ngoài làm ăn, bà C đã phải chạy vạy vay mượn khắp nơi, nhưng ở đâu, họ cũng đều lắc đầu, hoặc nếu cho mượn cũng chỉ dưới 10 triệu đồng (vì bà đã quá tuổi lao động). Đang lúc khó khăn thì Trần Thị Ngọc Hà xuất hiện và đề nghị giúp đỡ, bà vẫn nghĩ đã gặp được “quý nhân” nên không chút đắn đo, hoài nghi mà giao ngay GCNQSD đất cho Hà.

Khi được Hà đề nghị cùng đến ngân hàng để ký giấy xác nhận vay tiền, bà không đọc nội dung đã được soạn sẵn trong hợp đồng vay vốn. “Cô Hà bảo tôi ký chỗ nào thì tôi ký, điểm chỉ chỗ nào thì tôi điểm chỉ. Đến tận bây giờ, tôi chưa nhận được đồng nào từ ngân hàng cả. Tôi cũng không ngờ mảnh đất của tôi đang ở lại có thể thế chấp, vay được số tiền lớn như vậy. Giờ tôi biết tìm đâu ra số tiền lớn để lấy lại mảnh đất của mình”. Bà C than vãn.

Hà khai nhận, hành vi lừa đảo tái phạm nhiều lần là vì thị vay rất nhiều tiền, số tiền lãi hàng ngày có khi lên đến hàng chục triệu. Khi không còn khả năng chi trả, rất nhiều chủ nợ đã kéo đến tận cổng cơ quan để đòi nợ. Bị dồn vào tình thế đó, thị chỉ biết nhắm vào bất kỳ ai có thể lừa gạt được để có tiền trả nợ. Không ít bị hại nhìn thấy GCNQSD đất của mình, nhưng lại nằm trong tay bị hại khác. Cái vòng luẩn quẩn do Hà tạo ra đã đẩy hàng chục người vào chốn đường cùng, không lối thoát. Người thì vô gia cư, phải ra đứng đường, kẻ lại sống chui lủi mong tích góp tiền trả nợ thay cho Hà; Đáng thương nhất là những đứa trẻ không còn được sống chung một mái nhà có cả cha và mẹ…

Đứng trước vành móng ngựa, Trần Thị Ngọc Hà không quanh co, ngụy biện mà khai nhận tất cả những hành vi của mình. Khi nghe vị VKS phát biểu quan điểm và đề nghị án chung thân, thị cố gắng với tay vịn vào vành móng ngựa. Thị đã khóc rất nhiều vì thị còn bà mẹ già bị bệnh tim, còn hai đứa con nhỏ, còn cả tương lai phía trước. Giá như, những năm về trước, Hà biết nghĩ đến những vấn đề đó, biết trân trọng sự nghiệp của mình, biết không nên lợi dụng lòng tin của người khác và biết dừng lại đúng lúc, thì có lẽ giờ đây, thị không phải trả giá đắt như vậy. Thị mới ngoài 30 tuổi, có công danh, sự nghiệp vững vàng, có gia đình, con cái… Cuộc sống ấy đã có biết bao nhiêu người mơ ước. Vậy mà chỉ vì lòng tham, vì những vụ lợi, toan tính cá nhân mà thị đã đánh đổi tất cả.

Sau nhiều lần xét xử, sáng 23/8, TAND tỉnh Nghệ An tuyên phạt bị cáo Trần Thị Ngọc Hà mức án “chung thân” về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Đồng thời buộc bị cáo và chồng bị cáo là Nguyễn Trường Trung phải có trách nhiệm liên đới bồi thường số tiền 23 tỷ 883 triệu đồng cho 14 người bị hại. Phiên tòa kết thúc, nhưng sự bất an, lo lắng của hàng chục người bị hại vẫn chưa thể chấm dứt. Số tiền họ cho Hà vay là số tiền không hề nhỏ, có những người dù có kiếm cả đời cũng không bao giờ có được.

Mức án của Hà và những món nợ lớn là bài học cho những người nhẹ dạ cả tin, kém hiểu biết về pháp luật, ham lợi nhuận trước mắt mà quên rằng đồng tiền làm ra phải được trả giá bằng trí tuệ, mồ hôi thậm chí là nước mắt mới là đồng tiền trong sạch và bền vững.


Đoàn Thị Hoàng

Mới nhất
x
Lừa đảo gần 24 tỷ đồng, cựu cán bộ lãnh án chung thân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO