"Lung Tịch" của bà con tái định cư

15/10/2009 11:29

Người dân khu tái định cư Thủy điện bản Vẽ đều gọi ông với cái tên trìu mến " lung Tịch" (tiếng Thái nghĩa là bác Tịch). Bời vì, ông chăm lo cho bà con, cùng khổ với bà con những ngày đầu mới về vùng đất mới. Ông là Trương Công Tịch, hiện nay đang giữ chức vụ Chánh VP UBND huyện Thanh Chương, kiêm phụ trách công tác dân tộc.


Từ "tù tu" trên đất Huồi Tụ


Ông Trương Công Tịch.

Nhớ lại ngày lên với huyện rẻo cao Kỳ Sơn (7/1978) thực hiện chủ trương tăng cường cán bộ làm công tác vận động quần chúng, lúc ông mới 26 tuổi, vừa lên đến huyện, ông được điều động vào xã Huồi Tụ, một trong những xã hoàn toàn là đồng bào Mông. Hơn một ngàyròng rã đi bộ trên con đường lầy lội từ Mường Xén vào Huồi Tụ giúp ông hình dung về cuộc sống còn quá vất vả của bà con dân tộc nơi đây. 3 năm sống, làm việc tại xã Huồi Tụ, ông hết lòng giúp đỡ bà con, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền xã, bản, tích cực chỉ đạo phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, không di dân tự do trái phép.

Ông rút ra một điều rất căn bản trong công tác vận động quần chúng vùng đồng bào Mông, đó là muốn công tác dân vận thành công thì phải trực tiếp tiếp xúc, "làm thủng" tư tưởng người phụ nữ, người vợ trong gia đình đó. Có lần một gia đình người Mông ở bản Huổi Khả, vì muốn thử lòng ông nên mới bỏ bạc trắng ở nơi dễ mất trước khi đi rẫy. Nhìn thấy bạc trắng, ông liền gom lại cất đi và đợi chủ nhà về để trình bày sự việc. Khi biết chuyện, người vợ chủ nhà chỉ tủm tỉm cười nói "xá lùa..."(buồn cười quá!). Sau này ông mới biết họ thử lòng ông.


3 năm làm việc tại xã Huồi Tụ, trực tiếp sống với bà con ở các bản Huồi Khả, Huồi Lê, rồi Huồi Đun..., bà con ai cũng quý mến, tin yêu ông, gọi ông với cái tên trìu mến " tù tu" (tiếng Mông là con trai), xem ông như con cháu trong gia đình mình. Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tại xã Huồi Tụ, ông được chuyển ra Huyện ủy Kỳ Sơn giữ chức danh Phó Ban Tổ chức. Với thời gian thêm 5 năm nữa, ông có điều kiện đi nhiều địa bàn, tiếp xúc nhiều hơn với bà con các dân tộc. Hơn 8 năm công tác tại Kỳ Sơn là sự trăn trở, đồng cảm với đói nghèo, lạc hậu, quá thiệt thòi của đồng bào các dân tộc trên vùng cao này...

...đến "Lung Tịch" ở khu tái định cư


Ngày ông nhận chức vụ Trưởng phòng Dân tộc huyện Thanh Chương, nhiều người chưa hiểu nhiều về ông, vẫn cho rằng ông không bình thường, rằng thế này, thế nọ... Ở tuổi 53 nếu không thăng chức nữa thì cũng phải yên vị rồi về hưu, đằng này lại nhận chức " xương", bởi quản lý vùng dân tộc tái định cư không đơn giản chút nào. Lúc đầu chính ông cũng có một chút phân tâm nhưng nghĩ lại cấp ủy đã giao nhiệm vụ, tổ chức cũng đã nhìn người nên ông vui vẻ nhận trách nhiệm.


Thử thách đầu tiên của ông chỉ sau 9 ngày, 54 hộ bản Kim Liên, xã Kim Tiến (6/2/2006) là những hộ đầu tiên về khu tái định cư Thanh Chương thì có người lâm bệnh nặng. Lạ nước, lạ cái, bà con không biết chữa chạy ở đâu mới liên hệ bác Tịch. Ông nghĩ: bà con mới về đợt đầu chưa quen nên mới nhờ ông, thế là ông lặn lội thuê xe vào tận nơi chở người bệnh đến Bệnh viện đa khoa huyện. Rồi cũng chính ông liên hệ bác sĩ chạy chữa cho bà con. Lần đó, bệnh nhân bị bệnh suy tim nhưng thoát chết, gia đình người bệnh cảm động lắm.


Khu tái định cư Thuỷ điện bản Vẽ.


Bà con về khu tái định cư trồng sắn bạt ngàn tốt lút. Nhưng chỉ được 1 vụ, đến vụ sau thời tiết rét đậm sắn chết hàng loạt. Ông xin Nhà máy sắn vừa hỗ trợ giống, hỗ trợ thu mua sản phẩm cho bà con. Cách đây 2 năm, núi Đại Can cháy mà nguyên nhân do bà con đốt làm rẫy làm náo động cả huyện. Biết bà con không hiểu được nên đã vi phạm. Thế là ông một mặt huy động anh em phối hợp với lực lượng kiểm lâm tuyên truyền luật bảo vệ rừng, phân tích rõ cho bà con làm vậy là vi phạm pháp luật, nhờ đó rừng phòng hộ được bảo vệ, bà con không còn tái phạm.


Tình yêu thương, sự đồng cảm và trách nhiệm đối với dân của ông, bà con khu tái định cư ai cũng biết. Có những hôm vào công tác tại địa bàn lấy cớ xin xôi, thời điểm bà con đang dùng bữa, thấy trên mâm chỉ có măng luộc chấm muối trắng mà lòng ông se thắt lại. Tết cổ truyền đúng sáng mồng 1, ông mặc áo ấm, choàng áo mưa băng rừng vào khu tái định cư ăn tết với bà con trong sự ngạc nhiên của mọi người. Ngày đầu tiên của năm mới kết thúc, ông trở về nhà lòng ấm lại khi đã được chứng kiến bà con đón một cái tết vui vẻ, ấm cúng, an toàn trên vùng đất mới và lại càng vui hơn khi tấm lòng bà con gửi cho ông là những xâu bánh tét gói vội và mấy bắp hoa chuối rừng còn dính nhựa trắng.

Để giúp cho anh em trong phòng cũng như mọi người thuận lợi khi tiếp xúc với bà con, ông tự mình sáng tác bài ca " thông ngôn" Thái- Kinh gần 30 câu là những từ thông thường trong giao tiếp giữa tiếng Thái và tiếng Kinh: Em là Noọng, ải là Anh/ Noọng Xao/Em gái, trưởng thành hai mươi/Chào Bác/ Khỏe bọ Lung ơi/Vâng/ Khòi, nhăng khỏe, ấy lời cảm ơn... Chính sự gần gũi, trách nhiệm hết lòng của ông mà đã phần nào giúp cho công tác tái định cư công trình thủy điệnbản Vẽ đúng tiến độ, việc di cư gần hơn 1.800 hộ với gần 8.000 nhân khẩu sắp hoàn thành. Bà con tái định cư vẫn quen gọi ông là " lung Tịch" (bác Tịch) trìu mến, thân thương.


Hữu Nghĩa

Mới nhất
x
"Lung Tịch" của bà con tái định cư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO