Luật Báo chí mới: Nghiêm cấm quy kết tội danh khi chưa có bản án của Tòa án
Đây là quy định của Luật Báo chí sửa đổi sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2016. Quy định này cụ thể hóa một nguyên tắc của Hiến pháp 2013, nguyên tắc suy đoán vô tội, bảo vệ quyền công dân, quyền con người.
Thực tiễn, qua quá trình phát triển, báo chí Việt Nam cũng đã có nhiều bước tiến trong việc loại bỏ “ngôn từ” quy kết tội danh. Chẳng hạn, ngày trước nhiều báo khi đăng tin về tội phạm thường gọi là “hắn”, là “kẻ”, là tên, nhưng hiện tại, với tinh thần của Hiến pháp 2013 và nguyên tắc suy đoán vô tội trong các bản hiến pháp, pháp luật trước, các báo đã chuyển hướng gọi người bị nghi là phạm tội, bị tạm giữ, tạm giam là “nghi can”, “nghi phạm”.
Trước đây, trong một lần trả lời PV về việc đăng ảnh ký họa chân dung nghi can, nghi phạm trên báo, Blogger Hiệu Minh, cựu chuyên gia CNTT của Ngân hàng Thế giới, chia sẻ: “Tôi sống ở nước ngoài khá lâu, tôi rất ngạc nhiên với cách báo chí Việt Nam rất hay kết tội thay tòa án. Đó là cách hoàn toàn không hay, cho đến gần đây báo chí đã có cải tiến rất nhiều về cách gọi người ta là nghi can, nghi phạm. Đó là những từ thường dùng báo chí khi tòa chưa có kết luận thể hiện một tiến bộ mà chúng ta đều nhìn thấy rõ”.
Ông Hiệu Minh còn cung cấp thêm: “Ở nước ngoài họ rất tôn trọng quyền riêng tư. Nếu người đưa thông tin đó lên mà bị kiện ngược lại thì rất nguy hiểm. Khi dự phiên tòa, thường những người dự phiên tòa dùng bút chì vẽ, sau đó các báo sử dụng bức vẽ đó để đưa lên báo. Trừ những vụ án gây tranh cãi và phải có thỏa thuận của các bên thì mới đưa hình ảnh truyền hình trực tiếp. Nếu không có thỏa thuận thì tuyệt đối không được”.
Ảnh minh họa |
Nói về vấn đề này từ góc nhìn của chuyên gia pháp luật, Luật sư Phạm Công Út, Văn phòng luật sư Phạm Nghiêm (Đoàn luật sư Tp HCM) cho rằng: “Khi ta nhắc đến việc tuân thủ Hiến pháp thì trong trường hợp này và các trường hợp tương tự khác khi đối xử với nghi phạm, ta phải tuân thủ Điều 31 Hiến Pháp : “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”. Điều Hiến định này cũng đã được cụ thể thành những quy phạm pháp luật trong Bộ Luật Hình sự 2015 và Bộ Luật tố tụng hình sự 2015”.
Điều 9. Các hành vi bị nghiêm cấm 1. Đăng, phát thông tin chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có nội dung: a) Xuyên tạc, phỉ báng, phủ nhận chính quyền nhân dân; b) Bịa đặt, gây hoang mang trong Nhân dân; c) Gây chiến tranh tâm lý. 2. Đăng, phát thông tin có nội dung: a) Gây chia rẽ giữa các tầng lớp nhân dân, giữa Nhân dân với chính quyền nhân dân, với lực lượng vũ trang nhân dân, với tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; b) Gây hằn thù, kỳ thị, chia rẽ, ly khai dân tộc, xâm phạm quyền bình đẳng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam; c) Gây chia rẽ người theo tôn giáo với người không theo tôn giáo, giữa người theo các tôn giáo khác nhau, chia rẽ các tín đồ tôn giáo với chính quyền nhân dân, với tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; xúc phạm niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo; d) Phá hoại việc thực hiện chính sách đoàn kết quốc tế. 3. Đăng, phát thông tin có nội dung kích động chiến tranh nhằm chống lại độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. 4. Xuyên tạc lịch sử; phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, anh hùng dân tộc. 5. Tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác theo quy định của pháp luật. 6. Thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan; thông tin về những chuyện thần bí gây hoang mang trong xã hội, ảnh hưởng xấu đến trật tự, an toàn xã hội và sức khỏe của cộng đồng. 7. Kích động bạo lực; tuyên truyền lối sống đồi trụy; miêu tả tỉ mỉ những hành động dâm ô, hành vi tội ác; thông tin không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam. 8. Thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; quy kết tội danh khi chưa có bản án của Tòa án. 9. Thông tin ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường về thể chất và tinh thần của trẻ em. 10. In, phát hành, truyền dẫn, phát sóng sản phẩm báo chí, tác phẩm báo chí, nội dung thông tin trong tác phẩm báo chí đã bị đình chỉ phát hành, thu hồi, tịch thu, cấm lưu hành, gỡ bỏ, tiêu hủy hoặc nội dung thông tin mà cơ quan báo chí đã có cải chính. 11. Cản trở việc in, phát hành, truyền dẫn, phát sóng sản phẩm báo chí, sản phẩm thông tin có tính chất báo chí hợp pháp tới công chúng. 12. Đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên; phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo, phóng viên hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật. 13. Đăng, phát trên sản phẩm thông tin có tính chất báo chí thông tin quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9 và 10 của Điều này. |
Theo Infonet
TIN LIÊN QUAN |
---|