Luật Đất đai 2013: Hạn chế cơ bản những bất cập

25/02/2014 11:15

(Baonghean) - Luật Đất đai năm 2013 được Quốc hội thông qua ngày 29/11/2013 sẽ có hiệu lực thi hành vào ngày 1/7/2014. Phóng viên Báo Nghệ An đã có cuộc trao đổi với đồng chí Võ Duy Việt - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở TN&MT một số vấn đề xung quanh đạo luật này.

PV: Thưa đồng chí! Đồng chí có nhận xét gì về Luật Đất đai năm 2013?

Đồng chí Võ Duy Việt: Đây là dự án luật đã được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, trên cơ sở kết quả

Đồng chí Võ Duy Việt.
Đồng chí Võ Duy Việt.
Tổng kết Luật Đất đai 2003 và nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế phù hợp; đồng thời đã thể chế hóa đầy đủ quan điểm, định hướng theo tinh thần Nghị quyết số 19- NQ/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Có thể nói ngắn gọn, Luật Đất đai được Quốc hội thông qua lần này có nhiều điểm đổi mới rất quan trọng, đã hạn chế được cơ bản những bất cập của Luật Đất đai năm 2003.

P.V: Theo Bộ TN&MT, Luật Đất đai năm 2013 quy định cụ thể hơn về các quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất; tăng cường hơn nữa việc công khai, minh bạch và dân chủ trong quản lý sử dụng đất; quan tâm hơn đến đảm bảo quyền sử dụng đất cho nhóm người dễ bị tổn thương như phụ nữ, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số... Ông có thể phân tích rõ hơn về vấn đề này?

Đồng chí Võ Duy Việt: Luật Đất đai năm 2013, có 9 nội dung đổi mới quan trọng như sau:

1. Quy định một cách cụ thể hơn quyền và trách nhiệm Nhà nước, những bảo đảm của Nhà nước đối với người sử dụng đất; các quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất phù hợp với từng đối tượng, từng hình thức sử dụng đất và điều kiện để thực hiện các quyền của người sử dụng đất.

2. Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật đất đai đối với khu vực nông nghiệp nhằm tạo điều kiện đẩy mạnh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn; đồng thời đảm bảo mục tiêu an ninh lương thực quốc gia và bảo vệ môi trường.

3. Quan tâm đến vấn đề chất lượng đất, đổi mới công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nhằm đáp ứng được yêu cầu quản lý đất đai của từng cấp hành chính, đồng thời góp phần khai thác tốt hơn tài nguyên đất đai.

Đất quy hoạch nhà ở tại phường Lê Lợi (TP. Vinh).Ảnh: H.V
Đất quy hoạch nhà ở tại phường Lê Lợi (TP. Vinh). Ảnh: H.V

4. Tăng cường hơn việc vận hành các quan hệ đất đai theo cơ chế thị trường, tiến tới xóa bỏ bao cấp trong quản lý, sử dụng đất đai.

5. Hoàn thiện hơn cơ chế nhằm phát huy nguồn lực từ đất đai thông qua quy định Nhà nước chủ động thu hồi đất theo kế hoạch sử dụng đất.

6. Tăng cường hơn công khai, minh bạch và dân chủ trong quản lý, sử dụng đất.

7. Thiết lập sự bình đẳng trong việc tiếp cận đất đai, thực hiện quyền và nghĩa vụ sử dụng đất giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài cho phù hợp với yêu cầu hội nhập và thu hút đầu tư.

8. Quan tâm hơn đến việc đảm bảo quyền sử dụng đất cho nhóm người dễ bị tổn thương như phụ nữ, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số.

9. Luật hóa và quy định cụ thể trong Luật nhiều nội dung, đặc biệt là các nội dung có liên quan đến quyền và lợi ích của người sử dụng đất như thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Các nội dung trên đã khẳng định rằng, với những gì được nêu tại Luật Đất đai sửa đổi năm 2013 đã thể hiện rất rõ quan điểm của Đảng, Nhà nước ta, một mặt khẳng định quyền của Nhà nước, mặt khác quan tâm sâu sát tới quyền, lợi ích của các tầng lớp nhân dân. Một ví dụ rất rõ là về thay đổi thời hạn giao đất nông nghiệp. Trước đây, người sử dụng đất nông nghiệp được giao đất có thời hạn 20 năm. Theo Điều 126, Mục 1. Chương X về chế độ sử dụng đất của Luật Đất đai 2013, thời hạn giao đất, công nhận quyền sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất lên tới 50 năm. Đây là một khoảng thời gian rất dài. Với khoảng thời gian này, những hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất được làm chủ thực sự phần diện tích đất được cơ quan có thẩm quyền giao của mình. Họ và những thế hệ kế cận sẽ gắn bó với đất, an tâm đầu tư canh tác hiệu quả lâu dài.

Điều này cũng thể hiện tại quy định về việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất. Luật đất đai năm 2003 chỉ có 2 điều (Điều 42 và Điều 43) quy định về việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho người có đất bị thu hồi. Nay Luật đất đai đã dành tới 2 mục với 21 điều (từ Điều 74 đến Điều 94) để quy định về việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Những quy định nêu ra khá cụ thể, chi tiết và sát thực với người được giao quyền sử dụng đất.

