Luật Kế toán sửa đổi không làm khó người có bằng Cao đẳng, Trung cấp

21/10/2015 17:40

Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị giữ quy định người làm kế toán cần có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về kế toán như Luật hiện hành.

Một số quy định được đưa ra trong Dự thảo Luật Kế toán (sửa đổi) về tiêu chuẩn, quyền và trách nhiệm của người làm kế toán như: Có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, trung thực, liêm khiết, có ý thức chấp hành pháp luật cũng như quy định trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của người làm công tác kế toán… đã nhận được nhiều ý kiến khác nhau của các Đại biểu Quốc hội.

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Kế toán (sửa đổi), Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban tài chính, ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, đối với ý kiến đề nghị nâng tiêu chuẩn và điều kiện của người làm kế toán phải bằng Trung cấp trở lên sẽ góp phần nâng cao chất lượng công tác kế toán.

Tuy nhiên, trong thực tiễn thời gian qua, những người có trình độ về kế toán từ Trung cấp trở lên đã được đào tạo rất nhiều, song tình trạng thiếu kế toán tại các đơn vị kế toán quy mô nhỏ ở các xã vùng sâu, vùng xa vẫn xảy ra. Do vậy, để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đề nghị Quốc hội cho phép giữ quy định người làm kế toán cần có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về kế toán như Luật hiện hành, tùy thuộc vào điều kiện nguồn nhân lực và yêu cầu của đơn vị kế toán để bố trí người làm kế toán cho phù hợp.

Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị giữ quy định người làm kế toán cần có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về kế toán như Luật hiện hành.
Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị giữ quy định người làm kế toán cần có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về kế toán như Luật hiện hành.

Đối với quy định về điều kiện cấp Chứng chỉ kế toán viên, người được cấp Chứng chỉ phải có bằng Đại học, UBTVQH nhận được nhiều ý kiến cho biết, hiện nay nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa chỉ thuê kế toán có trình độ Trung cấp, không nhất thiết phải thuê người có trình độ Đại học. Do đó, nếu quy định như Dự thảo luật sẽ khiến nhiều người có trình độ Trung cấp, Cao đẳng kế toán không có việc làm.

UBTVQH cho rằng, đây là quy định áp dụng cho những người muốn trở thành kế toán viên hành nghề để kinh doanh dịch vụ kế toán, không áp dụng bắt buộc cho tất cả các cá nhân làm công tác kế toán. Dự thảo Luật cũng không giới hạn chỉ người có chứng chỉ kế toán viên mới được làm công tác kế toán, do đó sẽ không ảnh hưởng đến công việc của người làm kế toán có trình độ Cao đẳng, Trung cấp.

Tiếp thu những ý kiến đề nghị không bổ sung Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề và Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán, UBTVQH nhận thấy, trong thực tiễn có nhiều trường hợp có nhu cầu thi để lấy Chứng chỉ kế toán viên nhưng không hành nghề dịch vụ kế toán. Do đó, quy định về Giấy chứng nhận hành nghề dịch vụ kế toán như Dự thảo luật sẽ giúp cơ quan quản lý nhà nước kiểm soát tốt hơn về lĩnh vực này.

Mặt khác, theo quy định hiện hành, do chỉ dừng ở khâu đăng ký, không cấp Giấy chứng nhận điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán nên đã phát sinh nhiều bất cập trong thực tiễn, khó khăn trong kiểm soát cá nhân, tổ chức khi hành nghề dịch vụ kế toán. Trong khi đây là loại hình kinh doanh có điều kiện, nên việc đăng ký và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ sẽ góp phần tăng cường quản lý đối với loại hình dịch vụ này.

Bộ Tài chính quy định thi và cấp Chứng chỉ kế toán viên

Tại Dự thảo Luật kế toán (sửa đổi) quy định cơ quan có thẩm quyền tổ chức thi, cấp Chứng chỉ kế toán viên, UBTVQH cho biết, theo thông lệ quốc tế, việc tổ chức thi, cấp chứng chỉ kế toán viên được giao cho Hội nghề nghiệp thực hiện. Hiện nay, hội nghề nghiệp về kế toán đang thực hiện đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, phối hợp với Bộ Tài chính trong việc xây dựng các văn bản pháp luật (kể cả xây dựng chuẩn mực kế toán), thi cấp Chứng chỉ kế toán viên, giám sát hội viên...

Tuy nhiên, để có lộ trình cho Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam hoàn thiện tổ chức bộ máy và nhân lực, Dự thảo Luật quy định Bộ Tài chính quy định điều kiện dự thi, đơn vị tổ chức thi và cách thức tổ chức thi, tổ chức việc thi và cấp Chứng chỉ kế toán viên vì đây là công việc của cơ quan quản lý nhà nước.

Về loại hình kinh doanh dịch vụ kế toán, UBTVQH nhận thấy đây là loại hình kinh doanh có điều kiện, chất lượng dịch vụ dựa trên trình độ chuyên môn và kinh nghiệm nghề nghiệp của người hành nghề, đòi hỏi gắn với trách nhiệm nghề nghiệp kế toán và có khống chế tỷ lệ tham gia vốn của các tổ chức. Do đó, việc quy định tỷ lệ góp vốn là cần thiết.

Tuy nhiên, để bảo đảm tính linh hoạt trong điều hành, phù hợp với tình hình thực tiễn trong từng giai đoạn, do đó Dự thảo luật sẽ điều chỉnh theo hướng không quy định tỷ lệ vốn góp cụ thể của kế toán viên hành nghề và của tổ chức, giao Chính phủ quy định (tương tự Luật Kiểm toán độc lập).

Đối với việc quy định tối thiếu số lượng kế toán viên hành nghề tại doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng, quy mô hoạt động của doanh nghiệp dịch vụ kế toán, hướng tới mục tiêu nâng cao năng lực chuyên môn, chất lượng cung cấp dịch vụ. Tiếp thu ý kiến đại biểu nêu, nếu quy định phải có ít nhất 3 kế toán viên hành nghề trong các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp trong khi số lượng kế toán viên có chứng chỉ hành nghề còn hạn chế. Do đó, UBTVQH đã chỉnh sửa lại và thể hiện tại Điều 61 của Dự thảo luật.

UBTVQH cũng cho biết, để bảo đảm thống nhất trong kỳ kế toán như quy định của Luật này thì cần áp dụng từ đầu năm, nếu quy định hiệu lực thi hành của Luật Kế toán sửa đổi từ ngày 1/1/2016 sẽ quá gấp, không đủ thời gian cho Chính phủ, Bộ Tài chính nghiên cứu quy định các nội dung trong Luật cũng như chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thi hành. Vì vậy, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho phép quy định hiệu lực thi hành của Luật từ ngày 1/1/2017 như Dự thảo luật./.

Theo VOV.VN

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Luật Kế toán sửa đổi không làm khó người có bằng Cao đẳng, Trung cấp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO