Lúa trổ bông lép hạt - Bài học không tuân thủ lịch thời vụ
(Baonghean) - Thời gian qua, nhiều diện tích lúa trên địa bàn tỉnh ta trổ bông đúng vào dịp rét, lúa không phơi mao được nên có hiện tượng lép hạt, ảnh hưởng đến năng suất lúa vụ xuân. Nguyên nhân những diện tích lúa trổ vào dịp rét là do các địa phương không nghiêm túc thực hiện đúng lịch thời vụ.
Chị Cao Sương ở xóm 8 - Diễn Thái - Diễn Châu xót xa nhìn những ruộng lúa phất phơ bông, buồn bã: Gia đình làm được 5 sào lúa, chủ yếu giống Nhị ưu 986 và Khang dân. Tất cả diện tích lúa đều trổ bông vào đúng dịp giá rét, bông lúa đều bị thâm đen mà dân địa phương gọi là “bầm ruồi”. Theo chị Sương thì vụ xuân năm trước bình quân đạt 3,5 tạ/sào, nay lúa bị lép hạt ước tính chỉ đạt chưa đầy 2 tạ/sào, có nghĩa là mỗi sào sẽ bị mất trắng trên 150 kg thóc. Chị Cao Triều (cũng ở xóm 8, Diễn Thái) than thở: Cả 2 sào lúa giống Nhị ưu 986 vừa bật hạt lên gặp giá lạnh nên bị đen lốm đốm. Bao nhiêu công sức, tiền phân bón đầu tư cho lúa thì đều mất cả rồi. Thế chị có gieo cấy đúng lịch thời vụ không? - Tôi hỏi. Chị Triều nói: Nhà tôi ra mạ sớm hơn so với lịch thời vụ của xã khoảng hơn 10 ngày.
Cánh đồng lúa ở xã Quỳnh Văn - Quỳnh Lưu trổ vào dịp rét bị lép hạt.
Ông Nguyễn Xuân Bằng - Chủ nhiệm HTX dịch vụ nông nghiệp Diễn Thái lại khẳng định: Toàn xã có 374 ha lúa tuyệt đối không có diện tích nào trổ vào dịp rét! Khi hỏi xã gieo cấy các giống lúa nào và các trà lúa cấy theo lịch thời vụ vào thời gian nào, thì ông Bằng ú ớ đọc sai hết các tên giống lúa và cũng chẳng nhớ lịch ra mạ và cấy và bảo chúng tôi lên gặp chủ tịch xã mà hỏi. Ông Nguyễn Văn Trọng - Chủ tịch UBND xã Diễn Thái thì khoe với phóng viên: “Xã làm quyết liệt lắm, chỉ đạo bà con gieo cấy đúng lịch thời vụ, vừa rồi Bí thư Huyện uỷ về kiểm tra tình hình nông nghiệp, mọi chuyện đều ổn”. Khi chúng tôi đưa ra vấn đề nhiều ruộng lúa của Diễn Thái bị đen và lép hạt thì ông Trọng mới thừa nhận là diện tích lúa trổ vào dịp rét chiếm khoảng 20-30% do bà con cấy sớm trên 10 ngày so với lịch của huyện Diễn Châu. Tuy nhiên theo nhiều bà con ở Diễn Thái cho biết thì lịch chênh đến gần 20 ngày.
Tại xã Diễn Đồng cũng có nhiều diện tích lúa trổ gặp rét. Ông Thường ở xóm 2, Diễn Đồng kể: Đầu vụ thấy trời nắng ấm là chúng tôi gieo cấy, ai ngờ lúa trổ cả 5 sào vào dịp rét, vụ này sẽ mất mùa đau. Ông Tăng Hùng - Chủ tịch UBND xã Diễn Đồng cho hay: Diễn Đồng có 320 ha lúa xuân thì diện tích trổ vào dịp rét chỉ khoảng 15%. Trong khi nhiều người dân khẳng định phải chiếm gần 40% diện tích lúa trổ vào dịp rét. Ông Tăng Hùng cũng thừa nhận bà con ra mạ sớm hơn lịch của huyện trên 10 ngày. Ông Vinh - Trưởng phòng Nông nghiệp Diễn Châu cho biết: Toàn huyện có 9.100 ha lúa xuân, trong đó có khoảng gần 1.000 ha trổ vào thời điểm rét. Hầu hết các diện tích trên do bà con không tuân thủ đúng lịch thời vụ. Cách khắc phục hiện nay rất khó khăn vì lúa đã trổ bông xuất hiện lem lép hạt, năng suất vụ xuân giảm là khó tránh khỏi.
Tại Yên Thành, nhiều diện tích lúa bị lép hạt, mất mùa vụ xuân đang hiện hữu. Chị Thái Thị Thuỷ ở xóm 9 Xuân Thành - Yên Thành đang thăm lúa trên cánh đồng Trung Lái, cho hay: 3 sào lúa trổ đúng dịp rét, chúng tôi đã triển khai phun thuốc để phục hồi nhưng xem ra không khả quan. Ông Lê Văn Hải - Chủ tịch UBND xã Xuân Thành thành thật cho biết: Vụ xuân này Xuân Thành gieo cấy 398 ha, trong đó diện tích trổ vào dịp rét chiếm trên 80%, vụ này sẽ ảnh hưởng đến năng suất. Xã đã chỉ đạo các xóm tập trung phun thuốc kích thích để cứu lúa. Ông Đào Ngọc Hùng - Quyền trưởng phòng Nông nghiệp huyện Yên Thành nói: Yên Thành có 13.200 ha lúa xuân, có khoảng trên 2000 ha trổ vào dịp rét. Huyện đã chỉ đạo quyết liệt lịch thời vụ, tuy nhiên một số cán bộ các xã không quan tâm bám sát, chỉ đạo nên dẫn đến tình trạng bà con ở nhiều địa phương gieo cấy tự do và cấy sớm hơn lịch thời vụ quy định từ 10-12 ngày.
Ông Từ Trọng Kim - Trưởng phòng Trồng trọt - Sở Nông nghiệp & PTNT cho biết: Toàn tỉnh gieo cấy vụ xuân trên 88.000 ha, trong đó diện tích trổ vào dịp rét ước tính trên 10.000 ha. Diện tích bị mất là do các địa phương không nghiêm túc chấp hành lịch thời vụ, chủ yếu các huyện Diễn Châu, Yên Thành, Đô Lương… Điều bất cập là nhiều loại giống lúa dài và ngắn ngày đều được bà con ra mạ và gieo cấy cùng một thời điểm, nên nhiều khi giống ngắn ngày thường trổ vào dịp rét. Lúa trổ vào dịp rét, nhiệt độ thấp, khả năng thụ phấn kém, đặc biệt là lúa không phơi mao được nên xảy ra hiện tượng lép hạt. Để khắc phục thực trạng trên, nhiều địa phương đã thực hiện phun một số loại thuốc kích thích để chống lép hạt. Tuy nhiên, năng suất lúa giảm khó tránh khỏi.
Sản xuất nông nghiệp không tuân thủ lịch thời vụ nguy cơ thiệt hại dễ thấy, các địa phương cần tăng cường giám sát, chỉ đạo sản xuất để tránh tình trạng “mạnh ai nấy làm”. Đồng thời phải làm rõ trách nhiệm đối với các cán bộ liên quan từ cấp xóm, xã, huyện và tỉnh không bám sát, chỉ đạo gieo cấy đúng lịch thời vụ.
Bài, ảnh: Văn Trường