Từ quy định cụ thể nguyên tắc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất như: người sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi đất nếu có đủ điều kiện thì được bồi thường bằng việc giao đất mới có cùng mục đích sử dụng với loại đất bị thu hồi, nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi; việc bồi thường, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất phải đảm bảo dân chủ, khách quan, công bằng, công khai và đúng quy định của pháp luật; cơ quan có trách nhiệm chi trả tiền bồi thường phải chi trả kịp thời cho người có đất bị thu hồi (Điều 74). Hoặc về điều kiện để được bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất, Luật đã bổ sung thêm trường hợp "sử dụng đất thuê trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê" thì được bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất (Điều 75). Hay như quy định giá đất cũng vậy, giá đất để tính bồi thường được xác định theo mục đích sử dụng đất tại thời điểm có quyết định thu hồi đất...

Tôi có thể nêu thêm một ví dụ nữa để khẳng định sự quan tâm sâu sát của Đảng, Nhà nước đến các tầng lớp nhân dân, đó là tại Điểm b, c, khoản 1, Điều 110, Chương VIII về tài chính và giá đất của Luật Đất đai 2013 có bổ sung các trường hợp được miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, gồm: sử dụng đất để thực hiện chính sách nhà ở, đất ở đối với người có công với cách mạng, hộ gia đình nghèo, hộ gia đình, cá nhân là dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn, vùng biên giới, hải đảo; sử dụng đất để xây dựng nhà ở xã hội; đất ở cho người phải di dời khi Nhà nước thu hồi đất do có nguy cơ đe dọa tính mạng con người; sử dụng đất sản xuất nông nghiệp đối với đồng bào dân tộc thiểu số...

P.V: Được biết, trong nhiều năm qua ở tỉnh ta, việc khiếu kiện liên quan đến vấn đề đất đai chiếm đa số, từ 80 - 90%. Có nhiều nguyên nhân, nhưng trong đó có một phần là do Luật Đất đai năm 2003 và một số nghị định, thông tư, quy định... liên quan còn có những điểm chưa phù hợp, thậm chí chồng chéo. Xin hỏi đồng chí, Luật Đất đai năm 2013 có giải quyết được vấn đề nêu trên hay không?

Đồng chí Võ Duy Việt: Luật Đất đai 2013 đã quy định rất rõ các quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất; trách nhiệm của các cơ quan quản lý và các vấn đề liên quan đến đất đai. Bên cạnh đó, Luật cũng dành hẳn một chương với 2 mục, 12 điều để quy định về giám sát, thanh tra, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về đất đai (Chương XIII). Trong đó, quy định về giám sát của Quốc hội, HĐND các cấp, MTTQ Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận về việc quản lý và sử dụng đất đai; giám sát của công dân đối với việc quản lý, sử dụng đất đai; hệ thống theo dõi và đánh giá đối với quản lý và sử dụng đất đai.

Quy định về thanh tra chuyên ngành đất đai; hoà giải tranh chấp đất đai; quy định về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai; giải quyết khiếu nại, khiếu kiện về đất đai; giải quyết tố cáo về đất đai; xử lý đối với người có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai; xử lý đối với người có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai khi thi hành công vụ trong lĩnh vực đất đai; về trách nhiệm của Chủ tịch UBND các cấp trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai... Tôi tin rằng với các điều khoản quy định rất chi tiết của Luật như vậy sẽ hạn chế được bất cập của Luật Đất đai 2003 và một số nghị định, thông tư, quy định... liên quan. Qua đó, sẽ giải quyết và giảm thiểu được các vụ việc khiếu kiện liên quan đến đất đai.

P.V: Luật Đất đai là một trong những đạo luật thu hút được sự quan tâm của toàn xã hội. Qua cuộc trao đổi, chúng tôi thấy rằng, việc tuyên truyền và phổ biến luật rất cần được đẩy mạnh. Đồng chí có thể cho biết, Sở TN&MT sẽ làm gì để Luật Đất đai năm 2013 được phổ biến đến toàn thể nhân dân trên địa bàn tỉnh?

Đồng chí Võ Duy Việt: Từ cuối năm 2013, Sở TN&MT đã xác định, công tác tuyên truyền phổ biến và tổ chức thực hiện Luật Đất đai năm 2013 là một công tác trọng tâm, xuyên suốt năm 2014. Ngay từ đầu năm, Sở TN&MT đã mời Vụ Chính sách đất đai của Tổng cục quản lý đất đai - Bộ TN&MT (là thành viên Ban soạn thảo Luật Đất đai) và là tỉnh đầu tiên trong cả nước để tập huấn bước 1 cho các cán bộ làm công tác quản lý TNMT cấp tỉnh và huyện, thành, thị, các sở, ban, ngành liên quan. Trong thời gian tới, Sở TN&MT sẽ phối hợp với các huyện, thành, thị tiếp tục tổ chức tập huấn Luật Đất đai 2013 đến tận cán bộ cấp cơ sở; từ đó, tuyên truyền sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân. Trong công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Đất đai, không thể không nhắc đến vai trò của các cơ quan truyền thông. Sở TN&MT mong muốn và hy vọng rằng, với sự vào cuộc đồng bộ các cấp ngành, sự tham gia của báo, đài thì Luật Đất đai 2013 sẽ thực sự đi vào cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế, xã hội tỉnh nhà.

P.V: Xin cảm ơn đồng chí đã dành thời gian cho Báo Nghệ An thực hiện cuộc trao đổi này!

Nhật Lân

Mới nhất
x
Luật Đất đai 2013: Hạn chế cơ bản những bất cập
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO