Lúa lai, lợn thịt khó tiêu thụ
Lúa lai rẻ cũng vẫn không bán được
Đầu tiên là mặt hàng lúa hiện nay rất khó tiêu thụ. Anh Nguyễn Thọ Nhân ở xóm Lộc Thành xã Nam Thành, Yên Thành than thở: “Gia đình tôi làm 5 sào lúa, tất cả mọi chi tiêu đều nhìn vào hạt lúa, dự định sẽ bán khoảng 2 tấn lúa để lo trang trải nợ đầu vụ và đóng các khoản tiền học cho con, vậy mà bị chê là... lúa lai nên không bán được. Do cần tiền gấp nên tôi phải bán 2 tấn lúa chỉ với giá 4.800 đ/kg.
Chị Nguyễn Thị Ngà cũng ở xã Nam Thành tâm sự: “Theo chủ trương của xã, thâm canh tăng năng suất thì chỉ bằng cách là gieo cấy các giống lúa lai. Gia đình tôi có 6 sào thì 4 sào làm giống lúa lai, thời điểm này cần tiền gấp thì lại không bán được. Không bán được lúa sẽ phải nợ tiền thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, phân bón, vận chuyển… Mà có bán được thì tính ra cũng hoà vốn. Chúng tôi thắc mắc là trước mùa vụ chính quyền và các ngành liên quan khuyến cáo bà con trồng lúa lai, đến khi thu mua thì lại không tiêu thụ lúa lai”. Được biết, xã Nam Thành vụ đông xuân có trên 260 ha diện tích lúa, trong đó cơ cấu trên 70% là giống lai, năng suất đạt bình quân 70 tạ/ha/vụ. Do đầu ra khó khăn nên lúa lai vẫn đang tồn đọng trong dân khá nhiều.
Lợn chờ xuất chuồng tại trang trại ông Trần Đức Lợi - Văn Sơn - Đô Lương
Anh Nguyễn Đăng Thắng ở xã Nam Thành, người chuyên thu mua gạo, lúa trên địa bàn huyện Yên Thành nói: Riêng cơ sở chúng tôi mỗi ngày thu mua từ 70-100 tấn lúa, gạo bán qua thị trường Trung Quốc, chủ yếu là lúa khang dân 18, vì lúa lai phía Trung Quốc cũng không nhập.
Ông Phạm Thanh Yên-Phó cục trưởng Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Nghệ Tĩnh cho biết thêm: Theo chỉ đạo của Bộ Tài chính -Tổng cục Dự trữ Nhà Nước, vụ đông xuân năm 2012 Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Nghệ Tĩnh sẽ thu mua 9.000 tấn thóc và mua bổ sung thêm 1.600 tấn thóc. Đến thời điểm này Cục đã thu mua được 7.340 tấn (chủ yếu là lúa Khang dân 18, BC 15), dự tính sẽ mua đủ như cam kết vào 30/7. Được hỏi vì sao Cục không thu mua lúa lai cho dân ông Yên trả lời: Lúa lai do phẩm cấp thấp, cấu tạo hình vỏ dễ nứt, khó bảo quản, vì vậy, Cục chỉ ưu tiên thu mua các giống lúa thuần.
Người chăn nuôi lợn khốn đốn vì đầu ra
Tại trang trại lợn ở xóm 3 xã Văn Sơn - Đô Lương, ông Trần Đức Lợi buồn bã nói: Trang trại hiện có 70 con lợn, trong đó có 65 lợn thịt đã “quá lứa” chờ xuất chuồng. Nhưng giá lợn rẻ quá, mấy tháng trước họ trả 46.000 đ/kg hơi mà nay chỉ trả 37.000 đ/kg hơi, mỗi ngày nuôi ăn cầm cự hết trên 700.000 đ. Rẻ rồi cũng phải bán tống bán tháo chứ để trong chuồng ngày nào tốn kém ngày đó. Xã Văn Sơn có 3 trang trại lợn, có hàng trăm lợn thịt do giá rẻ nên chưa tiêu thụ được, thậm chí thời gian này nhiều tư thương nghỉ mua hàng nên nhiều hộ dân không bán được lợn.
Chị Trần Thị Đào ở xóm Trung Hậu xã Nhân Thành –Yên Thành kể: “Gia đình tôi vừa bán được 4 con lợn thịt nặng khoảng 300 kg chỉ với giá 35.000 đ/kg, nuôi trong vòng 5 tháng trừ chi phí … tính ra còn lỗ”. Anh Nguyễn Xuân Hạnh ở cùng xã hiện có 13 lợn thịt đã xuất chuồng được nhưng do tư thương ép giá quá rẻ nên cũng chưa bán.
Được biết, hiện nay nhiều tư thương, lái buôn lâu nay thu mua lợn thịt bán sang Trung Quốc nhưng do thời điểm này bùng phát dịch tai xanh ở một số địa phương nên phía Trung Quốc ngừng mua. Vì vậy, nguồn lợn thịt đã đến tuổi xuất chuồng “tồn” trong dân khá nhiều. Hiện bà con chủ yếu chỉ bán “nhỏ giọt” cho các tay buôn nhỏ mổ lợn bán thịt ở các chợ quê.
Ông Lưu Công Hoà -Trưởng phòng Chăn nuôi – Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn nói: “Trong năm nay người chăn nuôi gặp nhiều khó khăn, giai đoạn tháng 5-6 do ảnh hưởng việc sử dụng chất cấm trong thức ăn chăn nuôi, tháng 7 dịch cúm gia cầm và dịch tai xanh. Do giá rẻ nên nguồn lợn thịt chủ yếu đang tiêu thụ nội bộ, Đến thời điểm này, địa bàn Nghệ An đang có khoảng trên 200.000 con lợn thịt cần phải tiêu thụ. Để phát triển chăn nuôi trong giai đoạn hiện nay, chúng tôi khuyến cao bà con cần tận dụng thức ăn tại nhà để phối trộn nhằm giảm giá thành, tính toán thị trường đầu ra cho từng lứa lợn, các địa phương tập trung khống chế dịch tai xanh để dần ổn định đầu ra cho lợn”.
Văn Trường